Những ngày qua, người dân ngỡ ngàng trước sự "thay da đổi thịt" của dòng sông Tô Lịch (Hà Nội). Nước ở phía "thượng nguồn" chảy ồ ạt xuôi về phía Nam, màu nước đen kịt hằng ngày được thay thế bởi màu hồ thủy, mùi hôi thối cũng giảm nhiều, người dân buông cần câu cá, đi dạo, tập thể dục, trò chuyện với nhau hai bên bờ.
Xả nước là bình thường
Lý giải cho việc này, ông Bùi Ngọc Uyên – Phó Trưởng phòng Đối ngoại truyền thông (Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) cho biết, việc dẫn nước vào sông Tô Lịch xuất phát từ mực nước trong Hồ Tây vượt quá mức an toàn. Cụ thể, do ảnh hưởng của cơn bão số 2, mực nước tại Hồ Tây đã chạm ngưỡng gần 4m (mực nước an toàn là 3,75m – PV). Việc này ngẫu nhiên khiến nước trong và sạch hơn.
Để đảm bảo an toàn hồ chứa, bắt đầu từ 9 giờ 30 ngày 9/7, Công ty Thoát nước Hà Nội đã tiến hành mở cửa xả cống Hồ Tây A đưa khoảng 1 triệu m3 nước vào sông Tô Lịch.
Đây cũng là một trong những nội dung nằm trong Dự án Đầu tư xây dựng trạm bơm bổ cập nước Hồ Tây và cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch và đơn vị đã trình lên TP. Hà Nội.
Nếu Dự án này được thông qua, đơn vị sẽ xây dựng, lắp đặt một trạm bơm chìm ở ngoài cửa khẩu An Dương với công suất cấp nước 156.000m3/ngày, đêm dẫn vào Hồ Tây để cải thiện môi trường nước, tạo điều kiện cho hệ sinh thái trong hồ phát triển. Sau khi nước Hồ Tây được cải thiện, đơn vị sẽ tiếp tục dẫn nước từ Hồ Tây vào sông Tô Lịch để từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm tại dòng sông này.
Theo đại diện Công ty Thoát nước Hà Nội, việc dẫn nước từ Hồ Tây vào sông Tô Lịch là việc làm hoàn toàn bình thường và được thực hiện hằng năm. “Trước mùa mưa lũ, Công ty luôn cho xả nước hạ xuống thấp theo mức quy định để đón mưa, đề phòng khi mưa xuống bất ngờ không kịp xả sẽ rất nguy hiểm. Công ty nhận thấy đây là thời điểm thích hợp để xả nước và đã xả”, đại diện Công ty Thoát nước Hà Nội cho hay.
Khu vực thí điểm xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật Bản Nano-Bioreactor trước khi Công ty Thoát nước Hà Nội tiến hành "xả" nước vào sông Tô Lịch...
... và sau đó. Theo quan sát, màu sắc nước tại khu vực này đã thay đổi. Hiện máy móc của các chuyên gia Nhật Bản vẫn đang hoạt động.
Trước câu hỏi, việc xả nước với khối lượng lớn này có ảnh hưởng đến việc Hà Nội đang tiến hành thí điểm xử lý ô nhiễm môi trường trên sông Tô Lịch, vị này cho rằng: Các cơ quan thí điểm đều có cách thực hiện độc lập của riêng mình, việc vận hành công tác thoát nước vẫn phải theo quy định và đảm bảo an toàn cho TP.
Giá như xả sau khi nước sông đã được làm sạch...
Hiện nay, TP. Hà Nội đang cho thử nghiệm các công nghệ làm sạch sông Tô Lịch gồm công nghệ Nano-Bioreactor của Nhật Bản và Redoxy3C của Đức với hy vọng có thể "hồi sinh" được dòng sông. |
Về việc này, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Cải thiện môi trường Việt Nhật (JVE) khẳng định: “Không phản đối việc xả nước Hồ Tây vào sông Tô Lịch và rất ủng hộ”.
