Mấy ngày vừa qua, dư luận xôn xao về những sai sót của cuốn “Truyện Kiều” - Nguyễn Du do Ban Văn bản Hội Kiều học Việt Nam hiệu khảo, chú giải và NXB Trẻ ấn hành quý III năm 2015, ra mắt nhân dịp 250 năm kỷ niệm ngày sinh đại thi hào Nguyễn Du.
PGS, TS Nguyễn Hữu Sơn, Phó Viện trưởng Viện Văn học, Phó Tổng biên tập Tạp chí Nghiên cứu Văn học, thành viên hội đồng của Ban Văn bản Hội Kiều học Việt Nam đã có những chia sẻ thẳng thắn, cởi mở với Dân Việt xung quanh những ý kiến trái chiều.
Sai từ bản thảo vì không đồng thuận?
Thưa PGS, TS Nguyễn Hữu Sơn, cuốn "Truyện Kiều" do Ban Văn bản Hội Kiều học Việt Nam hiệu khảo, chú giải và NXB Trẻ ấn hành quý III năm 2015, gây xôn xao khi PGS, TS Đoàn Lê Giang chỉ ra mấy lỗi, trong đó có những lỗi như ghi chú thích Đạm Tiên là con trai, hay những câu “vi lô” thành” vi lau”, "thâm nghiêm" thành "thẳm nghiêm"…Là người trong Hội đồng biên soạn cuốn sách, ông nghĩ sao?
PGS, TS Nguyễn Hữu Sơn. Ảnh: Thanh Hà
- Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của PGS, TS Đoàn Lê Giang. Chỉ có điều lời lẽ nên viết thế nào để đừng quá nặng nề, hãy nhìn trên quan điểm, thái độ trên tinh thần xây dựng.
Những chỗ sai mà PGS, TS Đoàn Lê Giang đã nêu, nếu nói là sai do lỗi chính tả, do đánh máy cũng không hoàn toàn đúng. Nguyên nhân chính là sai từ bản thảo, mà bản thảo sai cũng bởi không có sự đồng thuận cao từ chính hội đồng chuyên môn.
Dù sao, cuốn sách sai như vậy thì Ban Văn bản Hội Kiều học Việt Nam hiệu khảo phải chịu trách nhiệm. Và đồng thời NXB Trẻ cũng có phần trách nhiệm khi đưa ra một sản phẩm sai.
Tiến sĩ có thể nói rõ hơn về việc không có sự đồng thuận cao?
- Trong Ban Văn bản Hội Kiều học Việt Nam được chia ra làm hai nhóm. Một nhóm là những người tương đối học thuật và một nhóm những người thiên về kỹ thuật, như thư ký, thư ký hành chính, thư ký kiểm soát in ấn.
Trong nhóm làm chuyên môn cũng có hai luồng ý kiến khác nhau. Tôi và GS Trần Đình Sử rất muốn làm bản Kiều có được sự đồng thuận cao. Theo tôi không nên tạo ra những khác biệt, cần sự đồng thuận những câu chữ mang tính phổ cập.
Tuy nhiên một số thành viên khác lại cho rằng cần tìm tòi ra sự khác biệt, mới lạ. Ví dụ như câu: “…Âm thầm tiếng sóng…” thành “…Om thòm tiếng sóng…”.
Vậy khi xét duyệt bản thảo, ông có đưa ý kiến này ra trước hội đồng chuyên môn hay NXB Trẻ?
- Khi NXB Trẻ gửi tôi bản thảo, tôi đọc và cảm thấy lấn cấn về nội dung của bản thảo. Tôi đã trao đổi với NXB Trẻ, tôi rất lo về chất lượng, quy cách của bản thảo và đặt câu hỏi ai là người chịu trách nhiệm duyệt cuối cùng bản thảo trước khi mang đi in, tuy nhiên câu hỏi của tôi đã không được trả lời thích đáng. Ngay khi sách ra, tôi đọc và thấy chất lượng sách có vấn đề, tôi đã đề nghị NXB Trẻ cần thu hồi sách.
