dd/mm/yyyy

Ấn Độ giảm mua, một mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam mất hàng triệu USD

Từ đầu năm 2023 đến nay, xuất khẩu cao su sang Ấn Độ gặp nhiều khó khăn, lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này liên tục sụt giảm so với cùng kỳ năm 2022...

Xuất khẩu cao su sang Ấn Độ nửa đầu năm giảm cả lượng và giá

Từ đầu năm 2023 đến nay, xuất khẩu cao su sang Ấn Độ gặp nhiều khó khăn, lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này liên tục sụt giảm so với cùng kỳ năm 2022, tuy nhiên đà sụt giảm đang dần thu hẹp lại trong thời gian gần đây. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 45,21 nghìn tấn, trị giá 63,24 triệu USD, giảm 20,4% về lượng và giảm 38,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân cao su sang thị trường này đạt 1.399 USD/tấn, giảm 23,1% so với cùng kỳ năm 2022. 

Chủng loại xuất khẩu: Trong 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu sang Ấn Độ chủ yếu là cao su tự nhiên. Trong đó, chủng loại SVR10 được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 45,36% tổng lượng cao su xuất khẩu sang Ấn Độ trong 6 tháng đầu năm 2023. Đứng thứ 2 là chủng loại SVR 3L chiếm 17,71% và RSS3 chiếm 9,68% tổng lượng cao su xuất khẩu sang Ấn Độ trong 6 tháng đầu năm 2023.

Ấn Độ giảm mua, một mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam mất hàng triệu USD - Ảnh 1.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Về giá xuất khẩu: Nhìn chung, giá xuất khẩu bình quân các chủng loại cao su sang Ấn Độ trong 6 tháng đầu năm 2023 hầu hết đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022, trong đó giá giảm mạnh nhất là Latex giảm 28,4%; RSS1 giảm 23,8%; SVR 20 giảm 23,7%; SVR 10 giảm 23%...

Thị phần cao su của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Ấn Độ cũng sụt giảm

Theo trang Money Control, nhu cầu tiêu thụ cao su của Ấn Độ trong niên vụ 2022/23 tăng 9% so với niên vụ 2021/22 lên 1,35 triệu tấn. Trong khi đó, sản lượng tăng với tốc độ chậm hơn với 7%, đạt 839 nghìn tấn. Phần thiếu hụt nguồn cung còn lại, Ấn Độ phụ thuộc vào nhập khẩu và số ít đến từ tồn kho niên vụ cũ. Biến đổi khí hậu kèm theo chi phí trồng tăng cao đang ảnh hưởng đến sản lượng cao su tại bang Kerala (khu vực trồng cao su lớn nhất của Ấn Độ). Tỷ trọng đóng góp sản lượng của khu vực này đã giảm từ 90% ở niên vụ 2021/22, xuống còn 78% trong niên vụ 2022/23. 

Theo số liệu thống kê của Bộ Thương mại Ấn Độ, trong 5 tháng đầu năm 2023, Ấn Độ nhập khẩu 459,59 nghìn tấn cao su (HS 4001; 4002; 4003; 4005), trị giá 854,05 triệu USD, giảm 7,4% về lượng và giảm 21,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Indonesia, Hàn Quốc, Thái Lan, Malaysia và Bờ Biển Ngà là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Ấn Độ. Trừ Indonesia và Thái Lan, thì lượng cao su nhập khẩu từ 3 thị trường còn lại đều giảm về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2022. 

Nhập khẩu cao su của Ấn Độ từ Việt Nam cũng giảm mạnh trong 5 tháng đầu năm 2023, với 29,1 nghìn tấn, trị giá 42,95 triệu USD, giảm 46,1% về lượng và giảm về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Cao su nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm 6,33% trong tổng lượng cao su nhập khẩu của Ấn Độ, giảm mạnh so với mức 10,88% của cùng kỳ năm 2022. Tại thị trường Ấn Độ, thị phần cao su của Việt Nam thu hẹp so với cùng kỳ năm 2022, trong khi thị phần cao su của Indonesia, Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2022.

Ấn Độ giảm mua, một mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam mất hàng triệu USD - Ảnh 2.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Bộ Thương mại Ấn Độ

Cơ cấu chủng loại nhập khẩu: Trong 5 tháng đầu năm 2023, Ấn Độ chủ yếu nhập khẩu cao su tự nhiên và cao su tổng hợp, trong đó nhập khẩu cao su tự nhiên chiếm 40,82% và cao su tổng hợp chiếm 46,4% trong tổng lượng cao su nhập khẩu của Ấn Độ, phần còn lại là cao su hỗn hợp và cao su tái sinh. 

