Tiếp theo loạt bài "Vùng lõi di sản vịnh Hạ Long - Những vết thương khó chữa", PV Dân Việt đã có thêm những chứng cứ cho thấy chính quyền địa phương nắm được việc các công trình triển khai. Tuy nhiên, đáng tiếc là việc triển khai này lại diễn ra khi hồ sơ pháp lý chưa đầy đủ.
Ngay sau khi báo chí (trong đó có Dân Việt) phản ánh tình trạng vùng lõi di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long đang bị bê tông hóa chóng mặt, Ban quản lý Vịnh Hạ Long đã có báo cáo về các công trình này. Theo đó, hầu hết các công trình đang xây dựng trong vùng lõi Vịnh Hạ Long thời gian gần đây nằm trong các tuyến, điểm tham quan trong Nghị quyết HĐND tỉnh Quảng Ninh từ năm 2017.
Các dự án này cũng nằm trong quy hoạch và đã được UBND tỉnh Quảng Ninh đồng ý chủ chương đầu tư, phê duyệt và nằm trong danh mục các dự án ưu tiên đầu tư thuộc kế hoạch quản lý di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long giai đoạn 2017-2021. Tuy nhiên, việc xây dựng các công trình lại được triển khai thực hiện khi chưa đầy đủ hồ sơ pháp lý.
Nhiều máy móc, vật liệu đã được đưa ra và thi công nhiều ngày nay tại khu vực trước cửa động Mê Cung. Tuy nhiên tại thời điểm khởi công xây dựng công trình này chưa được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Cụ thể, các công trình cải tạo, nâng cấp bến cập tàu động Mê Cung và khu vực Hang Tiên Ông, vịnh Hạ Long đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng ý, thẩm định địa điểm, quy mô, UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật, kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Tuy nhiên hai công trình này tiến hành thi công khi chưa được phê duyệt đánh giá tác động môi trường.
Các công trình xây dựng cải tạo, nâng cấp hạ tầng tại hang Cỏ, hang Thầy do Công ty cổ phần du thuyền Đông Dương xây dựng đã bị lập biên bản, đình chỉ thi công từ năm 2016 do chưa có giấy phép xây dựng.
Năm 2018, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án sản phẩm du lịch Vịnh Hạ Long đối với khu vực hang Cỏ, hang Thầy, Cống Đỏ…
Còn công trình kè đập phía sau đảo Đầu Gỗ, công trình kè đập và một số hạng mục phụ trợ tại hang Hanh; công trình kè đập tại hòn Vụng Ba Cửa, công trình kè đập tại hòn Vụng Ong, công trình kè trên bãi cát hòn Vụng Hà là những công trình đã được xây dựng trái phép, bỏ hoang từ những năm 1990. UBND tỉnh Quảng Ninh đã có văn bản về việc phá dỡ các hạng mục xây dựng trái phép trên vịnh Hạ Long.
Công trình đền Bà Men do người dân tự ý xây dựng, tôn tạo khi chưa thông báo và làm thủ tục xây dựng với các cơ quan quản lý nhà nước.
Riêng đối với đền Bà Men vịnh Hạ Long, được nhân dân xây dựng từ năm 1983 tại khu vực đảo Đầu Bê vịnh Hạ Long. Đến nay, đền đã xuống cấp, mục nát, có hiện tượng đổ, vỡ một số hạng mục của đền, gây mất an toàn cho nhân dân đến thờ cúng. Tháng Giêng năm 2019, nhân dân đã tự ý tháo dỡ các hạng mục xuống cấp và tiến hành xây dựng, tôn tạo khi chưa thông báo và làm thủ tục xây dựng với các cơ quan quản lý nhà nước.
Lý giải về việc thực hiện hàng loạt công trình bê tông hóa trong vùng lõi vịnh Hạ Long, ông Phạm Hồng Hà, Chủ tịch UBND TP.Hạ Long, Trưởng ban quản lý vịnh Hạ Long cho rằng, do lượng khách du lịch tham quan Vịnh Hạ Long những năm gần đây tăng cao.