Việc xả nước cũng không ảnh hưởng đến máy móc đang thí điểm bằng công nghệ Nhật Bản trên sông.
“Hiện máy móc vẫn hoạt động bình thường. Máy được để chìm dưới nước. Sắp tới, sau khi Công ty Thoát nước Hà Nội xả xong chúng tôi sẽ đưa dây điện vào ống gà cách điện để không làm ảnh hưởng cảnh quan trên sông. Nghĩa là máy và hệ thống dây điện sẽ chìm”, ông Tuấn Anh cho hay.
Việc dẫn nước Hồ Tây vào sông Tô Lịch xuất phát từ mực nước trong Hồ Tây vượt quá mức an toàn khiến sông Tô Lịch sạch và trong hơn.
Ông Tuấn Anh cho rằng, việc xả nước là của Công ty Thoát nước Hà Nội, tuy nhiên qua theo dõi, nhiều người dân và chuyên gia cho rằng “nếu như chỉ xả mà nước sông không được làm sạch thì có xả hàng ngày (mỗi ngày 150.000 m3) thì chỉ dịch chuyển chất thải về phía hạ lưu.
“Nếu nước sông đã được làm sạch bằng công nghệ Nhật Bản, khi xả nước từ Hồ Tây vào sông Tô Lịch thì phía hạ lưu mới được lợi. Việc này chuyên gia sẽ có ý kiến và có câu trả lời trong những ngày tới”, ông Tuấn Anh nói và nhấn mạnh “đã là sông thì phải có nước cấp, hiện nước cấp của sông Tô Lịch chủ yếu là do gần 300 cống nước thải thì đây không phải là dòng sông đúng nghĩa”.
“Khi làm sạch bằng công nghệ Nhật Bản, chuyên gia có nói rằng kết hợp với việc tạo dòng chảy lưu thông và nâng mực nước lên thì mới có thể “hồi sinh” đúng nghĩa sông Tô Lịch. Và chúng ta có thể làm dịch vụ du lịch trên sông Tô Lịch”, ông này nói thêm. Theo dự kiến, đến ngày 17/7 sẽ tiến hành lấy mẫu sau hai tháng. Nói về việc trước đó, một số máy móc được đưa lên để bảo trì, ông Tuấn Anh cho biết, việc này do các chuyên gia Nhật Bản sang để kiểm tra định kỳ, giai đoạn này phải thận trọng.
Sông Tô Lịch có chiều dài khoảng 14km, chảy qua địa phận 6 quận, huyện của Hà Nội: Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì. Tuy nhiên, nhiều năm qua sông Tô Lịch đã bị ô nhiễm nặng.
Hiện nay, TP. Hà Nội đang cho thử nghiệm các công nghệ làm sạch sông Tô Lịch gồm công nghệ Nano-Bioreactor của Nhật Bản và Redoxy3C của Đức với hy vọng có thể "hồi sinh" được dòng sông.
Mới đây, tại Kỳ họp thứ 9 HĐND TP. Hà Nội khóa XV, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, hiện TP đang thí nghiệm rất nhiều công nghệ mới, nhiều nhiều tập đoàn cũng đã trực tiếp đưa các kỹ sư đến xử lý ô nhiễm sông, hồ.
“Các chất này (Redoxy3C của Đức) mà đưa xuống sông Tô Lịch nếu như nước đứng thì xử lý được như các hồ. Nhưng vấn đề khó nhất là nước đang chảy, cho nên chúng tôi đang thí điểm toàn bộ các công nghệ”, ông Chung khẳng định.
Theo Chủ tịch UBND Hà Nội, thời gian tới, TP sẽ cố gắng trước hết là làm hết mùi và đẩy nhanh tiến độ các nhà máy xử lý rác thải Yên Xá. Khi làm xong một phần rác thải quận Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng sẽ được thu gom và xử lý.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.