Bên cạnh đó, top chủ đề nóng trong ngày được bàn luận nhiều trên mạng xã hội còn có: Trường lạm thu do... hội phụ huynh!?; Nhân viên trạm BOT quay video tài xế dùng tiền lẻ mua vé để làm gì?; Không sa thải nhân viên xe buýt ẩu đả với khách ở Sài Gòn...
Buộc thôi việc thanh tra giao thông "vòi vĩnh" bị tung clip lên mạng
P.Đ.T. - nhân viên hợp đồng thời vụ thuộc Đội Thanh tra giao thông số 3 bị buộc thôi việc - Ảnh cắt từ clip.
Ông Hưng cho biết sau khi clip "Thanh tra giao thông Đồng Nai ăn hối lộ bị bắt quả tang" lan truyền trên mạng, ông đã kiểm tra và yêu cầu nhân viên T. viết tường trình, bảng kiểm điểm liên quan vụ việc.
"Ngay chiều 11.9, chúng tôi đã tổ chức cuộc họp để xử lý vụ việc. Đánh giá sự việc là rất nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn tới uy tín của đơn vị, chúng tôi đã thống nhất hình thức kỷ luật cao nhất là buộc thôi việc, xử lý nghiêm minh", ông Hưng khẳng định.
Cũng theo ông Hưng, quan điểm của ngành là không chấp nhận bất kỳ hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực nào của thanh tra viên và nhân viên thời vụ.
Trước đó, trên mạng xã hội lan truyền một đoạn clip dài hơn 30 phút ghi lại cảnh nhân viên T. mặc sắc phục thanh tra giao thông ngồi trong một quán cà phê thừa nhận có nhận tiền các xe bị dừng lại.
Người quay clip bắt nhân viên trên gắn vai hàm rồi ghi hình nhân viên này, buộc trả lời về chuyện nhận tiền của tài xế ra sao...
Trường lạm thu do... hội phụ huynh!?
Đầu năm học mới, nhiều trường đưa ra những khoản thu "trên trời" khiến phụ huynh bức xúc. Bị phản ảnh, nhà trường lại đem hội phụ huynh ra làm "lá chắn".
Câu trả lời chung của các trường khi việc lạm thu bị phanh phui luôn là: do hội phụ huynh bàn bạc và tiến hành thu.
Ở các trường, phụ huynh tham gia ban đại diện theo 2 hình thức: tự nguyện hoặc được nhà trường, giáo viên mời tham gia. Đó thường là những phụ huynh có điều kiện về thời gian, kinh tế gia đình khá giả, có học thức hoặc có địa vị xã hội.
Trên thực tế có những ban đại diện chính là "cánh tay nối dài" của ban giám hiệu nhà trường. Vì phụ huynh tham gia ban đại diện ngoài những phụ huynh tâm huyết với giáo dục, cũng có một số người tham gia vì mục đích cá nhân: để con em mình được ưu tiên hơn các bạn đồng lứa, để tạo sự thân tình với hiệu trưởng nhằm dễ bề xin xỏ này nọ...
Do vậy, họ thường không dám phản biện với những mục tiêu trang bị, sửa chữa, nâng cấp... mà nhà trường đưa ra, dù nó vô lý và quá đáng.
Ở những trường có ban đại diện dạng này, vào đầu năm học, ban giám hiệu sẽ làm việc với ban đại diện về những "công trình" cần chi tiền, với tổng kinh phí là X tiền, rồi giao nhiệm vụ cho ban đại diện thu đủ khoản tiền ấy, đương nhiên là với danh nghĩa của ban này.
Hơn ai hết, chính ban giám hiệu nhà trường phải là người định hướng cho hoạt động của ban đại diện trường, còn giáo viên chủ nhiệm là người "cầm trịch" cho hoạt động của ban đại diện lớp, với mục tiêu lớn nhất chính là giáo dục học sinh sao cho đạt hiệu quả cao, chứ không phải thu tiền cho nhiều.
Nhân viên trạm BOT quay video tài xế dùng tiền lẻ mua vé để làm gì?
