Những tháng gần đây, tỉnh Thừa Thiên- Huế triển khai Đề án kết nối mạng diện rộng của tỉnh bằng mạng truyền số liệu chuyên dùng CPNet và triển khai Internet tập trung cho hạ tầng công nghệ thông tin tỉnh.
Đề án này được UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế phê duyệt vào cuối năm 2017. Đề án đã và đang được triển khai tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, các đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh; UBND các huyện, thị xã và TP.Huế (bao gồm các phòng, ban, đơn vị trực thuộc có trụ sở nằm ngoài Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện); các phường, xã, thị trấn và các cơ quan, tổ chức nhà nước khác.
Tổng kinh phí chi trả cho việc thực hiện Đề án theo từng năm dự kiến khoảng gần 5 tỷ đồng, gồm: Thuê đường truyền MetroNet 4,56 tỷ đồng/năm, kinh phí triển khai Internet tập trung 360 triệu đồng. Thời gian thực hiện triển khai chuyển đổi kết nối mạng là từ 2017 - 2018.
Công chức ở Thừa Thiên- Huế phản ánh họ bị chặn vào Facebook và nhiều trang mạng khác sau khi đề án chuyển đổi mạng của tỉnh được triển khai. Ảnh minh họa. Nguồn: Inernet.
Mục tiêu của đề án là xây dựng kết nối mạng diện rộng (WAN) của tỉnh với mạng CPNet và triển khai Internet tập trung cho hạ tầng công nghệ thông tin góp phần nâng cao công tác cải cách thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công của tỉnh; nâng cấp, xây dựng hệ thống mạng tin học diện rộng tỉnh trên nên tảng công nghệ mới đảm bảo an toàn bảo mật cho các thông tin trao đổi giữa các cá nhân, đơn vị cơ quan nhà nước trên hệ thống mạng tin học diện rộng của tỉnh…
Bên cạnh đó, đề án còn nhằm xây dựng giải pháp quản lý Internet tập trung đảm bảo an toàn truy cập Internet cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, đảm bảo nhu cầu quản lý, giám sát việc truy cập Internet.
Theo phản ánh của nhiều cán bộ, công chức, viên chức và người lao động (gọi chung là công chức) ở Thừa Thiên- Huế, từ khi chuyển đổi kết nối mạng theo đề án trên, họ bị chặn truy cập vào các mạng xã hội, nhất là Facebook, bằng máy tính công sở. Bên cạnh đó, việc sử dụng các sản phẩm của google và việc truy cập vào nhiều tờ báo mạng cũng rất hiếm khi thực hiện được.
Một công chức công tác tại UBND thị xã Hương Trà cho biết, cơ quan này thực hiện chuyển đổi kết nối mạng từ đầu năm 2018. Từ khi chuyển đổi, công chức tại đây không thể vào các mạng xã hội, nhất là Facebook, bằng mạng cơ quan.
“Facebook hoàn toàn không thể vào được, việc sử dụng gmail và các sản phẩm của google bị hạn chế nên rất khó truy cập. Sau khi chuyển đổi mạng chúng tôi cũng chỉ còn đọc được một số tờ báo điện tử, vì rất nhiều báo mạng bị chặn truy cập. Giá dịch vụ sử dụng mạng thì tăng cao hơn rất nhiều so với khi chưa chuyển đổi”- vị công chức này nói.
Một công chức là giám đốc một cơ quan thuộc UBND huyện Phú Lộc cũng cho hay, hơn 1 tháng trở lại đây, công chức tại cơ quan này hoàn toàn không vào được Facebook và nhiều trang mạng bằng Internet công sở. “Nhiều khi muốn vào google tìm kiếm các văn bản tài liệu phục vụ cho công việc nhưng do bị chặn nên đành chịu”- vị này kể.
Theo ghi nhận của PV Dân Việt, đã có những ý kiến trái chiều trước việc công chức tại tỉnh Thừa Thiên- Huế bị chặn vào Facebook và hạn chế truy cập vào nhiều trang mạng sau khi chuyển đổi mạng. Nhiều ý kiến cho rằng việc chặn vào Facebook giúp công chức tập trung vào việc làm của mình, công tác phục vụ người dân và các doanh nghiệp, tổ chức nhờ đó cũng ngày càng được nâng cao. Và vấn đề quan trọng nhất là nó sẽ đảm bảo an toàn truy cập Internet cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, nhiều công chức cho rằng việc chặn vào Facebook và hạn chế truy cập vào các trang mạng tại nơi làm việc là đi ngược lại với xu thế hiện nay. Bởi lẽ, trên thực tế có nhiều công chức sử dụng Facebook và các trang mạng để giao tiếp với nhân dân, tìm hiểu thông tin, trao đổi công việc.
Một công chức là lãnh đạo của một huyện ở Thừa Thiên- Huế nhận định: Bên cạnh việc mang lại hiệu quả công việc, Facebook và nhiều trang mạng còn giúp điều chỉnh hành vi của con người hướng đến các giá trị tốt đẹp. Mạng xã hội cũng là tai mắt giúp lãnh đạo biết được những vấn đề còn bất cập của cơ quan mình để có sự điều chỉnh kịp thời.
"Có nhiều biện pháp khác để bảo an toàn truy cập Internet cho các cơ quan, vì vậy không nhất thiết phải chặn truy cập mạng xã hội và các trang web bằng mạng công sở. Với tình trạng hiện nay, các cơ quan, đơn vị muốn vào các trang mạng thì phải lắp thêm đường truyền Internet và chi phí vì vậy sẽ bị đội lên rất nhiều"- vị lãnh đạo này nói.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Dương Tuấn Anh- Giám đốc Viễn thông Thừa Thiên- Huế (VNPT Thừa Thiên- Huế) cho biết, mạng truyền số liệu chuyên dùng CPNet không được sử dụng vào các mục đích khác, cho nên chỉ được sử dụng cho công việc trên hệ thống. Đây là quy định của tỉnh nhằm để đảm bảo bảo mật thông tin trên hệ thống này. Theo ông Dương Tuấn Anh, các cơ quan để vào Facebook và các trang mạng khác thì phải tự lắp thêm đường truyền Internet.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.