2 cảng biển tấp nập nhất Trung Quốc tạm ngừng hoạt động do bão, chuỗi cung ứng toàn cầu thêm lao đao

13/09/2021 16:57 GMT+7
Chuỗi cung ứng toàn cầu lại tiếp tục đối diện những thách thức mới khi bão Chanthu quét qua Trung Quốc buộc một số cảng biển quan trọng ngừng hoạt động.

Cảng Quốc tế Thượng Hải cho hay một số nhà ga tại cảng biển bận rộn nhất thế giới (tính theo khối lượng hàng hóa) đã ngừng hoạt động từ tối 12/9 và có thể kéo dài đến hết 13/9 khi bão Chanthu đổ bộ. Gần đó, cảng Ninh Ba - Chu Sơn, cảng tấp nập thứ ba thế giới cũng tạm dừng hoạt động một số nhà ga để chuẩn bị cho công tác phòng chống bão lũ.

Mặc dù bão Chanthu đã suy yếu đáng kể sau khi quét qua Philippines vào cuối tuần trước, nó vẫn gây ra sự gián đoạn nghiêm trọng với một số thành phố lớn của Trung Quốc sau khi tiến vào đại lục. Chính quyền thành phố Thượng Hải và một số tỉnh lân cận như Chiết Giang đã  hủy hầu hết các chuyến bay và tàu hỏa, đồng thời thông báo cho học sinh nghỉ học.

Tại thời điểm mạnh nhất trước khi đổ bộ vào Philippines, bão Chanthu có sức gió lên tới 260 km / h (160 dặm / giờ) tương đương với sức mạnh của cơn bão Đại Tây Dương cấp 5. Đây được đánh giá là một trong những cơn bão mạnh nhất năm nay.

2 cảng biển tấp nập nhất Trung Quốc tạm ngừng hoạt động do bão, chuỗi cung ứng toàn cầu thêm lao đao - Ảnh 1.

2 cảng biển tấp nập nhất Trung Quốc tạm ngừng hoạt động do bão, chuỗi cung ứng toàn cầu thêm lao đao (Ảnh: ST)

Sự gián đoạn hoạt động của các cảng biển Trung Quốc do bão diễn ra tại thời điểm chuỗi cung ứng thương mại toàn cầu đình trệ kéo dài do cuộc khủng hoảng đại dịch. Thực tế, chuỗi cung ứng đã tgián đoạn nhiều lần trong năm nay khi nền kinh tế thế giới bắt đầu phục hồi từ đại dịch, nhu cầu chi tiêu tăng lên dẫn đến sự thiếu hụt container và tăng giá cước vận tải. Hồi tháng 4, sự cố một trong những con tàu container lớn nhất thế giới mắc kẹt chắn ngang kênh đào Suez nhiều ngày đã khiến giao thông qua kênh đào đình trệ hàng tuần liền. Kênh Suez của Ai Cập là nơi thông qua hơn 12% kim ngạch thương mại toàn cầu bằng đường biển, một trong những tuyến đường biển thương mại nhộn nhịp nhất hành tinh.

Hai tháng sau đó, vào tháng 6 năm nay, ổ dịch Covid-19 bùng phát ở miền Nam Trung Quốc buộc các nhà chức trách đóng cửa một phần cảng Diêm Điền tiếp tục gây áp lực lên chuỗi cung ứng toàn cầu. Diêm Điền là một trong những cảng bận rộn nhất hành tinh, với khối lượng hàng hóa thông quan trong năm 2020 lên tới 13,34 triệu TEU (container tiêu chuẩn 20 ft), theo số liệu từ Cục Vận tải Thâm Quyến. Công suất phục vụ của cảng khoảng 100 tàu mỗi tuần, theo dữ liệu của trang web chính quyền Thâm Quyến.

Sau đó một tháng, vào giữa tháng 7, mưa lớn và lũ lụt đã tàn phá nhiều vùng Tây Âu, đặc biệt là Đức và Bỉ. Một số khu vực tại Thụy Sĩ, Luxembourg và Hà Lan cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ông Tim Huxley nhận định: “Sự kiện trên thực sự sẽ phá vỡ chuỗi cung ứng khi tất cả các liên kết đường sắt đều bị gián đoạn”, bao gồm các tuyến đường sắt đi từ Cộng hòa Séc và Slovakia đến các cảng Rotterdam và Hamburg của Đức. “Các chuyến hàng đến và đi đang bị trì hoãn, điều này thực sự đang giáng đòn mạnh mẽ lên ngành công nghiệp”.

Không chỉ châu Âu, cũng trong tháng 7, Trung Quốc phải hứng chịu một đợt mưa lũ tồi tệ khiến hàng trăm người tử vong và hàng triệu dân buộc phải di dời. Vùng tâm lũ nằm ở thành phố Trịnh Châu của tỉnh Hà Nam, nơi được mệnh danh là “thành phố iPhone” của Trung Quốc, với khu tổ hợp nhà máy sản xuất và lắp ráp iPhone quy mô lớn của Foxconn - đối tác chiến lược của Apple. Theo ông Huxley, hậu quả mà trận lũ lụt kinh hoàng ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc gây ra với chuỗi cung ứng toàn cầu có thể còn mạnh mẽ hơn cả dư chấn từ trận lũ lụt ở châu Âu, do tỉnh Hà Nam hoàn toàn nằm trong đất liền và là một trong những thủ phủ sản xuất công nghiệp quan trọng nhất của nền kinh tế lớn thứ hai hành tinh.

Đến giữa tháng 8, Trung Quốc tiếp tục đóng cửa một phần cảng Ninh Ba - Chu Sơn, cảng container lớn bậc nhất trong nước sau khi phát hiện một công nhân dương tính với Covid-19. Theo tính toán của nhà tư vấn GardaWorld, nhà ga Meishan chiếm khoảng 25% lượng hàng container thông qua cảng Ninh Ba - Chu Sơn. 

Giới chuyên gia cảnh báo bất kỳ sự chậm trễ nào do tình trạng tắc nghẽn tại các cảng cũng có nguy cơ gây áp lực lên chi phí vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc vốn đã lên mức kỷ lục do nhu cầu xuất khẩu tăng vọt, tình trạng thiếu container và nhiều yếu tố khác của chuỗi cung ứng toàn cầu giữa đại dịch Covid-19.


NTTD
Cùng chuyên mục