Trong thời gian này, lượng và trị giá nhập khẩu cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của Ấn Độ đều sụt giảm so với cùng kỳ năm 2022. Trong 5 tháng đầu năm 2023, Ấn Độ nhập khẩu 187,62 nghìn tấn cao su tự nhiên (HS 4001), trị giá 280,96 triệu USD, giảm 17,3% về lượng và giảm 35,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Indonesia, Bờ Biển Ngà, Malaysia, Việt Nam và Thái Lan là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su tự nhiên cho Ấn Độ. Trừ Indonesia, nhập khẩu cao su tự nhiên của Ấn Độ từ các thị trường này đều sụt giảm so với cùng kỳ năm 2022. 

Việt Nam là thị trường lớn thứ 4 cung cấp cao su tự nhiên cho Ấn Độ trong 5 tháng đầu năm 2023 với 28,33 nghìn tấn, trị giá 41,55 triệu USD, giảm 47% về lượng và giảm 61% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Thị phần cao su tự nhiên của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Ấn Độ chiếm 15,1%, giảm mạnh so với mức 23,53% của cùng kỳ năm 2022. 

Cơ cấu thị trường chính cung cấp cao su tự nhiên cho Ấn Độ trong 5 tháng đầu năm 2023 có sự thay đổi khi thị phần cao su của Indonesia, Malaysia, Thái Lan trong tổng nhập khẩu của Ấn Độ tăng mạnh; trong khi thị phần của Việt Nam, Bờ Biển Ngà lại giảm.

Ấn Độ giảm mua, một mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam mất hàng triệu USD - Ảnh 3.

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Bộ Thương mại Ấn Độ

Ấn Độ cũng giảm nhập khẩu cao su tổng hợp (HS 4002), tuy nhiên đà giảm đang dần thu hẹp lại trong mấy tháng gần đây. Trong 5 tháng đầu năm 2023, Ấn Độ nhập khẩu 213,25 nghìn tấn cao su tổng hợp, trị giá 481,05 triệu USD, giảm 1,2% về lượng và giảm 11,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản và Ả Rập Xê-út là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su tổng hợp cho Ấn Độ. Trừ Hàn Quốc, nhập khẩu cao su từ các thị trường này đều tăng khá so với cùng kỳ năm 2022. 

Cơ cấu thị trường cung cấp cao su tổng hợp chính cho Ấn Độ trong 5 tháng đầu năm 2023 có sự thay đổi khi thị phần cao su tổng hợp của Hàn Quốc, Nga, Ba Lan trong tổng nhập khẩu của Ấn Độ giảm; trong khi thị phần của Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản lại tăng. Thị phần cao su tổng hợp Việt Nam chỉ chiếm 0,28% trong tổng nhập khẩu của Ấn Độ.

Do xuất khẩu cao su của Việt Nam giảm nên giá mủ cao su trong nước từ đầu năm tới nay đều không tăng. Trong 10 ngày giữa tháng 7/2023, giá mủ cao su nguyên liệu tại thị trường nội địa ít biến động, giá mủ nước tại các vùng nguyên liệu duy trì ở mức thấp, trong khoảng 240-280 đồng/TSC. 

Tại tỉnh Phú Yên, giá giá mủ nước duy trì ở mức 266 đồng/TSC; tại tỉnh Đồng Nai duy trì ở mức 240-245 đồng/ TSC; tại thành phố Hồ Chí Minh duy trì ở mức 250 đồng/TSC; tại Bình Phước duy trì ở mức 250-280 đồng/TSC; còn tại các tỉnh khác, giá mủ nước dao động quanh mức 240-280 đồng/TSC. 

Tại các công ty cao su, giá mủ nước cũng chỉ đang được thu mua trong khoảng 250-270 đồng/TSC. Công ty Cao su Phú Riềng thu mua ở mức 250-270 đồng/TSC; Công ty Cao su Phước Hòa mua với giá 262-264 đồng/ TSC; Công ty Cao su Đồng Phú giữ mức giá 270 đồng/TSC; Công ty Cao su Bình Long mua tại mức giá 259-269 đồng/TSC. Công ty Cao su Bà Rịa thu mua ở mức 240-250 đồng/TSC.

Nguyễn Phương