Bên cạnh đó, top chủ đề nóng trong ngày được bàn luận nhiều trên mạng xã hội còn có: Bộ Xây dựng: "Chưa làm bảo tàng 11.000 tỷ đồng lúc này"; Bị tố mất 93 triệu đồng phí BOT Bắc Nam, Tổng cục Đường bộ lên tiếng; Nhân viên xe buýt ẩu đả với hành khách trên xe, nhiều người bỏ chạy...
Nhân viên TTGT Đồng Nai trong clip "xin bỏ qua sai phạm" bị đình chỉ công tác
Nhân viên TTGT xuất hiện trong clip "xin bỏ qua sai phạm".
Liên quan đến bài viết “Làm rõ clip thanh tra giao thông 'xin' bỏ qua sai phạm” đăng tải trên Thanh Niên, chiều 11.9, Chánh TTGT tỉnh Đồng Nai Dương Mạnh Hưng cho biết đơn vị này đã đình chỉ công tác đối với Phạm Đức Tùng (người mặc trang phục TTGT xuất hiện trong clip) và yêu cầu Phan Đức Tùng viết tường trình, kiểm điểm.
Theo ông Hưng, Phạm Đức Tùng là nhân viên hợp đồng, không phải thanh tra viên, không thuộc biên chế của TTGT tỉnh Đồng Nai. Tùng chỉ làm nhiệm vụ điều tiết giao thông và không được quyền chặn xe kiểm tra.
“Do lực lượng TTGT mỏng nên mỗi năm, được sự đồng ý của UBND tỉnh, chúng tôi ký hợp đồng thời vụ với một số nhân viên, phân công làm công tác hỗ trợ điều tiết giao thông, phục vụ trạm cân lưu thông… Trên bảng tên của những người này ghi rõ chức vụ là nhân viên”, ông Hưng giải thích.
Đối với Phạm Đức Tùng, ông Hưng cho biết đây là 1 trong 34 nhân viên hợp đồng hiện có của TTGT Đồng Nai. Tùng ký hợp đồng năm nay là năm thứ 4, thuộc Đội TTGT TP.Biên Hòa.
Cũng theo ông Hưng, qua làm việc ban đầu, Tùng thừa nhận mọi việc xảy ra trong video. “Hiện TTGT tỉnh Đồng Nai đang chờ tường trình và kiểm điểm của Tùng để có hướng xử lý”, ông Hưng nói.
Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện một clip quay lại cảnh nói chuyện giữa ông Tùng với một người đàn ông trong quán cà phê.
Theo nội dung trong clip, người đàn ông bắt "lỗi" Tùng chặn xe người đi đường lấy tiền. Lúc này, người đàn ông bắt Tùng đeo lại bảng tên, cầu vai và khai tên tuổi, năm sinh; đồng thời quay luôn phong bì đựng tiền (mệnh giá 4 tờ 500.000 đồng) mà người này đưa để "bỏ qua" sai phạm.
Nhân viên Tùng lúc này rối rít xin lỗi, thừa nhận sai phạm và "mong được tha thứ".
Cũng theo nội dung clip, Tùng thừa nhận trong vòng một tháng qua không nhớ đã chặn xe người đi đường và lấy tiền bao nhiêu lần, chỉ nhớ mỗi xe như vậy lấy từ 50.000 - 100.000 đồng, cao nhất 200.000 đồng.
Bộ Xây dựng: "Chưa làm bảo tàng 11.000 tỷ đồng lúc này"
Phối cảnh Bảo tàng lịch sử quốc gia có tổng vốn đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng. Ảnh: VNE
Bộ Xây dựng vừa thông tin về dự án Bảo tàng lịch sử Quốc gia, với quan điểm không thúc đẩy triển khai công trình có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 11.000 tỷ đồng "vào lúc này".
Ông Nguyễn Quang Nam - Giám đốc Ban quản lý dự án cho biết, chỉ đạo của Thủ tướng là khởi công sớm nhất vào năm 2021, khi điều kiện kinh tế xã hội chung của đất nước cho phép; trước mắt cần tập trung thực hiện tốt công tác chuẩn bị, nhất là phần xây dựng nội dung, phương án phân loại và thu thập hiện vật, phương án trưng bày…
Bị tố mất 93 triệu đồng phí BOT Bắc Nam, Tổng cục Đường bộ lên tiếng
Các trạm BOT đang đẩy nhanh thu phí không dừng để minh bạch và giảm ách tắc. Ảnh VNE
Chiều 11.9, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Đường bộ Việt Nam cho biết, thông tin trên mạng xã hội về mỗi xe container đi từ Bắc tới Nam mất 20 triệu đồng tiền xăng, mất đến 93 triệu đồng tiền phí BOT là không chính xác.
Theo ông Huyện, chủ xe thường đi từ Bắc đến Nam theo hai tuyến. Nếu từ Lạng Sơn đến Bạc Liêu theo quốc lộ 1 cũ sẽ qua 29 trạm BOT với mức phí thấp nhất đối với xe loại 1 dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn là 865.000 đồng; cao nhất là loại 5 xe tải 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng container 40 feet 4.540.000 đồng. Trong đó trạm thu Tào Xuyên (Thanh Hóa) dừng hoạt động nên mức giá là 0 đồng.
