Ngày 6.9, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội Hoàng Trung Hải làm việc với Sở Nội vụ TP về kết quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị 8 tháng và nhiệm vụ trọng tâm 4 tháng cuối năm 2018.
Tại đây, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng đã báo cáo những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá cũng như những mặt hạn chế, khó khăn của Sở trong 8 tháng đầu năm.
Cụ thể, tính đến tháng 8.2018, Sở Nội vụ Hà Nội đã tham mưu trình thành phố phê duyệt 12 đợt tinh giản biên chế theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP với tổng số 695 người, với tổng kinh phí là 63,553 tỷ đồng.
TP đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với 792 công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị thuộc TP (trong đó, các quận, huyện, thị xã 320 trường hợp; sở, ban, ngành TP 110 trường hợp; đơn vị hiệp quản 362 trường hợp)…
Quang cảnh Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải làm việc với Sở Nội vụ TP.Hà Nội ngày 6.9.
Đặc biệt, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho biết: Hà Nội là địa phương duy nhất chưa sử dụng hết quỹ biên chế được giao. Tính đến 1.7.2018, Hà Nội còn thiếu tới 22.044 công chức, viên chức cấp xã so với tổng biên chế được giao (trong đó thiếu 856 công chức, 19.953 viên chức và 1.235 công chức cấp xã).
"Số thiếu này là rất lớn, nhất là lĩnh vực y tế, giáo dục, công chức cấp xã" - ông Sáng nói và cho biết, trong 3 năm qua, TP yêu cầu không tuyển dụng mới, do vậy, nhiều cơ quan, đơn vị hiện gặp khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ được giao, nhất là đối với cấp xã, hiện tại để hoàn thành nhiệm vụ một số cơ quan vẫn dùng lao động hợp đồng làm công tác chuyên môn.
Nêu khó khăn về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Ngọc Vĩnh – Trưởng phòng Nội vụ huyện Hoài Đức cho biết, với số cán bộ, công chức hiện nay thì không thể nào tải được khối lượng công việc rất lớn, nhất là huyện chuẩn bị lên quận thì thực sự rất khó khăn.
Theo bà Vĩnh, chỉ tiêu công chức huyện Hoài Đức là 118 biên chế, nhưng hiện còn thiếu 10 người. Còn số công chức cấp xã ở Hoài Đức hiện thiếu 25 người ở tất cả các chức danh như tài chính - kế toán, văn hóa - xã hội, đại chính; về giáo dục cũng thiếu hơn 400 biên chế trong cả 3 cấp học.
Bà Đỗ Thị Lan Hương – Trưởng phòng Nội vụ Thị xã Sơn Tây nhấn mạnh: "việc thiếu công chức, giáo viên gây ra nhiều khó khăn trong hoạt động của các cơ quan hành chính và trường lớp. Giao biên chế hàng năm, nhưng nhiều năm không thi tuyển dẫn đến thiếu người thực hiện nhiệm vụ được giao”.
Ông Tạ Quang Ngải – Trưởng phòng Công chức, viên chức (Sở Nội vụ Hà Nội) thừa nhận, nhu cầu tuyển dụng công chức của TP là rất lớn. Bởi từ năm 2016 đến nay, TP.Hà Nội chỉ tổ chức những đợt tuyển dụng nhỏ, nên còn thiếu so với biên chế được giao.
Trước thực trạng hiện nay, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội kiến nghị TP cho phép thực hiện tuyển dụng công chức, viên chức trong chỉ tiêu biên chế đã được cơ quan có thẩm quyền giao (vẫn đảm bảo tỷ lệ tinh giản biên chế tối thiểu 10% đến năm 2021) để nâng cao chất lượng đội ngũ đầu vào. Đồng thời, cho thi tốt nghiệp kết hợp thi tuyển công chức đối với lớp công chức nguồn để bổ sung nguồn công chức cho xã, phường, thị trấn còn thiếu.
Bên cạnh đó, Sở Nội vụ Hà Nội đề nghị TP đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục, y tế. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với Trung ương sớm cho phép Hà Nội thực hiện cơ chế đặc thù, điều chỉnh tăng thu nhập đối với cán bộ, công chức, viên chức so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ lên tối đa 1,8 lần, nhằm đảm bảo tương xứng với năng suất lao động...
Về vấn đề này, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã họp, đồng ý về chủ trương là sẽ sớm tổ chức thi tuyển công chức, viên chức. Tuy nhiên, Bí thư Hà Nội cũng lưu ý cần phải rà soát, đánh giá lại thật kỹ lưỡng. Khi tổ chức thi tuyển thì phải tính đến đội ngũ cán bộ đang có, phải đảm bảo thi tuyển đúng quy định và phải thực sự tuyển dụng những người đáp ứng được nhiệm vụ, công việc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.