Lái xe qua vùng ngập nước luôn đòi hỏi người cầm lái nắm chắc các kỹ năng để có thể vượt qua và đồng thời bảo vệ chiếc xe khỏi nguy cơ hỏng hóc.
Nhưng ngay cả khi đã có những điều kiện tiên quyết này, việc lái xe trên các cung đường phức tạp vẫn có thể xảy ra rủi ro. Dưới đây là những lời khuyên được các chuyên gia từ hãng ô tô Mỹ General Motors tổng hợp để giúp mỗi người lái xe có thể bất chấp mọi địa hình khi ngồi sau vô-lăng.
Chuẩn bị
Các chuyên gia địa hình của Chevrolet khuyến nghị sử dụng những công cụ và phụ kiện khi lái xe trên đường phức tạp có điều kiện khắc nghiệt, bao gồm: Lốp xe dành cho mọi địa hình (nếu cần thiết và lốp dự phòng kích thức lớn); máy đo áp suất lốp, dụng cụ tháo hơi xe và bơm xe điện tử; đội thước Hi-lift; bộ dụng cụ an toàn bao gồm cả dụng cụ y tế và bình cứu hỏa; bộ dụng cụ tời xe; móc kéo, dây kéo xe; dụng cụ đa năng, xẻng và rìu; bộ đàm (nếu di chuyển cùng ít nhất một xe khác; la bàn và đèn pin.
Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý rằng nếu xác định di chuyển qua các địa hình phức tạp, đặc biệt là phải trèo đèo lội suối thì nhất thiết phải sử dụng xe có hệ dẫn động bốn bánh.
Những chiếc bán tải hoặc SUV được trang bị đầy đủ sẽ vận hành ở chế độ dẫn động hai bánh trong hầu hết các điều kiện đường lái xe thông thường nhưng có khả năng dẫn động bốn bánh trong điều kiện đường phức tạp và thử thách như mưa lớn. Khi phải đối mặt với những con đường đá dăm, hoặc một mặt đường trơn trượt khác, dẫn động bốn bánh thực sự là một tính năng đắt giá.
Khi lái xe có hệ dẫn động 4 bánh, người lái xe cũng cần lưu ý một số chức năng được trang bị. Chẳng hạn sử dụng với chế độ 2H (hai bánh tốc độ cao) trong hầu hết các tình huống lái xe trên đường phố và đường cao tốc, sử dụng chế độ 4H (bốn bánh cao) khi cần có thêm lực kéo trong hầu hết các tình huống đường phức tạp hay đường trơn trượt, chỉ sử dụng số N (số không hay còn gọi là số “mo”) khi kéo xe, chọn chế độ 4L (bốn bánh tốc độ chậm) khi lái xe trong địa hình cát lún hoặc bùn lầy và khi lái xe leo đồi và xuống đồi có độ dốc cao.
Ngồi đúng tư thế
Luôn kiểm soát xe là chìa khóa của lái xe an toàn. Điều đầu tiên người lái xe cần làm là điều chỉnh ghế lái phù hợp với vóc dáng của mình. Góc ghế phải được căn chỉnh phù hợp với cánh tay cầm vô lăng của bạn, ghế không nên quá sát vô-lăng, chiều cao ghế phải đảm bảo người lái có tầm nhìn bao quát tốt. Chân của bạn phải chạm và đạp được vào chân ga, chân phanh đúng cách.
Khi xe di chuyển, cơ thể bạn cũng sẽ di chuyển, do đó bạn phải có một vị trí ngồi thích hợp. Cuối cùng, hãy điều chỉnh gương chiếu hậu trong xe và gương chiếu hậu ngoài sao cho chính xác. Mặc dù lái khi lái xe đường phức tạp sẽ đồng nghĩa với việc lái xe ở tốc độ thấp, chúng ta vẫn luôn phải thắt dây an toàn bởi nó sẽ giúp duy trì vị trí ngồi trong khi lái xe lên dốc và xuống dốc.
Cầm vô-lăng đúng cách
Lái xe đường phức tạp hay lái xe trong điều kiện thông thường, đặt tay ở vị trí 3 giờ và 9 giờ trên vô-lăng (hoặc 2 giờ và 10 giờ tùy thuộc vào thói quen mỗi người).
“Giữ vô-lăng chắc chắn, ngón cái hướng lên trên. Đừng hướng ngón cái vào bên trong vôlăng khi lái xe trong tình huống phức tạp bởi nếu xe va vào đá hoặc chướng ngại vật, vô-lăng có thể xoay gấp, tiềm ẩn nguy cơ khiến ngón cái hoặc cổ tay của bạn bị thương” các chuyên gia Chevrolet lưu ý.
