Theo đó, các thông tin nêu vào đêm 21/1/2016, sau khi đào, bứng cây sứ ở Đại Nội - Hoàng thành Huế từ tối cùng ngày, cây sứ to lớn trên 100 năm tuổi với thân cành to lớn được chở trên xe tải qua nhiều con đường dẫn lên khu vườn một giám đốc sở tên Sơn (ông Huỳnh Ngọc Sơn, Giám đốc Sở Tài chính - PV) tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Hiện khu vườn của vị giám đốc có 1 đến 3 cây sứ lâu năm nghi là khá giống với các cây sứ ở Đại Nội.
Cây sứ tại Đại Nội Huế được cho là đem lên vườn nhà 1 giám đốc sở để tặng (ảnh: internet)
Để làm rõ thông tin, chiều 7/9 PV đã có cuộc gặp trao đổi với TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Ông Hải đã tỏ ra rất bức xúc trước những luồng tin trên.
Ông Hải cho biết, trong toàn bộ di tích Huế hiện tại chỉ có khoảng 20% số cây xanh được trồng từ đời các vua Nguyễn là có nguồn gốc, định hướng việc trồng rõ ràng vào mục đích gì. Số còn lại được trồng tùy tiện giai đoạn sau 1945 (thời kỳ chế độ phong kiến triều Nguyễn tại Huế chấm dứt - PV), lúc Trung tâm Bảo tồn Di tích chưa tiếp quản di tích, đặc biệt một phần lớn có các cây tự mọc trên nền di tích.
Từ năm 2002, sau khi Trung tâm tiến hành đề tài số hóa cây xanh với Đại học Nông lâm Huế, xây dựng bản đồ cây xanh cho đến nay thì càng ngày Trung tâm càng chú trọng việc tu bổ, tôn tạo cảnh quan, cây xanh trong di tích vì đây là một thành phần rất quý trong Quần thể Di tích Cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Vào đầu tháng 1/2016, Phòng Cảnh quan môi trường của Trung tâm đã làm báo cáo đề xuất khảo sát cắt tỉa, hạ độ cao, xử lý cây chết, vệ sinh tầm gửi, di chuyển và điều chỉnh các cây xanh mọc không phù hợp (Sứ, Sanh, Thông, Mai…)… tại các điểm di tích thì Trung tâm đã quyết định thực hiện công việc trên với nhiều cây trong Đại Nội, các lăng vua.
“Trong số đó có 3 cây sứ đại lâu năm mọc trên nền móng điện Kiến Trung sẽ được bứng di chuyển lên vườn ươm của Trung tâm tại Văn Thánh. Tuy nhiên, đây là 3 cây mọc muộn sau 1947 vì tháng 2/1947 toàn bộ điện Kiến Trung và cây cối xung quanh bị bom đạn phá hủy sạch. Do đó các cây sứ này không phải do triều Nguyễn trồng, không phải là cây di sản mà mọc tự nhiên, chừng hơn 60 tuổi.
Cây sứ chở ra Đại Nội Huế lên vườn ươm Văn Thánh được ký sổ bảo vệ rõ ràng vào chiều 21/1
Kế hoạch bứng di chuyển của 3 cây sứ ở điện Kiến Trung - Đại Nội Huế lên vườn ươm
Cây sứ (đánh dấu đỏ) ở điện Kiến Trung được di chuyển lên vườn ươm
Thứ đến, điện Kiến Trung là nơi ở của vua. Theo quan niệm văn hóa ở Huế từ xưa đến giờ, sứ là loại cây không bao giờ được các vua trồng trực tiếp vào nơi ở của mình vì đây là cây đại diện cho thế giới bên kia, là cây tâm linh. Nếu trồng thì chỉ trồng xa nơi ở hoặc khu vực lăng mộ vua, các đền chùa, miếu mạo” – TS. Phan Thanh Hải khẳng định quan điểm.
Theo TS. Hải, do những lý do đó mà các cây sứ trên nằm trong kế hoạch di chuyển lên vườn ươm để chăm sóc vì thời gian tới, dự án quan trọng cho khôi phục điện Kiến Trung đã được đưa vào kế hoạch, sẽ tiến hành. Sau khi chăm sóc, tùy theo vị trí phù hợp rồi sẽ đưa về trồng lại ở di tích Huế, không nhất thiết phải trồng lại chỗ cũ vì đây không phải là cây di sản, cây nguyên gốc ban đầu của vua Nguyễn.
Cụ thể, trong chiều 21/1/2016, Trung tâm đã cho tiến hành đào 1 cây sứ tuổi đời chừng hơn 60 năm trong 3 cây sứ ở điện Kiến Trung lên, sau đó vào hơn 17h chiều thì cho xe tải chuyển lên vườn ươm ở Văn Thánh, quá trình chở ra cửa Hòa Bình có ký sổ với bảo vệ.
Trước thông tin cây sứ này vào chiều tối ngày 21/1 được chở đến vườn tặng cho 1 giám đốc sở ở Huế, ông Hải khẳng định là không bao giờ có chuyện đó, đây là thông tin bịa đặt. Vì từ lúc chở cây sứ đến vườn ươm của Trung tâm cho đến nay, cây sứ vẫn nằm yên tại chỗ cũ. Riêng 2 cây sứ còn lại vẫn chưa di chuyển hiện đang nằm tại nền điện Kiến Trung, chờ ngày thích hợp sẽ chuyển.
Trong chiều 7/9 các báo đã khảo sát ở vườn ươm Văn Thánh và điện Kiến Trung. Qua quan sát của PV Dân trí, hiện ở điện Kiến Trung vẫn còn 2 cây sứ cũ. Riêng cây sứ được di dời lên vườn ươm Văn Thánh và hình ảnh cũ lúc nằm ở điện Kiến Trung thì có hình dáng giống nhau 100%. Cây sứ này khác hẳn với hình ảnh một cây sứ có vóc dáng nhỏ hơn nằm trong vườn của vị giám đốc sở tên Sơn mà ảnh chụp phản ánh là nghi cây sứ từ di tích Huế chở lên tặng “sếp”.
Cây sứ ở điện Kiến Trung trước khi bứng lên vườn ươm (cây ngoài) - ảnh do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cung cấp
Và cây sứ này vẫn ở vườn ươm Văn Thánh với cỏ dại, mai dương mọc um tùm quanh gốc. Cây sứ có hình dáng theo quan sát của PV là giống 100% cây sứ cũ (chỉ có khác một phần nhỏ là cành lá được cắt tỉa gọn gàng để di chuyển vào ngày 21/1/2016), không như thông tin nghi là ở vườn giám đốc sở
2 cây sứ còn lại ở điện Kiến Trung theo kế hoạch cũng sẽ được bứng lên chăm sóc ở vườn ươm của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Đây không phải là cây di sản có nguồn gốc từ đời vua Nguyễn trồng mà tự mọc trên nền di tích với tuổi đời chỉ chừng hơn 60 năm. Với "chứng cứ" 3 cây sứ này vẫn nằm ở đất của di tích Huế thì dư luận nghi vấn các cây sứ được đưa đến tặng nằm trong vườn giám đốc sở là không có cơ sở
Ông Hải rất bức xúc cho rằng sự việc đã xảy ra gần 8 tháng nhưng giờ đang rộ lên các mạng không biết có cá nhân hay nhóm người gì đó muốn phá hoại hình ảnh của di tích mà làm vậy không. Ông Hải cho biết sẽ gửi báo cáo lên các cấp ở địa phương, trung ương để trình bày và đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ những đối tượng bịa đặt thông tin không đúng với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.
Đại Dương (Dân Trí)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.