Khẳng định “không đánh đổi để phát triển kinh tế”, ông Nguyễn Đức Chung cho biết: Hà Nội đã đầu tư các công nghệ mới để làm sạch sông hồ, giảm thiểu ô nhiễm không khí cũng như xử lý rác thải.
“Nếu sông Tô Lịch mà nước đứng thì đưa các chất này xuống xử lý được như các hồ ngay, nhưng cái khó của chúng ta là nước chảy, nên chúng tôi đang thí điểm toàn bộ công nghệ, thời gian tới sẽ cố gắng làm hết mùi”, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội thông tin.
Liên quan đến việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của TP, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, hiện có 83 doanh nghiệp CNTT cung cấp 170 dịch vụ, phần mềm cho các cơ quan thuộc TP và quận, huyện của Hà Nội.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu cuối phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 9 HĐND TP. Hà Nội khóa XV.
“Việc thuê dịch vụ CNTT là đúng với tinh thần với các Nghị quyết của Chính phủ bởi nếu đầu tư bộ máy để vận hành hệ thống này rất tốn kém, không hiệu quả”, ông Chung khẳng định.
Tổng chi từ năm 2016 đến nay cho chương trình này là 1.471 tỉ đồng. Đến nay đã hoàn thành kết nối mạng WAN đến 584/584 phường, xã.
TP đã triển khai hiệu quả hệ thống dịch vụ công trực tuyến, họp trực tuyến của thành phố cuối năm 2019 sẽ đến tất cả các xã. Các quận huyện cũng đang được lắp đặt camera để phục vụ giao thông, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường…
Đặc biệt, năm nay là năm thứ 4 triển khai hệ thống tuyển sinh đầu cấp, trung bình một năm học Hà Nội có khoảng gần 300.000 học sinh được tuyển sinh trực tuyến, các gia đình không phải đến tận các trường học, giúp giảm ùn tắc giao thông, giảm phiền hà cho người dân, chống tiêu cực, đảm bảo được sự minh bạch. Năm 2019, không có sự cố nào xảy ra với hệ thống tuyển sinh đầu cấp.
“Một trong những nội dung mọi người đang rất quan tâm là hệ thống này bảo mật thế nào, có lộ lọt dữ liệu gì không. Tôi xin báo cáo là hệ thống bảo mật hiện chúng ta thuê các trung tâm, server thuê, đường truyền thuê, chúng ta cũng thuê các trung tâm dạy cán bộ/công chức/viên chức, phần mềm cũng thuê, máy tính thì Sở Tài chính đấu thầu tập trung. Một số dự án số hóa dữ liệu TP đã phân cấp cho các sở, ngành, quận huyện cũng được đấu thầu công khai minh bạch ở mạng đấu thầu quốc gia”, ông Chung nói.
Hệ thống dịch vụ công trực tuyến, họp trực tuyến của TP. Hà Nội được bảo mật tuyệt đối.
Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, UBND TP cũng đã hợp đồng với Ban Cơ yếu Chính phủ làm công tác bảo mật. Máy tính muốn truy cập dữ liệu phải kết nối với hệ thống theo các vị trí IP, GPS theo địa chỉ cụ thể.
Tài khoản người dùng được cấp theo yêu cầu theo đúng vị trí việc làm, được phân quyền theo từng cấp độ. Mỗi người chỉ được phân quyền sử dụng đến mức độ nào đó.
Tất cả dữ liệu đều được mã hóa, không thể khôi phục, sử dụng ở máy tính khác. Đặc biệt tất cả các máy chủ kết nối với máy chủ giám sát của Ban Cơ yếu Chính phủ, mọi hoạt động đều có thể truy vết… Theo đó, ông Chung khẳng định hệ thống “là hoàn toàn bảo mật”.
Đề cập đến các trường hợp giáo viên tại các huyện ở Hà Nội đã ký hợp đồng lao động lâu năm nhưng không được xét tuyển công chức, viên chức… người đứng đầu UBND TP. Hà Nội cho biết, Bộ Nội vụ đã giao TP xét tuyển với các trường hợp này.
TP đã thành lập hợp đồng để xét tuyển đối với toàn bộ giáo viên đã ký hợp đồng nhiều năm với điều kiện: các giáo viên phải có hợp đồng, đóng BHXH đầy đủ; phải đảm bảo sức khỏe và phù hợp với vị trí việc làm. TP dự kiến xét tuyển hết với các trường hợp đã ký hợp đồng 5 năm trở lên.
Về tình hình cháy nổ, HĐND TP đã giám sát, chất vấn 5 kỳ họp liên tiếp, tuy nhiên hàng năm vẫn xảy ra các vụ cháy nghiêm trọng, ông Chung lý giải nguyên nhân chính là do các cá nhân, doanh nghiệp còn chủ quan, chưa coi trọng công tác PCCC, bên cạnh đó, các giải pháp hiện nay chưa thực hiện hiệu quả.
Cùng với các giải pháp mà TP đang triển khai, Chủ tịch UBND TP mong muốn ý thức tự giác của mỗi người dân, gia đình cần tốt hơn; mỗi người cũng cần trang bị kiến thức cho chính mình, người thân của mình; kiểm tra các công trình mình đang quản lý để đảm bảo an toàn PCCC.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.