Những ngày hỗn loạn ở trạm thu phí BOT Cai Lậy
Chiều 30.11, nhiều tài xế tiếp tục tụ tập phản đối trước trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang), sau khi chủ đầu tư cho thu phí trở lại vào sáng cùng ngày. (Ảnh VNE)
Theo tài liệu mà báo Tuổi trẻ đăng tải hôm nay (4.12), vào ngày 28.10.2013, ông Nguyễn Văn Thể - khi đó là Thứ trưởng Bộ GTVT - ký cùng lúc 3 công văn hỏa tốc gửi HĐND, UBND và đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang về việc "thống nhất vị trí đặt trạm thu phí hoàn vốn dự án đầu tư xây dựng quốc lộ đoạn tránh qua thị trấn Cai Lậy theo hình thức BOT".
Tại văn bản này, Bộ GTVT cho biết đã nghiên cứu một số vị trí và đề nghị thẳng với tỉnh "có ý kiến thống nhất vị trí đặt trạm thu phí tại km1999+900 trên quốc lộ 1". Vị trí này hoàn toàn nằm ngoài tuyến tránh quốc lộ 1 qua thị trấn (nay là thị xã) Cai Lậy.
Ngày 4.11.2013, HĐND, UBND đã có văn bản phản hồi, thống nhất đặt trạm thu phí tại km1999+900 theo gợi ý của Bộ GT-VT. Hai ngày sau, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang cũng có văn bản phản hồi thống nhất.
Đến ngày 19.12.2013, ông Thể ký quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình quốc lộ 1 đoạn tránh thị trấn Cai Lậy và tăng cường mặt đường đoạn km1987+560 đến km2014, tỉnh Tiền Giang theo hợp đồng BOT.
Ngày 19.9.2013, tức là ba tháng trước khi phê duyệt dự án tuyến tránh quốc lộ 1 qua thị trấn Cai Lậy, ông Nguyễn Văn Thể đã ký quyết định công bố danh mục đầu tư dự án này để kêu gọi đầu tư bằng hình thức BOT.
Danh mục kèm theo quyết định này ghi rõ dự án chỉ có duy nhất hạng mục tuyến tránh chiều dài 12km, nền đường rộng 12m, có hai làn xe.
Tiếp đó ngày 18.10.2013, Bộ Kế hoạch đầu tư có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ cho biết thống nhất với Bộ GTVT về việc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương triển khai tuyến tránh quốc lộ 1 đoạn qua thị trấn Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang theo hình thức BOT.
Ngày 11.11.2013 Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải khi đó ký văn bản đồng ý chủ trương đầu tư dự án xây dựng tuyến tránh theo hình thức hợp đồng BOT. Đến lúc này dự án chỉ có tuyến tránh 12km.
Thế nhưng, trong quyết định phê duyệt dự án ngày 19.12.2013 thì lại "lòi" thêm hợp phần "tăng cường mặt đường quốc lộ 1 qua Tiền Giang dài 26,5km, từ km1987+560 đến km2014", bên cạnh hợp phần chính là xây dựng mới tuyến tránh dài 12km. Quyết định này cũng do ông Thể ký.
Người dân phản đối việc thu phí của trạm BOT Cai Lậy
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, Bộ GTVT đã chuẩn bị kế hoạch đưa thêm hợp phần tăng cường mặt đường qua thị xã Cai Lậy từ trước nhằm hợp thức hóa vị trí đặt trạm thu phí bên ngoài tuyến tránh.
Điều đáng nói là Bộ GTVT đã chủ động đưa thêm hợp phần tăng cường mặt đường quốc lộ qua thị xã Cai Lậy cùng với xây dựng tuyến tránh vào phương án 1. Khi tỉnh Tiền Giang trả lời thống nhất vị trí đặt trạm thu phí theo phương án này thì đương nhiên phải chấp nhận có thêm hợp phần này.
Ngày 5.11.2013, tức chỉ một ngày sau khi HĐND và UBND tỉnh Tiền Giang có văn bản thống nhất vị trí đặt trạm thu phí ngoài tuyến tránh, ông Thể chủ trì cuộc họp thông qua báo cáo cuối kỳ dự án tuyến tránh quốc lộ qua thị xã Cai Lậy.
Tại cuộc họp này ông Thể kết luận bổ sung hợp phần tăng cường mặt đường quốc lộ 1 hiện tại, đồng thời đổi tên dự án để bao gồm cả đầu tư xây dựng tuyến tránh và tăng cường mặt đường trên quốc lộ 1.
Và hơn một tháng sau, ông Thể đặt bút ký quyết định phê duyệt dự án này có nội dung khác xa so với dự án cũng do ông ký ba tháng trước.
Tài xế trả tiền lẻ để phản đối khi qua trạm thu phí BOT Cai Lậy
Liên quan đến vấn đề "đặt trạm thu giá BOT Cai Lậy trên QL1 đúng hay sai?" thông tin trên báo GTVT hôm nay cũng cho biết, cần phải căn cứ trên các quy định của pháp luật thời điểm triển khai dự án, cũng như trình tự thủ tục và quá trình thực hiện của cơ quan quản lý nhà nước và chủ đầu tư.
Theo hồ sơ dự án đưa lên mặt báo Giao thông hôm nay, tại Quyết định 1327 (ngày 24.8.2009) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển GTVT đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã xác định xây dựng các tuyến tránh QL1 cần thiết tại các đô thị. Tiếp đó, ngày 21.1.2011, trong Quyết định 06 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch GTVT vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 cũng xác định xây dựng tuyến tránh Cai Lậy dài 12km, quy mô 4 làn xe.