Nhiều nhân viên trạm thu phí BOT tuyến tránh Biên Hòa đứng ghi hình các tài xế dùng tiền lẻ mua vé qua trạm sáng 12.9. Ảnh báo NLĐ
Tài xế Duy Linh bức xúc về việc trạm thu phí tuyến tránh đặt không hợp lý.
Tài xế mua vé bằng tiền lẻ không phạm luật, vậy tại sao nhân viên trạm thu phí tuyến tránh Biên Hòa lại cầm điện thoại ghi hình.
Trước đó, nhiều tài xế đi hướng Bình Thuận - TP.HCM tiếp tục sử dụng tiền lẻ mệnh giá 200, 500 đồng, tiền xu để mua vé qua trạm BOT tuyến tránh Biên Hòa trên quốc lộ 1 (huyện Trảng Bom, Đồng Nai). Sự việc khiến tuyến đường bị kẹt xe nghiêm trọng, một số nhân viên của đơn vị quản lý trạm đã lấy điện thoại ghi hình các xe và tài xế dùng tiền lẻ mua vé.
Nhiều bạn đọc thắc mắc: Trong tình cảnh kẹt xe hỗn loạn như vậy, sao họ không phụ đồng nghiệp thu tiền, điều tiết giao thông mà lại cầm điện thoại ghi hình tài xế mua vé. Tài xế mua vé bằng tiền lẻ đâu có phạm luật, vậy họ đứng ghi hình để làm gì?
Hà Nội trồng cây cau cảnh dưới gầm đường sắt trên cao trong đêm
Cả trăm cụm cau cảnh cao hơn hai mét được trồng dày đặc dưới gầm đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) trong đêm. Đêm 12.9, trên đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân (Hà Nội), lực lượng chức năng đã rào chắn một phần đường để công nhân tập kết cây cau và trồng dưới gầm đường sắt đô thị trên cao.
Theo lãnh đạo Công ty Công viên cây xanh Hà Nội, việc trồng cây dưới gầm đường sắt trên cao là chủ trương của UBND thành phố Hà Nội; trong những ngày tới, đơn vị tiếp tục trồng trên đường Nguyễn Trãi để đảm bảo cảnh quan và bổ sung thêm những khoảng xanh.
Lãnh đạo Công ty công viên cây xanh Hà Nội khẳng định, cau cảnh trồng dưới gầm đường sắt trên cao sẽ được chăm sóc tốt và khống chế chiều cao để đảm bảo mỹ quan, không ảnh hưởng đến hệ thống đường sắt đô thị.
Lo trai Việt phải đi nước khác tìm vợ
Ông Trần Văn Túy phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: LÊ KIÊN
Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương, Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy đã bày tỏ lo lắng này tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 13.9.
Đây là lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có phiên họp nghe báo cáo và thảo luận về chủ đề bình đẳng giới.
Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh là một trong những nội dung được cảnh báo.
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết năm 2016, có địa phương xảy ra chênh lệch giới tính rất lớn, 132,6 trẻ nam mới có 100 trẻ nữ như huyện Ứng Hòa (Hà Nội) và việc sàng lọc để sinh con trai vẫn có thể thực hiện được, dù đã bị cấm.
"Các bệnh viện lớn ở Hà Nội vẫn sàng lọc, làm chui để sinh bé trai. Tôi có biết mấy trường hợp. Đề nghị ngành y tế kiểm tra" - bà Nga nói.
Ông Trần Văn Túy bình luận: "Nếu để thế này thì chúng ta lại như Hàn Quốc. Con cháu ta phải đi nước nào để tìm cô dâu về?".
Không sa thải nhân viên xe buýt ẩu đả với khách ở Sài Gòn
Hình ảnh tiếp viên xe buýt và đôi nam nữ ẩu đả trên xe gây phản cảm (Ảnh cắt từ clip)
Clip: Đôi nam nữ và tiếp viên xe buýt lao vào choảng nhau trên phố Sài Gòn
Cho rằng hành động ẩu đả đôi nam nữ trên xe buýt là để tự vệ nên nam nhân viên chỉ bị tạm đình chỉ công tác, cho đi học nghiệp vụ xe buýt, chờ bố trí đi làm lại.