Nhất trí sẽ chỉnh lý, sửa sai
Thưa PGS, TS Nguyễn Hữu Sơn, để xây dựng một cuốn sách, đặc biệt cuốn “Truyện Kiều” thì cần phải xây dựng như thế nào. Và cuốn sách này đã dựa trên những nghiên cứu, tài liệu nào?
- Bản thảo cuối cùng của "Truyện Kiều" chưa thông qua hội đồng chuyên môn, chưa có chữ ký xác nhận của hội đồng chuyên môn.
Trong hội đồng chuyên môn không có người đứng ra cầm trịch để tránh tình trạng một thành viên thấy câu chữ này không ổn, gạt ra khỏi bản thảo, thì một thành viên khác lại cho vào.
Ngoài ra, theo đúng quy trình làm sách truyện Kiều, nên lấy 8 bản khảo dị chữ Nôm Truyện Kiều ở thế kỷ 19, sau đó tìm ra một bản chữ Nôm tương đối nhất làm trục chính, và những khảo dị khác sẽ được sắp xếp theo thứ tự để so sánh với bản trục chính. Ví dụ: “Trăm năm trong cõi người ta/Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau…”
Thì có những bản chữ Nôm lại viết là: “Trăm năm trong cõi người ta/Chữ tài chữ sắc khéo là ghét nhau…”
Theo tôi, phải tìm và khảo dị tất cả 7 bản chữ Nôm kia so với bản chữ Nôm trục chính để xem xét từ “sắc” hay từ “mệnh”, từ nào có đồng thuận cao thì sẽ điền vào câu thơ.
Tuy nhiên ở cuốn sách này, ngoài 8 bản khảo dị chữ Nôm Truyện Kiều, còn thêm 7 bản chữ Nôm chưa được kiểm tra chất lượng vì thế dẫn đến sự cọc cạch trong chú giải. Đặc biệt cuốn sách còn bị những điển tích, điển cố khiến cho chú giải thêm phần rườm rà, khó hiểu. Ví dụ như chỗ đoạn nói đến Đạm Tiên, lại đưa thêm điển tích Tống thư nên dẫn đến sai sót.
Vậy theo ông, giải pháp khắc phục là gì?
- Tôi đã từng nói trước đó với NXB Trẻ cũng như các thành viên hội của Ban văn bản Hội Kiều học Việt Nam rằng, việc đầu tiên cần làm lúc này là khảo dị bản chữ Nôm Truyện Kiều. Vừa qua, ngày 11.8, NXB Trẻ cùng với các hội đồng thành viên Ban văn bản Hội Kiều đã ngồi họp và nhất trí sẽ chỉnh lý, sửa sai.
Vào tháng 11 tới đây, tại Hà Tĩnh sẽ diễn ra cuộc hội thảo về Nguyễn Du – Truyện Kiều, có thể chúng tôi tính đến phương án, tái bản cuốn sách đã được chỉnh sửa.
Truyện Kiều có 3254 câu thơ, những từ khác nhau ở các bản khảo dị chữ Nôm là không nhiều. Tôi nghĩ, cuốn sách nên theo số đông độc giả, theo bản chữ Nôm thế kỷ 19, bản đã đi vào sách giáo khoa, lịch sử, chứ không nên cố gắng tìm tòi sự khác biệt, mới lạ.
Xin cảm ơn ông!
Trước đó, ông Nguyễn Khắc Bảo, Phó Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam, 1 trong 8 nhà nghiên cứu tham gia biên soạn cuốn “Truyện Kiều” mới phát hành thừa nhận sai sót về “sự cố chuyển giới" cho Đạm Tiên, đồng thời bày tỏ mong muốn nhận được đóng góp về cuốn sách của người đọc và các nhà nghiên cứu gần xa.
Về phía NXB Trẻ, đơn vị này cho biết, cuốn "Truyện Kiều" của Nguyễn Du được ấn hành trên cơ sở tôn trọng toàn bộ bản thảo của các nhà nghiên cứu thuộc Hội Kiều học. Sau khi nhận được phản hồi của Hội Kiều học, NBX Trẻ sẽ xem xét, hiệu chỉnh bản in tác phẩm để phục vụ bạn đọc một cách tốt nhất.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.