Từ xa xưa, con người đã thuần hoá và nuôi dê lấy thịt, sữa, da… từ đó hình ảnh dê ngày càng gắn bó với đời sống con người, dê đi vào thi ca, trở thành biểu tượng được thần thánh hoá như trong thần thoại Hy Lạp, La Mã. Ở Việt Nam, con dê đi vào trò chơi và ca dao (bịt mắt bắt dê), vào tranh tết, nghi lễ cúng tế...
Với đồng bào các dân tộc miền núi, dê là vật nuôi quen, đã gắn bó với họ bao đời này. Đặc tính lành, gần với hoang dã giúp cho việc gây dựng và nuôi đàn dê mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình mà không tốn nhiều công chăm sóc. Con dê luôn thể hiện sự bền bỉ, quả cảm, chinh phục các đỉnh cao và khả năng sinh sản mãnh liệt. Dê đực đầu đàn có thể quản lý tới mấy chục dê cái trong đàn, vị trí đầu đàn ấy luôn phải bảo vệ bằng các cuộc chiến đấu khốc liệt với những chú dê trẻ cạnh tranh. Trước đây, mỗi lúc nông nhàn, nhà nọ thách nhà kia mang dê ra chọi vui. Cứ thế thành lệ, hội chọi dê hình thành với quy mô lớn hơn, thành hẳn cuộc thi có giải.
Hàm Yên là huyện vùng cao của tỉnh Tuyên Quang với các dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Dao, Mông... cùng chung sống. Ở đây, hầu như nhà nào cũng gây dựng được đàn dê để tăng thu nhập. Đón năm mới, Hội chọi dê được tổ chức thường niên, giúp bà con nâng cao đời sống văn hoá tinh thần, vừa khuyến khích tăng gia chăn nuôi, phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống.
Dê chọi cũng có miếng, có thế. Miếng đòn tiêu biểu là đứng dựng hai chân sau lên rồi bổ cặp sừng cong cứng như thép xuống đầu đối thủ.
Chú dê chiến được chủ dắt ra sàn đấu.
Chủ dê phải vờn cho 2 dê nhìn thấy nhau, hăng máu lên mới thả dây buộc.
Hội chọi dê không chỉ thu hút người lớn mà trẻ con trong gia đình cũng ra sân cổ vũ.
Chủ dê chăm sóc cho chú dê chọi lọt vào vòng trong.
Chú dê thắng cuộc được chủ dắt một vòng quanh sân để chào khán giả. Sau đó chú lại được đưa về đàn, tiếp tục sản sinh con cháu cho mùa chọi năm sau.
Dê đực thường là con đầu đàn, rất lỳ đòn, chẳng mấy khi bỏ chạy sớm như trâu chọi nên màn thi đấu nào cũng căng thẳng, hấp dẫn
Vui lòng nhập nội dung bình luận.