Công ty TNHH Vận tải TP.HCM vừa có có giải trình vụ ẩu đả giữa nhân viên xe buýt tuyến 102 (Bến Thành – bến xe Miền Tây) với đôi nam – nữ hành khách gây xôn xao dư luận thời gian qua.
Theo báo cáo, vào lúc 10h57 ngày 7.9, có đôi nam – nữ lên xe buýt tại trạm Chợ Bờ Ngựa. Trên lộ trình di chuyển, hai khách này nhiều lần mở cửa trong khi xe đang mở điều hòa. Đáng nói, nam nhân viên xe buýt đến nhắc nhở và tự tay đóng cửa nhiều lần. Tuy nhiên, đôi nam – nữ vẫn tiếp tục mở cửa nên hai bên đã xảy ra mâu thuẫn.
Đỉnh điểm, trong lúc “khẩu chiến”, nữ hành khách đã lao vào nắm cổ áo nam nhân viên xe buýt. Để tự vệ, anh này đã chống cự và xảy ra xô xát với 2 hành khách trên vài phút.
Sau đó, hai bên dừng lại, hành khách về chỗ ngồi để tiếp tục hành trình.
Đến 11h39 cùng ngày, trước khi xuống trạm trên quốc lộ 50, nữ hành khách còn cầm vật sắc nhọn không rõ là dao hay kéo đâm nhân viên xe buýt nhưng anh này né tránh được.
Nữ tiến sĩ bệnh viện Mắt gác chân lên ghế nhận lỗi
Sau khi video gác chân lên ghế đối thoại với người nhà được phát tán và Bộ Y tế yêu cầu BV Mắt TƯ lập hội đồng xem xét hình thức xử lý, nữ TS.BS Nguyễn Thị M. chia sẻ, bà cảm thấy bị tổn thương khi dư luận vội vã đánh giá chuyên môn, thái độ cho rằng khám qua loa cho bệnh nhân.
Khi xem lại clip, BS M. cho biết bản thân cũng thấy tư thế ngồi co chân lên ghế không đẹp mắt. Bà lý giải, do làm việc căng thẳng, mệt mỏi nên đã không tự chủ được hành vi tay chân, còn bình thường bà cũng không ngồi như thế.
BS M. thừa nhận hành vi gác chân lên ghế là sai, còn chuyên môn, quy trình khám không sai
“Tôi thấy tư thế ngồi của mình là sai. Tôi nhận lỗi, rút kinh nghiệm vì tư thế ngồi không đúng nhưng về biểu hiện, thái độ với người bệnh và chuyên môn của mình, tôi không sai”, BS M. giãi bày.
TP.HCM đề xuất quản lý Grab, Uber như "taxi kiểu mới"
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến vừa ký văn bản gửi Bộ giao thông vận tải về một số đề xuất liên quan đến hoạt động kinh doanh của Grab, Uber.
Grab được người dân lựa chọn vì tiện lợi, chi phí thấp - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo đó, để có đủ cơ sở quản lý, đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động kinh doanh vận tải giữa các loại hình như taxi và xe hợp đồng dưới 9 chỗ, TP.HCM đề xuất đưa loại hình như Grab, Uber vào loại hình "taxi mới", trong đó đáp ứng đầy đủ các điều kiện kinh doanh vận tải theo loại hình taxi truyền thống.
Tuy nhiên, có sự khác biệt giữa loại hình taxi mới với taxi truyền thống.
Về giá, taxi truyền thống thực hiện kê khai, niêm yết giá cước và thực hiện theo đồng hồ tính tiền được gắn trên xe sau khi được cơ quan có thẩm quyền về đo lường kiểm định và kẹp chì. Riêng đối với taxi mới cũng cần có quy định cụ thể về giá.
Về phương án nhận diện, taxi truyền thống phải đăng ký và thực hiện sơn biểu trưng (logo) không trùng với biểu trưng đã đăng ký của đơn vị kinh doanh vận tải taxi trước đó. Còn với taxi mới: xây dựng phương án nhận diện gửi cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.
Về phù hiệu: taxi truyền thống sử dụng phù hiệu hiện tại; đối với taxi mới cũng cần quy định loại phù hiệu mới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.