Bìa sách xấu hay dung tục?
Cuốn “Truyện Thúy Kiều” được Công ty Nhã Nam phối hợp với NXB Thế giới ấn hành nhân kỉ niệm 250 năm ngày sinh đại thi hào Nguyễn Du (3.1.1765 – 3.1.2015), do hai tác giả Bùi Kỉ và Trần Trọng Kim hiệu khảo.
Bìa cuốn "Truyện Thúy Kều" gây tranh cãi. Ảnh: Nhã Nam
Bìa cuốn sách có in hình ảnh Thúy Kiều khỏa thân tắm giữa thiên nhiên, lấy mái tóc dài che một bên ngực.
Ngay khi hình ảnh “Truyện Thúy Kiều” xuất hiện trên mạng xã hội, nhiều ý kiến cho rằng bìa cuốn sách không xứng tầm với một kiệt tác văn học, tầm thường, không hợp thuần phong mỹ tục.
Một Facebooker bình luận: "Người ta vẫn nói không thể nhìn mặt mà bắt hình dong, không thể nhìn bìa mà đánh giá cả cuốn sách. Nhưng trường hợp này, bìa không xứng tầm với cả một kiệt tác văn học nước nhà như Truyện Kiều”.
“Hình ảnh này thực sự đã từng lấy làm bìa Truyện kiều à? Hay là hình ảnh minh họa trên một tờ báo nhân ngày kỷ niệm 200 năm mất Nguyễn Du? Mình cũng cảm thấy hình ảnh này không phù hợp, khi nghĩ về Kiều mình cũng không nghĩ về hình ảnh một người con gái trần trụi như kia. Có cái gì đó không đúng!”, Facebooker khác băn khoăn.
Còn có người thốt lên rằng: “Quá tệ và dung tục”.
Song cũng có ý kiến phản bác, bìa “Truyện Thúy Kiều” chỉ xấu chứ không dung tục: “Theo ý kiến của mình thì bìa vẽ rất trần trụi, rất thô nhưng cái thô này nó hợp với thân phận thanh lâu của Kiều”.
Độc giả khác lên tiếng: “Bìa thì không đẹp nhưng không đáng bị công kích là dung tục”.
Tái bản nguyên vẹn
Theo đơn vị phát hành sách, đây là bản Kiều do hai ông Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo. Nhan đề "Truyện Thuý Kiều" cũng do hai ông chọn nên nay tái bản nguyên vẹn, chỉ sửa từ nếu đã trái chính tả. Ấn bản này, được Vĩnh Hưng Long thư quán in lần đầu năm 1925 và tái bản 1927.
Về bức vẽ Thúy Kiều khỏa thân trên bìa sách, Công ty Nhã Nam cho hay, đó là bức tranh đẹp, khỏe khoắn trong Tập văn họa kỷ niệm Nguyễn Du do Hội Quảng Trị - Huế xuất bản năm 1942, của cụ Lê Văn Đệ, một họa sĩ nổi tiếng. Bức vẽ minh họa cho câu thơ Rõ màu trong ngọc trắng ngà/Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên”, tả vẻ đẹp Thúy Kiều khi tắm:
"Họa sĩ Lê Văn Đệ, vốn là họa sĩ hàng đầu Việt Nam, được đào tạo cả ở Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương lẫn Đại học Mỹ thuật Paris, hoàn toàn có thể đi theo những lối tả chân, tả thực rất cụ thể chi tiết khác, nhưng ở đây lại chọn vẽ theo lối tượng trưng, ước lệ, theo phong cách tranh khắc, tựu trung là một bức vẽ khá gián cách, không hề có một chút tả chân nào, và dĩ nhiên càng không nhuốm điều gì có thể coi là dung tục”, thông cáo của Nhã Nam cho biết.
Tuy nhiên, việc vì sao lại chọn bức tranh này minh họa cho bìa cuốn sách mà không giữ nguyên bìa “Truyện Thúy Kiều” năm 1925, 1927 lại chưa được đơn vị này giải thích rõ.
Về tên của cuốn sách là “Truyện Thúy Kiều” chứ không phải “Truyện Kiều”, đơn vị này nói thêm: “Truyện Kiều chỉ là tên gọi dân gian mà mọi người quen dùng để nói về tác phẩm, không phải là tên chính thức. Còn "Truyện Thúy Kiều", chính là tên tác phẩm mà các học giả Bùi Kỷ, Trần Trọng Kim đặt chính thức cho bản Kiều được hiệu đính, khảo dị của mình. Trong phần “Tựa” của ấn bản, các học giả cũng có giải thích vì sao đặt tên là "Truyện Thúy Kiều”.
Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.
>> Xem thêm: 11 bức tranh về Truyện Kiều của những họa sĩ hàng đầu Việt Nam
Vui lòng nhập nội dung bình luận.