Nhiều điểm du lịch gần đất liền, như: Hang Sửng Sốt, động Thiên Cung, đảo Ti Tốp đã bị quá tải cục bộ vào những ngày cao điểm. Do đó để giảm tải, Ban quản lý Vịnh Hạ Long đã đề xuất xây dựng thêm các điểm tham quan mới xa đất liền.
Việc triển khai các dự án cải tạo, nâng cấp khi chưa đầy đủ hồ sơ pháp lý là do đặc thù thi công trên biển gặp nhiều khó khăn nên để đảm bảo an toàn cho du khách, các công trình phải được thi công hoàn thiện trước mùa mưa bão. Do vậy, Ban quản lý Vịnh Hạ Long đã chỉ đạo cho triển khai thi công khi chưa có phê duyệt đánh giá tác động môi trường.
Mới đây, trao đổi với báo chí, Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng, cần phải sớm và dứt khoát ngăn chặn vì vẻ đẹp của vịnh Hạ Long được thừa nhận về cảnh quan thiên nhiên nên vốn kỵ những xây dựng làm phá hủy cảnh quan. Đây là một di sản địa chất của thế giới là một cấu trúc địa chất điển hình thế giới. Với 2 tính chất di sản như vậy về cảnh quan thiên nhiên và địa chất thì chúng ta phải có cách thức bảo vệ để không làm nhòa đi yếu tố chủ đạo của nó là thiên nhiên.
"Không thể phân cấp xong là hết trách nhiệm, đã phân cấp trách nhiệm còn nặng hơn vì mình phải chứng minh rằng việc phân cấp này là hợp lý. Tổ chức được nhận trách nhiệm theo phân cấp phải thực hiện đúng trách nhiệm của mình”, Giáo sư Đặng Hùng Võ nói. |
“Tất cả việc xây dựng kể cả theo quy hoạch, mà quy hoạch không hợp lý với chuyện bảo vệ di sản thì cần phải xem xét lại. Và việc xây dựng trái quy hoạch, sai phép trong vùng lõi di sản vịnh Hạ Long thì cần phải ngăn chặn sớm nhất. Tôi cho rằng trách nhiệm thuộc về UBND tỉnh Quảng Ninh, không thể gọi đã phân cấp cho Ban Quản lý dự án vịnh Hạ Long rồi là trốn trách nhiệm", GS Võ khẳng định.
Cũng theo nguyên Thứ trưởng Bộ TNMT, vì nguyên tắc phân cấp có hai việc là tạo điều kiện cho cấp được phân cấp thực hiện nhiệm vụ. Nhưng điều gắn ngay với nó đó là việc kiểm tra, thanh tra đối với việc thực hiện thẩm quyền đã được phân cấp, hai điều đó phải song hành với nhau.
Được biết, hàng năm, tỉnh Quảng Ninh chi nhiều tỷ đồng cho công tác quản lý, bảo tồn và phát huy lợi thế của Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long. Tuy nhiên, không hiểu vì sao, lực lượng chức năng quản lý vịnh Hạ Long lại không kịp thời phát hiện các công trình vi phạm tại vùng lõi của vịnh Hạ Long. Hơn nữa, sau khi các cơ quan chức năng đã lập biên bản nhưng lại không xử lý dứt điểm, yêu cầu tháo dỡ trả lại nguyên trạng.
Từ năm 2016 đến nay, nguồn thu phí tham quan Vịnh Hạ Long tăng cao đáng kể so với những năm trước đây. Cụ thể năm 2016, thu phí tham quan Vịnh Hạ Long đạt 728 tỷ đồng, tăng 190 tỷ đồng so với năm 2015; năm 2017 thu phí tham quan Vịnh Hạ Long đã đạt trên 1.100 tỷ đồng. Năm 2018, thu phí tham quan vịnh Hạ Long cũng đạt khoảng 1.500 tỷ đồng. |
(Còn nữa)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.