Muốn chống tham nhũng, phải có “bàn tay sạch”

Hải Phong (thực hiện) Thứ ba, ngày 17/06/2014 07:14 AM (GMT+7)
“Ở vị trí cao phải ý thức muốn chống tham nhũng phải có “bàn tay sạch”. Còn mỗi người trong xã hội, dù ở những vị trí công tác khác nhau đều phải ý thức về trách nhiệm của mình trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng ” - ông Trần Văn Độ - Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao - trả lời phỏng vấn của phóng viên NTNN.
Bình luận 0

Về đề xuất bổ sung tội làm giàu bất chính vào Bộ luật Hình sự của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, nhiều ý kiến cho rằng đề xuất cũng tốt nhưng khó thực hiện. Ông nghĩ sao về điều này?

img
Ông Trần Văn Độ - Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao

 

- Theo tôi, đúng là đề xuất này hơi khó thực hiện vì tội làm giàu bất chính phải thể hiện bằng các hành vi cụ thể. Trước đó, Bộ luật Hình sự của chúng ta đã quy định những tội như lừa đảo, trộm cắp, tham ô, lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản, lợi dụng chức vụ khi thi hành công vụ… đều là những hành vi bất chính rồi.

Bây giờ bổ sung thêm tội làm giàu bất chính thì cơ quan tố tụng phải chứng minh được hành vi làm giàu bất chính được cấu thành như thế nào, chứ không có chuyện cơ quan chức năng bắt người dân phải chứng minh tài sản của mình kiếm được từ đâu.

Bởi nếu như vậy sẽ vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội, thưa ông?

- Đúng như vậy. Nguyên tắc suy đoán vô tội đã nêu rõ: Nghĩa vụ chứng minh vi phạm pháp luật của tội phạm thuộc về nhà nước. Còn công dân có quyền im lặng nên việc anh không đưa ra được chứng cứ rằng tài sản của tôi là bất minh, thì anh khó có thể buộc tội tôi. Vì thế có thể thấy đề xuất như vậy nghe có vẻ hay, nhưng trên nguyên tắc bảo vệ quyền con người đã được Hiến pháp quy định thì sẽ khó thực hiện.

Nhưng chính vì do nhu cầu cấp thiết của cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng (PCTN) nên chúng ta mới phải sửa luật, bổ sung thêm các tội danh, tạo thêm công cụ cho luật pháp?

- Việc của các cơ quan làm luật giờ là phải tìm ra những hành vi nào cấu thành nên tội làm giàu bất chính, từ đó mới có cơ sở để định tội người ta. Ngoài ra một khó khăn nữa là hiện nay các giao dịch của chúng ta vẫn chủ yếu thực hiện bằng tiền mặt, do đó rất khó cho cơ quan chức năng xác định nguồn tài sản bất hợp pháp của cá nhân từ đâu đến.

Theo tôi, trách nhiệm của Nhà nước trước tiên là phải tăng cường các biện pháp kiểm soát giao dịch tiền mặt, kiểm soát được thu nhập, đặc biệt là của khối cán bộ công chức Nhà nước. Đó chính là những bước đi đầu trong việc kiểm soát hành vi làm giàu bất chính.

Ông đánh giá thế nào về sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng hiện nay trong cuộc chiến chống tham nhũng?

- Theo tôi, PCTN là cuộc đấu tranh khó khăn, đòi hỏi sự phối hợp và vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, trước hết và quan trọng nhất là thực hiện các giải pháp phòng ngừa. Tóm lại đây là trách nhiệm của toàn xã hội chứ không phải của riêng lực lượng nào cả.

Đặc biệt tôi cho rằng hệ thống pháp luật phải thật sự chặt chẽ, không tạo kẽ hở để người ta lợi dụng tham nhũng hay làm giàu bất chính, nhất là với đối tượng cán bộ quan chức, những người có điều kiện để tham nhũng và cũng am hiểu luật pháp. Còn khi phát hiện tội phạm tham nhũng, tiến hành truy tố, điều tra, xét xử thì khi đó mới cần sự vào cuộc của từng lực lượng chức năng riêng biệt.

Nhiều người đã đặt vấn đề phải PCTN ngay chính trong các cơ quan PCTN. Cụ thể trên diễn đàn Quốc hội, nhiều đại biểu đặt dấu hỏi về việc các quan chức và cựu quan chức của ngành thanh tra sở hữu những khối tài sản rất lớn. Ông nghĩ thế nào về chuyện này?

- Theo tôi, tài sản đó mình chưa chứng minh được là hợp pháp hay không, nhưng cơ quan nào thì cũng có người giàu người nghèo. Cũng có những người làm giàu chính đáng, cũng có những người làm giàu phi pháp và những người này phải được phát hiện để xử lý. Tôi nghĩ không chỉ trong ngành thanh tra mà trong nhiều cơ quan, đơn vị khác cũng có tình trạng này. Và khi phát hiện ra, các cơ quan chức năng phải nhanh chóng vào cuộc làm sáng tỏ để xử lý.

Nhưng việc kê khai tài sản của các quan chức TTCP đã diễn ra nhiều năm và họ biết có khối tài sản lớn như vậy nhưng chỉ đến khi báo chí nêu ra thông tin thì các cơ quan chức năng mới vào cuộc?

- Có thể có những sai sót trong việc kê khai tài sản ở đây. Cái đó thì phải rút kinh nghiệm, cơ quan có thẩm quyền hay các cá nhân liên quan phải chịu trách nhiệm. Cũng có thể người ta đã nắm bắt được về những khối tài sản đó mà mình không biết được bởi việc kê khai tài sản của cán bộ quan chức thì chỉ có một số cơ quan có thẩm quyền mới biết chứ không phải ai cũng nắm được.

Bởi tài sản đó thuộc về tài sản cá nhân và là quyền cá nhân đã được Hiến định. Nhưng cũng không loại trừ trong việc kê khai tài sản cũng có những lỗ hổng và nếu thế thì phải bịt lỗ hổng pháp lý đó.

Xin cảm ơn ông!

Theo cá nhân ông, Luật PCTN sửa đổi còn có những hạn chế gì mà ông mong muốn hoàn thiện hơn để luật được thực thi hiệu quả hơn?

- Chế tài xử lý theo tôi nghĩ là đã đủ, các biện pháp xử lý tội tham nhũng cũng rất nặng. Vấn đề trước tiên là quyết tâm chính trị. Tiếp theo là trách nhiệm của từng cá nhân trong xã hội, đặc biệt là trách nhiệm từ trên cao xuống dưới.

Ở vị trí cao phải ý thức muốn chống tham nhũng thì phải có “bàn tay sạch”. Còn mỗi người trong xã hội, dù ở những vị trí công tác khác nhau đều phải ý thức về trách nhiệm của mình trong cuộc đấu tranh PCTN.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem