Cùng làm lãnh đạo cao nhất PVN
Ông Đinh La Thăng là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (2005-2008), rồi tiếp tục là Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN (2008-2011). Sau khi rời ghế chủ tịch PVN, ông Đinh La Thăng thăng tiến nhanh trên con đường quan lộ.
Trong quá trình làm sếp ở PVN của ông Đinh La Thăng luôn có sự đồng hành của ông Phùng Đình Thực với vai trò Phó Tổng giám đốc rồi lên Tổng giám đốc PVN
Ông Phùng Đình Thực, sinh ngày 12/5/1954, tốt nghiệp Học viện Hóa dầu Bacu (thuộc Liên xô cũ) chuyên ngành khai thác dầu khí năm 1977.
Ông Đinh La Thăng từng trao quyết định bổ nhiệm chức vụ Tổng giám đốc PVN cho ông Phùng Đình Thực
Dưới thời ông Đinh La Thăng làm Chủ tịch PVN, ông Phùng Đình Thực nắm giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc (từ tháng 5/2006). Tháng 4/2009, trên cơ sở phê chuẩn của Thủ tướng Chính phủ, ông Đinh La Thăng đã ký quyết định để ông Thực giữ chức Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Đến khi ông Đinh La Thăng được Quốc hội cử làm Bộ trưởng Giao thông Vận tải, tháng 9/2011, Thủ tướng đã ký quyết định bổ nhiệm ông Phùng Đình Thực, giữ vị trí Chủ tịch Tập đoàn PVN.
Năm 2014, ông Phùng Đình Thực nghỉ hưu. Chiếc ghế nóng của ông Thực năm 2014 được để lại cho ông Nguyễn Xuân Sơn - cùng là một lãnh đạo PVN dưới thời ông Đinh La Thăng (nay bị tuyên án tử hình trong đại án OceanBank).
Ông Thực nghỉ hưu, còn ông Đinh La Thăng tiếp tục quan lộ của mình trải qua nhiều chức vụ như Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư thành ủy TP.HCM, Phó Trưởng ban kinh tế Trung ương.
Đoạn cuối buồn
Tại kỳ thứ 14 (diễn ra từ 24-26/4/2017), Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định kỷ luật cũng như đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật đối với nhiều nguyên lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN).
Trong đó, ông Đinh La Thăng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCMh, nguyên Bí thư Đảng uỷ, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn PVN chịu trách nhiệm người đứng đầu về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy, HĐTV Tập đoàn PVN trong giai đoạn 2009-2011.
Chịu trách nhiệm khi ký ban hành Nghị quyết 233/NQ-ĐU, ngày 17/08/2009 của Đảng ủy Tập đoàn có nội dung không phù hợp với quy định pháp luật để HĐTV, Ban tổng giám đốc tập đoàn và các tổng công ty thành viên quyết định chỉ định nhiều gói thầu trái pháp luật;
Ông Đinh La Thăng (trái) và ông Phùng Đình Thực
Ngoài ra, ông Đinh La Thăng còn vi phạm Quy chế làm việc Hội đồng quản trị (HĐQT) Tập đoàn trong việc ký thỏa thuận tham gia góp vốn tại Văn bản số 6934, ngày 18/09/2008 giữa ông Thăng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn PVN và Chủ tịch HĐQT OceanBank (có nội dung: Tập đoàn tham gia góp vốn 20% trở lên; cử cán bộ tham gia quản trị, điều hành; đề nghị các đơn vị thành viên sử dụng dịch vụ của OceanBank) trước khi HĐQT Tập đoàn họp thống nhất nội dung trên,...
Ngoài ra, ông Thăng phải chịu trách nhiệm trong việc Hội đồng thành viên ban hành một số nghị quyết, quyết định chỉ định nhiều gói thầu với tổng giá trị lớn, vi phạm các nghị định của Chính phủ; tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho chỉ định nhiều gói thầu không bảo đảm các điều kiện theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, chấp thuận cho PVC được miễn bảo lãnh thực hiện hợp đồng đối với công trình, dự án do Tập đoàn chỉ định cho PVC thực hiện và chấp thuận cho Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC) được miễn bảo lãnh thực hiện hợp đồng đối với Hợp đồng thiết kế, mua sắm, xây dựng (EPC) Nhà máy Nhiên liệu sinh học Dung Quất, vi phạm Luật Đấu thầu năm 2005,...
Còn ông Phùng Đình Thực, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, ủy viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc PVN từ năm 2008-2010 và Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch HĐTV từ tháng 9/2011-7/2014 chịu trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn trong giai đoạn 2011-2014.
Ông Phùng Đình Thực có trách nhiệm trong việc ban hành Nghị quyết 233/NQ-ĐU của Đảng ủy và Nghị quyết số 4266/NQ-DKVN của HĐTV, gây hậu quả rất nghiêm trọng. Vi phạm công tác tổ chức, cán bộ, thiếu trách nhiệm trong việc nhận xét không đúng đối với Trịnh Xuân Thanh khi chuyển công tác về Bộ Công Thương; không chỉ đạo xem xét vi phạm của Nguyễn Xuân Sơn khi làm Tổng Giám đốc Oceanbank ; chịu trách nhiệm cùng Tập thể Ban Thường vụ Đảng ủy, HĐTV khi làm quy trình đề nghị cấp có thẩm quyền bổ nhiệm Nguyễn Xuân Sơn từ Phó Tổng Giám đốc lên Chủ tịch HĐTV và Bí thư Đảng ủy Tập đoàn năm 2014. Có trách nhiệm liên quan đến những khuyết điểm, vi phạm tại Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyeste Đình Vũ và các dự án nhiên liệu sinh học.
Do đó, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương quyết định cách chức Bí thư Đảng ủy Tập đoàn PVN nhiệm kỳ 2010-2015 đối với ông Phùng Đình Thực. Đồng thời đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Đinh La Thăng theo thẩm quyền.
Sau kết luận của Ủy ban kiểm tra Trung ương, ông Đinh La Thăng lần lượt bị cách hết chức vụ và bị khởi tố, bắt giam vào ngày 8/12/2017.
Không lâu sau khi ông Thăng bị bắt, ông Phùng Đình Thực cũng đã bị khởi tố vào ngày 19/12/2017.
Như vậy, đến nay, cả ông Phùng Đình Thực và ông Đinh La Thăng cùng bị khởi tố vì có liên quan đến các sai phạm tại dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 do Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí (PVC) làm tổng thầu.
Khám xét nhà riêng ông Đinh La Thang ngay trong đêm ông Thăng bị bắt
Hà Duy (VietnamNet)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.