Các bệnh viện thuộc Hà Nội chuẩn bị tăng viện phí từ 1.8.2017
UBND TP. Hà Nội vừa có văn bản trình HĐND Thành phố về việc quy định giá dịch vụ khám, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Bảo hiểm y tế (BHYT) đối với các cơ sở khám, chữa bệnh của thành phố Hà Nội.
Theo tờ trình, việc ban hành Nghị quyết kể trên nhằm thực hiện đúng Thông tư số 02/2017/TT-BYT ban hành theo mức tối đa của 1.930 dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo lộ trình tính giá đã được quy định tại Nghị định số 16 của Chính phủ, gồm chi phí trực tiếp và tiền lương bác sĩ, áp dụng với người bệnh không có, không sử dụng thẻ BHYT.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý nêu rõ, việc điều chỉnh viện phí này giúp đảm bảo nguồn thu hợp pháp và hợp lý cho các cơ sở khám chữa bệnh của thành phố, đồng thời đảm bảo quyền lợi của người dân đi khám chữa bệnh. Nếu được HĐND TP Hà Nội thông qua tại kỳ họp thứ 4 đang diễn ra, các bệnh viện của thành phố Hà Nội sẽ đồng loạt tăng viện phí từ 1.8 tới. 17,6% dân số Hà Nội chưa tham gia BHYT sẽ là đối tượng chịu tác động của việc điều chỉnh giá viện phí lần này.
Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, bắt đầu từ 20.6 vừa qua, đã có hơn 50 bệnh viện hạng đặc biệt, chuyên khoa, bệnh viện thuộc các trường Đại học y dược... chính thức điều chỉnh tăng viện phí với bệnh nhân không có thẻ BHYT. Theo đó giá viện phí sẽ được điều chỉnh theo các hạng bệnh viện được quy định tại thông tư 02/2017/TT-BYT, hơn 1.900 dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh tăng giá với mức tăng trung bình khoảng 20%.
Cũng theo lộ trình, ngoài Hà Nội còn có 29 tỉnh/thành khác thực hiện tăng viện phí vào tháng 8 tới đây, 15 tỉnh/thành thực hiện vào tháng 10 và 18 tỉnh/thành thực hiện vào tháng 12.2017.
Theo thống kê, tại Hà Nội có 82,4% dân số đã có thẻ BHYT bao gồm người già, trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo và cận nghèo, chính sách xã hội. Số còn lại là 17,6% dân số có mức sống ổn định nhưng chưa tham gia BHYT sẽ là đối tượng chịu tác động của việc điều chỉnh giá viện phí lần này. 17,6% người chưa tham gia BHYT không phải là con số quá cao nên việc tăng giá dịch vụ y tế có thể kiểm soát được, không ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng của toàn Thành phố cũng như không tạo nên sự biến động quá lớn về thị trường giá cả.
Việc quy định mức giá khám chữa bệnh cho đối tượng không thuộc phạm vi thanh toán của BHYT, Bộ Y tế cũng như thành phố Hà Nội hướng tới sự bình đẳng về giá, không phân biệt về giá khám chữa bệnh giữa người có BHYT và người không có thẻ BHYT trong cùng một cơ sở y tế.
Việc điều chỉnh giá cũng giúp các cơ sở y tế có điều kiện tăng chất lượng dịch vụ do đảm bảo các yếu tố cấu thành giá dịch vụ: thuốc, hóa chất, vật tư y tế được tính đúng tính đủ; Tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn thành phố trong công tác ứng dụng công nghệ thông tin và quản lý khám chữa bệnh thống nhất một danh mục, một giá.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.