Tại sao phải đi tìm giọng chuẩn quốc gia?

Thứ hai, ngày 28/12/2015 11:34 AM (GMT+7)
Văn hóa Việt vốn mỗi vùng có bản sắc, phong tục, giọng nói, nghệ thuật dân ca riêng. Bức tranh văn hóa ấy càng làm phong phú, làm giàu có thêm văn hóa Việt Nam. Vậy tại sao phải đi tìm giọng chuẩn Việt Nam?
Bình luận 0

1. Gần đây bỗng dưng báo chí bàn tán nhiều về cái gọi là “giọng chuẩn quốc gia” và có đề xuất lạ lùng là những nghề như phát thanh viên, MC các chương trình phát thanh truyền hình phải nói giọng chuẩn Hà Nội.

Đó là một việc làm không nên một chút nào, bởi mỗi vùng đất có giọng chuẩn của vùng đó. Miễn là không sai ngữ pháp tiếng Việt và không khó nghe quá khi phát âm.

Trên đài Tiếng nói Việt Nam từ xa xưa đã có giọng đọc, giọng hát và ngâm thơ của những nghệ sĩ ba miền đấy, có sao đâu? Cơ cấu giọng ba miền trên một phương tiện nghe nhìn chỉ làm phong phú, giàu có hơn bản sắc ngôn ngữ.

img

MC chương trình thời sự trên truyền hình

Văn hóa Việt vốn mỗi vùng có bản sắc, phong tục, giọng nói, nghệ thuật dân ca riêng. Bức tranh văn hóa ấy càng làm phong phú, làm giàu có thêm văn hóa Việt Nam. Vậy tại sao phải đi tìm giọng chuẩn Việt Nam?

Giả sử buộc người dân cả nước nói tiếng Hà Nội chuẩn, tôi chắc rằng các loại hình dân ca hò vè các miền sẽ bị làm hỏng hết cái tinh túy, hồn cốt của nó.

Ví như hát cải lương hay ca vọng cổ mà dùng giọng Hà Nội thì khó lắm. Làm mất cái riêng độc đáo của cải lương, vọng cổ. Đờn ca tài tử mà hát giọng Bắc thì… ma nó nghe.

Hay bắt dân xứ Nghệ mà hát Ví dặm bằng giọng Hà Nội chuẩn thì còn đâu dân ca xứ ấy. Rồi cái giọng Huế dễ nghe thế mà bỏ đi thì còn chi là bản sắc Huế! Phương ngữ, rồi giọng nói làm nên cái duyên riêng mỗi miền quê. Sự giàu có, sự phong phú bản sắc của dân tộc mình bắt đầu như vậy.

Có thể âm sắc, âm vực tiếng Việt ở mỗi nơi có những biến hóa phù hợp giọng mỗi miền. Kể cả dùng dấu hỏi dấu ngã với người miền trong nhất là người xứ Nghệ, người xứ Huế rất lộn xộn, nhưng đó là lịch sử. Hình như với vùng đất ấy, hai cái dấu “hỏi” và “ngã” bị coi như nhau.

2. Tuy nhiên, cần khẳng định là tôn trọng cách phát âm giọng ba miền là một cách gắn kết hòa nhập các vùng đất. Xưa nay người Việt dẫu ở đâu cũng chấp nhận hòa đồng. “Nhập gia tùy tục”.

Ngay trong mỗi gia đình bố mẹ người Nam, kẻ Bắc, nhưng các con cháu sinh ở đâu thì hòa nhập vào xứ ấy. Nếu bắt phát âm theo giọng Hà Nội, chuẩn hóa giọng nói là một cách đề xuất có thể rất phản văn hóa. Tôi ủng hộ Đài Truyền hình Việt Nam tuyển thêm phát thanh viên giọng miền Nam và cả giọng Huế nữa. Tại sao chỉ có một giọng Bắc?

Tuy nhiên phải nói rằng về căn bản, người Hà Nội phát âm tương đối chuẩn tiếng Việt. Giọng đọc, giọng ngâm thơ, hay giọng hát người Hà Nội dễ nghe, dễ hiểu.

Gần đây giọng Hà Nội cũng có bị lai tạp. Điều đó dễ hiểu bởi sự di dân tứ xứ về và thế là giọng nói, cách phát âm quen miệng cứ thế ảnh hưởng sang nhau, nhiều người bị “lây” cách phát âm sai mà không biết.

3. Từ bé tôi đã rất mê giọng nói người Hà Nội. Ở trong đó có gì rất ngọt ngào, tình cảm, lôi cuốn người nghe và trên hết là phát âm tròn vành rõ chữ. Có lẽ vì thế mà nhiều người ở mọi miền yêu mến Hà Nội, muốn về Hà Nội để nghe tiếng nói ngọt ngào, từ câu chào mời đến lối sống, phong cách…

Trong di sản văn hóa tinh thần người Hà Nội tôi tin có một phần là giọng nói Hà Nội. Nhiều người lo sợ đến một ngày Hà Nội mất đi giọng chuẩn. Nỗi lo ấy có lý bởi Hà Nội tiếp nhận và tiếp biến văn hóa ngày càng mạnh mẽ.

Trong cái xô bồ hôm nay nhiều thứ tinh hoa phai nhạt, trong đó có cả giọng nói Hà Nội chuẩn. Nhưng tôi nghĩ tinh hoa ấy vẫn còn, và người Hà Nội dẫu gốc gác thế nào thì đều mang khát vọng được… làm người Hà Nội. Từ phong cách, giọng nói với cách phát âm nhẹ nhàng chuẩn xác chính tả tiếng Việt.

Tân Linh (Thể thao & Văn hóa)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem