Những ngày đầu năm, cảnh tranh cướp lộc ở các lễ hội lại đang tiếp tục tái diễn tình trạng lộn xộn như nhiều năm trước. Ở chùa Hương ngày khai hội, màn phát lộc cũng gây nên cảnh lộn xộn khi người đi lễ xúm vào tranh cướp những sợi dây chuyền được sư thầy "tung lộc" ở sân chùa. Rõ ràng đây là cảnh tượng không đẹp mắt, thậm chí gây phản cảm.
Hàng trăm cánh tay giơ lên để nhận "lộc" do sư thầy đứng tung từ trên cao (ảnh: Zing)
Mùa lễ hội đầu năm ở Việt Nam thường kéo dài từ Tết Nguyên đán cho đến hết tháng Giêng, Hai... khá là lê thê, lãng phí nguồn lực của toàn xã hội. Báo chí phản ánh nhiều hiện tượng xe công đi chùa, công sở vắng vì cán bộ đi lễ, đốt vàng mã biến tướng… nhưng nhiều năm nay vẫn chưa thay đổi. Đó là một thực trạng đáng buồn.
Cảnh tranh cướp lộc diễn ra ngay tại sân chùa Hương ngày khai hội (ảnh: zing)
Nhiều người luôn tin rằng, đi lễ và “cướp lộc” là một phần không thể thiếu của việc thực hành nghi lễ tôn giáo, nhưng điều đó là hoàn toàn sai lầm. Tất cả những gì chúng ta nhận về chỉ là “quả” của một nhân duyên đã gieo từ trước đó.
Nếu sống tu tâm, hài hòa với môi trường và xã hội, năng làm việc thiện, nói lời hay, lẽ phải thì đương nhiên con người sẽ nhận về những thành quả đẹp mà không cần phải lao đi cướp lộc ở các đền, chùa. Nếu cứ mãi mê muội tin vào chuyện cướp lộc để có điều may thì e rằng thần linh cũng sẽ bỏ loài người mà đi.
Một phụ nữ bị cào, móc vào mặt trong màn cướp lộc ở chùa Hương (ảnh: Zing)
Chúng ta không chống các thần linh, cũng không chống lại niềm tin vào thần linh. Chúng ta chỉ chống và phê phán những người nào lạm dụng thần linh khiến người dân có niềm tin sai lạc và khêu gợi sự mê muội. Đó cũng là trách nhiệm của mọi trí thức.
Tôi nghĩ báo chí cần lên tiếng mạnh về chuyện này để người dân hiểu rõ hơn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.