Trao đổi với phóng viên Dân Việt sáng nay (16.3), PGS.TS Lê Anh Tuấn – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ) đánh giá: Thời gian qua, Bộ Ngoại giao Việt Nam có yêu cầu Trung Quốc xả đập để khắc phục tình trạng hạn, mặn ở ĐBSCL. Tuy nhiên, đây là vấn đề “lợi bất cập hại” vì thực tế, Trung Quốc cũng bị thiếu nước, cũng cần tích nước để sản xuất điện cho các tháng mùa khô kế tiếp nên nếu xả nước thì cũng chỉ xả với số lượng rất ít, xả cầm chừng.
Nhiều diện tích lúa ở ĐBSCL khô cháy vì hạn, mặn xâm nhập.
Từ thượng nguồn Trung Quốc về ĐBSCL cách tới 4.000km nên lượng nước rất ít này sẽ bị một số nước bạn như Thái Lan, Campuchia, Lào “hớt trước” khi chảy qua lãnh thổ của họ. Nếu có lượng nước thừa thì các vùng trũng, dòng nhánh dọc lưu vực cũng sẽ gom về trước khi đến vùng ven biển ĐBSCL.
Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, Bộ Ngoại giao Việt Nam đưa con số yêu cầu Trung Quốc xả nước từ đập Cảnh Hồng là 2.300 m3/s, xả liên tục theo ngày liên tiếp (đợt 1 từ ngày 7-21.3, đợt 2 từ ngày 5-20.4). Nhưng thực tế, hồ chứa thuỷ điện Cảnh Hồng có dung tích hoạt động tối đa là 249 triệu m3 nước, nếu xả theo yêu cầu của Việt nam là tối thiểu 2.300 m3/s thì chỉ sau 30 giờ là cạn hồ.
“Nếu Trung Quốc xả nước theo yêu cầu của Bộ Ngoại giao Việt Nam thì chỉ sau hơn 1 ngày là hồ Cảnh Hồng hết nước, lấy đâu ra mà xả tiếp mấy ngày sau trong khi đó lưu lượng đến hồ Cảnh Hồng hiện nay rất ít” - PGS.TS Lê Anh Tuấn nhận định.
Vị chuyên gia này cũng cho biết thêm: “Đập thủy điện Cảnh Hồng là đập điều tiết theo năm, mùa, theo một kế hoạch tiêu thụ điện, chứ không thể vận hành theo ngày được như yêu cầu của Bộ Ngoại giao Việt Nam”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.