dd/mm/yyyy

85 người chết vì bệnh dại mỗi năm: Quyết liệt xử lý việc thả rông chó

Theo Bộ NNPTNT, trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2021, bệnh dại đã làm chết 1.026 người (trung bình mỗi năm có 85 người chết vì bệnh dại) và trên 5,2 triệu người phơi nhiễm và buộc phải điều trị dự phòng (tổn thất trên 15.000 tỷ đồng).

85 người chết vì bệnh dại mỗi năm: Quyết liệt xử lý việc thả rông chó

Năm 2021, cả nước có 53 người chết vì bệnh dại và 531.204 người phải đi điều trị dự phòng bệnh dại. Thống kê chưa đầy đủ, trong 6 tháng đầu năm 2022 ghi nhận 25 ca tử vong do dại tại 11 tỉnh, tương đương cùng kỳ năm 2021.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, ngày 21/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2151 về việc phê duyệt "Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại, giai đoạn 2022 - 2030". 

Để tổ chức triển khai có hiệu quả chương trình quốc gia này, Bộ NNPTNT đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND các cấp khẩn trương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, bố trí kinh phí và các nguồn lực để tổ chức thực hiện có hiệu quả kế hoạch phòng, chống bệnh dại tại địa phương, tránh tình trạng chủ quan, lơ là. 

Kế hoạch của địa phương cần phải có mục tiêu, giải pháp và phân công trách nhiệm cụ thể để tổ chức thực hiện, bảo đảm thống nhất với các nội dung của chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại.

6 tháng, 25 ca tử vong do bệnh dại: Quyết liệt xử lý việc thả rông chó - Ảnh 1.

Trên địa bàn Hà Nội có rất nhiều chó được chủ thả rông trên đường phố, công viên mà không được rọ mõm. Ảnh: Phạm Hưng

Chương trình đặt ra mục tiêu đối với phòng, chống bệnh dại ở động vật trong giai đoạn 2022 - 2025 có 70% số tỉnh, thành phố giám sát được chó, mèo mắc, nghi mắc bệnh dại; tổ chức quản lý được 70% số hộ nuôi chó, mèo và tiêm vaccine dại cho 70% tổng đàn chó, mèo nuôi được quản lý; xây dựng thành công thêm ít nhất 10 vùng an toàn dịch bệnh dại cấp huyện…

Bộ NNPTNT cũng đề nghị các địa phương tổ chức thực hiện phòng, chống bệnh dại trên chó, mèo theo nguyên tắc tuân thủ và thực hiện những nội dung, giải pháp tại chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại, giai đoạn 2022 - 2030, văn bản của Bộ NNPTNT và các văn bản hướng dẫn kỹ thuật của Cục Thú y. 

Trong đó, kế hoạch phòng, chống bệnh Dại tại địa phương cần có những nội dung: Thống kê chính xác và báo cáo số hộ nuôi chó, mèo ở từng khu dân cư, thôn, xã bảo đảm quản lý được trên 70% số hộ nuôi chó, mèo và số chó, mèo nuôi trong giai đoạn 2022 - 2025, và trên 90% trong giai đoạn 2026 - 2030. 

Hướng dẫn, yêu cầu các hộ nuôi chó, mèo cam kết thực hiện nghiêm việc khai báo, chấp hành việc nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình; chó khi đưa ra khỏi nhà phải được xích, rọ mõm và có người dắt đề phòng cắn người. Tổ chức quản lý, lập danh sách hộ nuôi chó, mèo; cập nhật số liệu nuôi chó, mèo tại địa phương trên hệ thống báo cáo thông tin trực tuyến; có lộ trình và từng bước áp dụng đánh dấu nhận diện (vòng đeo cổ) cho chó, mèo đã được tiêm vaccine dại.

Các địa phương căn cứ tình hình thực tiễn tại địa phương để quyết định thành lập đội bắt chó thả rông, không đeo rọ mõm, nghi mắc bệnh dại.

Các địa phương tổ chức thực hiện tiêm phòng vaccine dại cho đàn chó, mèo, bảo đảm đạt tỷ lệ tiêm phòng trên 70% tổng đàn trong giai đoạn 2022 - 2025 và trên 80% trong giai đoạn 2026 - 2030.

Khi phát hiện hoặc nhận được thông tin về các trường hợp người bị chó, mèo mắc bệnh dại hoặc nghi mắc bệnh dại cắn, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y chủ động phối hợp với cơ quan y tế và các cơ quan liên quan tổ chức điều tra, xác định nguyên nhân ổ dịch và thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

Bộ NNPTNT cũng đề nghị các địa phương có kế hoạch, bố trí nguồn lực để đẩy mạnh công tác xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh dại trên động vật, đặc biệt tại những khu du lịch, khu vực thành phố, thị xã, khu đông dân cư. Tổ chức theo dõi, giám sát, ngăn chặn, xử lý tiêu hủy chó, mèo, sản phẩm chó, mèo vận chuyển trái phép từ nước ngoài vào Việt Nam… 


Phương Thảo