Di chuyển trên địa hình không ổn định
Một lỗi phổ biến khi lái xe đường phức tạp là đạp ga quá mạnh khiến bánh xe bị trượt trên những địa hình không ổn định. Đôi khi xe có thể bị kẹt trong bùn lầy hoặc cát khiến người lái khó kiểm soát xe.
Những chiếc xe có trang bị hệ thống kiểm soát lực kéo (TCS) như mẫu bán tải Colorado sẽ giảm công suất động cơ và tự động kích hoạt phanh trên những bánh bị trượt để bạn có thể lái dễ dàng hơn.
Cố gắng duy trì chuyển động của xe ở số thấp, bùn càng sâu đi số càng thấp. Cho xe di chuyển liên tục để không bị sa lầy.
Ở những khu vực cát dày như trên bãi biển hoặc cồn cát, lốp xe có xu hướng lún vào cát, ảnh hưởng đến việc đánh lái, tăng tốc và phanh. Đây là lúc người lái xe cần xả bớt hơi xe của lốp để tránh bị lún vào cát, giảm tốc và duy trì tốc độ ổn định, tránh cua và chuyển hướng gấp.
Nếu xe bị mắc kẹt, hãy chậm dãi và cẩn trọng quay bánh xe để thoát ra khi sa lầy trong cát và bùn. Hệ thống kiểm soát lực kéo (TCS) có thể giúp giải thoát xe bị sa lầy.
Khi di chuyển trên địa hình có độ dốc lớn, hãy đi số thấp và duy trì tốc độ thấp. Nếu có thể, lái thẳng một mạch lên dốc hoặc xuống dốc, giảm tốc độ khi gần đến đỉnh dốc và dùng đèn pha kể cả ban ngày để cảnh báo các phương tiện khác.
Các chuyên gia cũng lưu ý không được lùi xe lên dốc hoặc lùi xe xuống dốc khi đông cơ tắt hoăc khi về số không (N). Phanh có thể bị quá nhiệt và khiến bạn mất lái.
Khi lái xe xuống dốc, hướng đầu xe thẳng xuống dưới và đi số thấp bởi động cơ sẽ làm việc cùng với phanh để khiến xe chậm lại và giúp xe trong tầm kiểm soát.
Đảm bảo rằng xe được bảo dưỡng và luôn trong tình trạng tốt; kiểm tra định mức các dung dịch từ phanh, lốp, hệ thống làm mát đến hộp số; về số thấp hơn khi đi xuống dốc đứng hoặc dốc dài; cẩn trọng trên đỉnh dốc vì có thể có chướng ngại trên đường (ví dụ như xe chết máy); chú ý những biển báo đặc biệt (như khu vực đá rơi, đường ngoằn ngoèo, dốc dài, khu vực cho phép vượt/ không cho phép vượt) và có hành động phù hợp.
Khi dừng ở con đường có độ dốc cao (3 độ, 5%), hệ thống khởi hành ngang dốc sẽ phát huy tác dụng. Sau khi người lái nhả bàn đạp phanh, hệ thống phanh sẽ tiếp tục duy trì lực phanh tự động trong vài giây (2-3 giây).
Một lỗi phổ biến khi lái xe đường phức tạp là đạp ga quá mạnh khiến bánh xe bị trượt trên những địa hình không ổn định.
Di chuyển trên địa hình ẩm ướt
Đi chậm và tăng tốc từ từ. Tăng tốc quá nhanh khiến bánh xe quay trơn và phần mặt đất dưới lốp bị trơn và láng. Người lái cần kích hoạt hệ thống kiểm soát lực kéo và tắt kiểm soát hành trình.
Hệ thống chống bó cứng phanh (ABS) tăng cường sự ổn định cho xe khi dừng xe gấp, nhưng ở địa hình đường khô ráo thì phanh nên được áp dụng sớm hơn.
Duy trì khoảng cách với các xe xung quanh để quan sát những điểm trơn trượt. Tránh đánh lái chuyển hướng và phanh gấp trên bề mặt trơn trượt.
Luôn đề cao chú ý khi quyết định vượt, đảm bảo thiết bị lau kính chắn gió (hay còn gọi là gạt mưa) luôn trong tình trạng hoạt động tốt; đảm bảo dung dịch lau kính chắn gió được đổ đầy; đảm báo lốp xe phải còn tốt, rãnh lốp sâu.