Nếu chủ xe đi theo lộ trình cao tốc Pháp Vân - Cao Bồ sẽ qua 29 trạm thu phí, tổng phí từ Lạng Sơn đến Bạc Liêu với xe loại 1 là 955.000 đồng, xe loại 5 cao nhất là 4.805.000 đồng. Trong đó trạm Tào Xuyên đang tạm dừng nên mức giá là 0 đồng.
Trên quốc lộ 14, Tổng cục Đường bộ tính toán, tuyến đường này có 5 trạm thu phí với tổng giá vé cho một xe đi toàn tuyến thấp nhất là 175.000 đồng, cao nhất là 940.000 đồng.
Nhân viên xe buýt ẩu đả với hành khách trên xe, nhiều người bỏ chạy
Clip: Đôi nam nữ và tiếp viên xe buýt lao vào choảng nhau trên phố Sài Gòn
Trên mạng xã hội đang lan truyền một video ghi lại cảnh ẩu đả giữa nhân viên xe buýt với đôi nam – nữ hành khách trên tuyến xe buýt 102 (Bến Thành – bến xe Miền Tây).
Trong video, nhân viên xe buýt cự cãi với 2 hành khách về việc họ nhiều lần mở cửa sổ trong khi xe đang mở máy lạnh. Hai bên lời qua tiếng lại và đỉnh điểm là họ lao vào ẩu đả với nhau.
Sự việc gây náo loạn trên xe buýt, khiến nhiều hành khách khác sợ hãi bỏ chạy xuống xe. Sau khoảng một phút đánh nhau thì hai bên dừng lại. Sau đó, đôi nam – nữ vẫn ở lại xe buýt để tiếp tục hành trình.
Liên quan đến sự việc trên, Trung tâm điều hành và vận tải hành khách công cộng TP.HCM đã yêu cầu đơn vị quản lý đình chỉ nhân viên xe buýt để kiểm tra và xử lý theo đúng quy định.
Triệu tập tài xế trả tiền lẻ: Phải có quyết định khởi tố vụ án
Tài xế trả tiền quan trạm thu phí trên quốc lộ 5. Ảnh Tiền phong
Clip: Tài xế dùng tiền lẻ trả phí qua trạm quốc lộ 5
Công an huyện Văn Lâm, Hưng Yên triệu tập tài xế dùng tiền lẻ để trả khi qua trạm thu phí là có dấu hiệu không đúng quy định của pháp luật, nếu chưa có quyết định khởi tố vụ án - luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Giám đốc Cty TNHH Luật Trường Lộc) - khẳng định trên Tiền Phong.
Thời gian qua, dư luận xôn xao về việc tài xế dùng tiền lẻ để qua trạm thu phí trên quốc lộ 5 thuộc địa bàn huyện Văn Lâm tỉnh Hưng Yên. Điều khiến dư luận đặc biệt quan tâm, nhiều tài xế đã bị triệu tập sau khi dùng tiền lẻ để chi trả qua trạm thu phí.
Theo luật sư Tuấn, giấy mời là loại giấy được sử dụng trong những trường hợp cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án và các cơ quan nhà nước khác mời những người có liên quan hoặc biết về vụ việc đến làm việc nhằm thu thập thông tin, làm rõ những nội dung có liên quan đến vụ việc.
Hiện chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể về việc công dân khi nhận được “giấy mời” của cơ quan nhà nước bắt buộc phải có mặt theo yêu cầu. Do đó, đối với giấy mời, người được mời có quyền lựa chọn đến và không đến. Vì là quyền nên việc không đến làm việc theo giấy mời không phải là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, người nhận được giấy mời nên đến làm việc để biết rõ mình có liên quan như thế nào đến vụ việc để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bản thân.
Quốc lộ 5 là tuyến đường huyết mạch nối Hà Nội – Hải Phòng, chiều dài khoảng 100 km, có hai trạm thu phí tại Hưng Yên và Hải Phòng. Giá phí qua trạm BOT hiện là 40.000 đồng mỗi lượt.
Sao lại tiêu huỷ chó thả rông ở Sài Gòn khi chủ không đến nhận?
Nếu chủ chó không liên hệ đến nhận sẽ bị xem là chó vô chủ và tiến hành xử lý tiêu hủy theo quy định. Ảnh VNE
Chủ trương bắt chó thả rông để phòng chống bệnh dại của Chi cục Thú y TP.HCM là đúng nhưng cách làm thì sai. Tại sao lại tiêu huỷ chó nếu không có người đến nhận? Chuyện này tôi thấy sai với thông lệ quốc tế về bảo vệ động vật.
Chi cục Thú y TP.HCM nên phân loại kiểm tra bệnh dại. Còn nào khỏe mạnh thì chuyển sang cơ sở nuôi hoặc bán chó chuyển sang chủ mới thay vì giết tiêu hủy.
Được biết, những con chó bị bắt sẽ bị giữ 72 tiếng, tại 252 Lý Chính Thắng (quận 3) và chờ chủ đến nộp phạt. Nếu chủ chó không liên hệ đến nhận sẽ bị xem là chó vô chủ và tiến hành xử lý tiêu hủy theo quy định.
Trường hợp chủ đến nhận thì phải xác nhận khai báo thời gian, địa điểm chó bị bắt và xuất trình giấy chứng minh nhân dân, giấy chứng nhận tiêm phòng bệnh dại, mức phạt là 200.000 đồng. Còn nếu chủ không có giấy chứng nhận tiêm phòng bệnh dại thì mức phạt là 2,5 triệu đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.