Nhạc sĩ Trần Lập tham gia ban nhạc Bức Tường được thành lập vào năm 1995 - một trong những ban nhạc rock đầu tiên của Việt Nam, trưởng thành từ phong trào ca nhạc sinh viên.
Vẫn còn nhớ thời điểm ban nhạc Bức Tường làm mưa, làm gió khắp các sân trường đại học, vào cuối những năm thập niên 90, hàng nghìn đêm diễn của ban nhạc và nhạc sĩ Trần Lập đã làm khuynh đảo sinh viên các trường và cũng đốn tim hàng triệu các cô gái.
Họ nức nở, reo hò vào mỗi đêm diễn. Hàng nghìn sinh viên đã cùng nhau hát vang với “Nếu những đắm say vội vã/Ta đã trao nhau để rồi lãng quên /Nhưng năm tháng trôi /Để lòng mang bao vết thương khắc sâu /Vì ta đã trót yêu … (Bông hồng thủy tinh).
Trần Lập trong liveshow "Bàn tay thắp lửa"
Hay “Cùng trèo lên đỉnh núi cao vời vợi. Để ta khắc tên mình trên đời. Dù ta biết gian nan đang chờ đón. Và trái tim vẫn âm thầm. Ta bước đi hướng tới muôn vì sao. Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng. Bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai. Đường vinh quang đi qua muôn ngàn sóng gió... Ngày đó, ngày đó sẽ không xa xôi ,và chúng ta là người chiến thắng” (Đường đến ngày vinh quang).
Thật đẹp và xúc động bởi những ca từ, giai điệu trong sáng tác giàu tính nhân văn của anh hướng đến những suy nghĩ và mục đích tốt đẹp. Cũng không thể nói hết cảm xúc của Những chuyến đi dài; Bông hồng thủy tinh; Đường đến ngày vinh quang; Đôi mắt; Người đàn bà hóa đá; Tâm hồn của đá… những bài hát, album đó đã gắn liền với rất nhiều thế hệ sinh viên, thậm chí là thế hệ sinh viên trong một gia đình về những kỷ niệm, tình yêu, đắng cay và mật ngọt của họ đều có dấu mốc trong những bài hát đó. Và hôm nay khi hay tin nhạc sĩ, người thủ lĩnh Bức Tường đã ra đi là một sự buồn thương vô bờ họ dành cho Trần Lập.
Nhạc sĩ Trần Lập luôn được mọi người nhớ đến với hình ảnh bản lĩnh và kiên cường khi anh ra mắt cuốn tự truyện “Bên kia bức tường”. Hơn 20 năm vượt qua không ít những thăng trầm và thử thách để có được vinh quang như ngày hôm nay.
Còn nhớ lần gặp gỡ phỏng vấn anh ở đường Nguyễn Chí Thanh về cuốn sách, anh chân thành chia sẻ: “Ít ai biết rằng để tôi có được những thành quả như ngày hôm nay, tôi đã phải vượt qua biết bao chông gai và gian nan, thậm chí cả máu và nước mắt. Chính vì vậy, tôi hi vọng các bạn đều dám ước mơ, dám đứng lên và dám dấn thân để rồi thành công với chính ước mơ của mình”.
Sự kiên cường và bản lĩnh của thủ lĩnh Bức Tường, còn được thể hiện rõ hơn khi anh chia sẻ trong đêm nhạc “Đôi bàn tay thắp lửa”. Đêm nhạc mà anh em nghệ sĩ muốn chung tay giúp đỡ nhạc sĩ Trần Lập chữa trị căn bệnh ung thư trực tràng. Tại đêm nhạc đó, nhạc sĩ đã nói về căn bệnh ung thư, sự sẻ chia giúp đỡ các bệnh nhi ung thư và cùng nhau kêu gọi tẩy chay thực phẩm bẩn.
“Các bạn cũng biết căn bệnh ung thư không chừa bất kỳ ai, dù bạn là người giàu, hay bạn là người nghèo, bạn có địa vị hay người bình thường. Ung thư có thể cướp đi người chồng của bạn, người con của bạn, thậm chí tất cả những người thân, người bạn. Và căn bệnh này đang ngày một hủy hoại xã hội của chúng ta. Tôi mong muốn sẽ có quỹ cho những nghiên cứu tìm ra phương thuốc chữa trị bệnh ung thư…”
Thật buồn trước sự ra đi của anh, dẫu biết đời người không thể không thoát được sinh, lão, bệnh, tử. Thế nhưng với một người đang ở độ chín nhất của người nghệ sĩ, với bao dự định ước mơ còn dang dở, thì sự ra đi của anh để lại bao tiếc nuối, xót xa mà không nói thành lời.
Trần Lập ra đi bỏ lại tiếng gọi rất mềm: “Bỏ lại đằng sau những khúc quanh co và cám dỗ để quay về /Ở đó có tôi với em /Này đây tiếng gọi rất mềm /Thổi ngọn lửa bừng trong mắt thêm sâu /Hẹn ước ngày tháng êm đềm…” (Tiếng gọi); bỏ lại đôi mắt đen huyền “Sâu trong đáy mắt, em nói gì đôi mắt huyền. Không là cao xa, không thật gần nhưng chứa chan. Khi anh mất lối trên con đường xa Trong đôi mắt em ấm lửa soi lối về. Khi anh vấp ngã mắt em luôn dịu êm Rồi đốt cháy anh cho niềm kiêu hãnh tới. Muốn được bên em để đắm chìm trong mắt huyền Đến từ đáy mắt, khi cao vời đôi mắt ơi” (Mắt đen).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.