Làm cho xe di chuyển tiếp sau khi bị chết máy
Nếu xe bị chết máy, hãy phanh xe dừng lại và sau đó dùng phanh đỗ (phanh tay, chuyển sang số P (đỗ xe) và khởi động lại động cơ.
Nếu xe chết máy khi đang lên dốc, hãy chuyển sang số lùi (R), nhả phanh đỗ và lùi thẳng xuống. Lưu ý không được quay đầu xe vì nếu dốc đứng đến mức làm xe chết máy, nó cũng sẽ đủ dốc để khiến xe bị lật.
Nếu không thể tiếp tục điều khiển xe lên dốc thì hãy lùi thẳng xuống dốc, không được lùi xuống dốc khi xe ở số 0 (N) và chỉ dùng phanh bởi xe có thể bị lăn xuống dốc rất nhanh không thể kiểm soát được.
Nếu xe chết máy khi đang xuống dốc, về số thấp hơn, nhả phanh đỗ và lái thẳng xe xuống dốc. Nếu xe không khởi động lại được sau khi chết máy, dùng phanh đỗ (phanh tay), về số P (đỗ xe) và tắt máy. Rời xe để tìm kiếm sự trợ giúp.
Lái xe qua vùng nước ngập sâu
Với khoảng sáng gầm xe cao cùng các hệ thống giúp ổn định thân xe và kiểm soát lực kéo, các mẫu xe bán tải cho thấy lợi thế vượt trội hơn hẳn so với các mẫu xe con (sedan) bởi xe bán tải có thể lội nước sâu đến 800 mm (như Chevrolet Colorado) mà không bị chết máy, miễn là xe di chuyển ở tốc độ thấp tại độ sâu này (chủ xe nên mang xe đi kiểm tra bảo dưỡng sau khi lội nước).
Bên cạnh đó, người lái xe cũng cần áp dụng các lời khuyên sau:
- Nếu mực nước tĩnh không quá sâu, hãy lái xe chậm qua đó. Nếu đi nhanh hơn, nước té lên và xe có thể bị chết máy
.- Trước khi đi vào đoạn đường ngập, hãy tắt điều hòa và hạ cửa kính ô tô xuống.
- Chầm chậm đi vào dòng nước với tốc độ tối đa 3km/giờ sau đó tăng dần đến 6km/giờ khi đã ở trong nước.
- Khi ra khỏi dòng nước, nhấn phanh nhẹ nhàng để làm khô phanh.
Luôn quan sát và tìm hiểu rõ địa hình để có thể di chuyển một cách an toàn.
Tìm hiểu chiếc xe của bạn
Cuố cùng và cũng là cơ bản nhất là mỗi người lái xe cần phải tìm hiểu chính chiếc xe đang sử dụng. Khi hiểu được chiếc xe có thể làm gì và không thể làm gì bạn mới có thể ứng phó được với những tình huống phức tạp.
Đôi khi đứng trước một chướng ngại vật, bạn không chắc xe mình có thể vượt qua được không. Khi đó, đừng chấp nhận rủi ro không đáng nếu bạn không chắc chắn.
Hiện nay, đa dố các mẫu xe bán tải như Chevrolet Colorado, Ford Ranger hay Nissan Navara hoặc các mẫu SUV như Chevrolet Trailblazer, Ford Everest… đều có các phiên bản trang bị đầy đủ những tính năng an toàn và công nghệ hỗ trợ lái hiện đại.
Chẳng hạn với mẫu bán tải Chevrolet Colorado, bên cạnh hệ thống dẫn động bốn bánh, mẫu xe này còn cung cấp hàng loạt tính năng hỗ trợ người lái, bao gồm: hệ thống chống bó cứng phanh (ABS); hệ thống hỗ trợ phanh (Brake Assist); hệ thống cân bằng điện tử (ESC); hệ thống cảnh báo va chạm sớm (FCA); hệ thống hạn chế tốc độ khi xuống dốc (Grade braking); chức năng hỗ trợ khởi hành ngang dốc (HSA); hỗ trợ đổ đèo (HDC); cảnh báo lệch làn đường (LDW); hệ thống kiểm soát lực kéo (TCS)…
Việc tìm hiểu các thông số xe, chiều rộng, chiều cao, công suất, lực kéo và tất cả các hệ thống hỗ trợ sẽ giúp bạn đưa ra quyết định đúng đắn và sử dụng xe hợp lý. Vì vậy, hiểu những chức năng, những sở trường và sở đoản của chiếc xe luôn rất quan trọng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.