Triển khai thực hiện quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2009, trước tình trạng xuống cấp trầm trọng và nguy cơ mất ATGT của tuyến QL1 đoạn qua thị trấn Cai Lậy (nay là TX Cai Lậy), Bộ GTVT đã yêu cầu Cục Đường bộ VN (nay là Tổng cục Đường bộ VN) lựa chọn tư vấn lập dự án đầu tư dự án tuyến tránh Cai Lậy.
Theo thông tin báo Giao thông đưa, dự án tuyến tránh Cai Lậy được nghiên cứu đầu tư trong bối cảnh nguồn ngân sách Nhà nước rất khó khăn, hàng trăm công trình giao thông trên cả nước đã phải đình hoãn, giãn tiến độ. Bởi thế, đến năm 2013 vẫn không thể bố trí vốn ngân sách để triển khai, nên Bộ GTVT phải tạm dừng việc lập dự án đầu tư.
Tài xế tranh cãi với nhân viên BOT Cai Lậy về giá vé qua trạm thu phí sáng 4.12. Ảnh: VNE
Báo Giao thông cho biết, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách khi đó không thể cân đối, trong khi theo quy định của Nghị định 18/2012 của Chính phủ, nguồn vốn từ Quỹ Bảo trì đường bộ chỉ được sử dụng cho công tác bảo trì, không sử dụng cho đầu tư xây dựng cơ bản như nâng cấp mặt đường, trong khi tuyến QL1 qua Tiền Giang ngày càng xuống cấp trầm trọng, gây mất ATGT và bức xúc lớn cho người dân khi tham gia giao thông.
Trên cơ sở kiến nghị của UBND tỉnh Tiền Giang về hình thức đầu tư và giới thiệu nhà đầu tư BOT tại Văn bản 3901 ngày 30.8.2013, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ (Văn bản 9947 ngày 20.9.2013) và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án theo hình thức BOT tại Văn bản 1908 ngày 11.11.2013.
Sau khi nhận được văn bản lấy ý kiến về phương án đầu tư và vị trí đặt trạm thu phí của dự án BOT QL1 qua thị trấn Cai Lậy, các cơ quan có thẩm quyền của tỉnh Tiền Giang đều có văn bản thống nhất với Bộ GTVT chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình QL1 đoạn tránh TX Cai Lậy, kết hợp tăng cường mặt đường đoạn Km 1987+560 - Km 2014+000 theo hình thức BOT và vị trí đặt trạm thu phí hoàn vốn trên QL1.
Trên cơ sở đó, ngày 19.12.2013, Bộ GTVT đã phê duyệt quyết định đầu tư dự án xây dựng công trình QL1 đoạn tránh TX Cai Lậy và tăng cường mặt đường đoạn Km 1987+560 - Km 2014+000 tại Văn bản 4173. Theo đó, dự án có tổng mức đầu tư ban đầu 1.398 tỷ đồng, với tổng chiều dài 38,5km, gồm hai hợp phần: Cải tạo, tăng cường mặt đường QL1 dài 26,4km, sửa chữa 14 cầu và lắp đặt hệ thống thoát nước trên tuyến; Xây dựng tuyến tránh TX Cai Lậy dài 12,1km và xây dựng 7 cầu (trong quá trình triển khai thực hiện có 2 cầu chuyển thành cống để đảm bảo hiệu quả đầu tư theo đề nghị của địa phương).
Trước khi chọn phương án trên, tư vấn cũng đưa ra một phương án khác là chỉ đầu tư mở rộng QL1 qua TX Cai Lậy và sẽ đặt trạm BOT trên QL1 như các dự án BOT trên QL1 hiện nay. Tuy nhiên, phương án này không khả thi vì tổng mức đầu tư tới gần 2.000 tỷ đồng (do phải giải phóng hàng trăm hộ dân), dù có nâng cấp mở rộng thì tốc độ xe qua khu vực đô thị vẫn bị giới hạn thấp hơn so với làm tuyến tránh. Như vậy sẽ không giải quyết được ùn tắc giao thông.
“Quá trình triển khai dự án tuân thủ pháp luật, quy hoạch được duyệt, chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ và đặc biệt là nhận được sự đồng thuận của địa phương, Bộ Tài chính”, lãnh đạo Vụ PPP của Bộ GTVT nói trên báo Giao thông.
Để đảm bảo tính công khai, minh bạch, dự án vừa được Thanh tra Bộ KH&ĐT thanh tra và Kiểm toán Nhà nước tiến hành kiểm toán tại Kết luận 475 ngày 29.9.2017. Các kết luận của Thanh tra Bộ KH&ĐT và Kiểm toán Nhà nước đều đánh giá dự án triển khai đảm bảo quy định của pháp luật. Như vậy, thông tin trên báo GTVT khẳng định: "Không có chuyện đặt trạm BOT Cai Lậy trên QL1 là sai".
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Hùng - nguyên giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang - cho biết trong dự án này tỉnh Tiền Giang chỉ đảm nhiệm công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định.
Tiền chi trả bồi thường để thu hồi đất cũng là của nhà đầu tư. Vị trí đặt trạm thu phí cũng do Bộ GTVT xác định sẵn rồi gửi công văn cho tỉnh để hợp thức hóa thủ tục đầu tư.
"Lúc đó tỉnh rất cần công trình tuyến tránh này để giải quyết tình trạng ùn tắc trên quốc lộ 1 qua thị xã Cai Lậy. Khi bộ gửi văn bản đề nghị thống nhất vị trí đặt trạm thu phí thì Sở GTVT đã tham mưu cho UBND tỉnh trả lời. Thực sự khi đó chúng tôi không hình dung được tình hình lại phức tạp như thế này" - ông Hùng nói.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.