Thứ sáu, 03/05/2024

Bàn cách đưa 1 triệu tỷ đồng chảy vào nền kinh tế

08/09/2023 9:00 AM (GMT+7)

Dù các nhà điều hành đã có những chính sách tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, qua đó thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, nhưng kết quả chưa được như mong đợi. Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc phối hợp với chính sách tài khoá, điều hành tín dụng nên có cách nhìn dài hạn, hướng về tương lai.

Từ mức tăng trưởng 3,27% trong tháng 5, tín dụng có sự hồi phục tích cực đạt 4,73% đến cuối tháng 6. Tuy nhiên, bước sang tháng 7, tín dụng bất ngờ tăng trưởng âm chỉ đạt 4,56%. Đây là mức tăng trưởng đáng báo động vì phản ánh quá trình phục hồi của nền kinh tế và mục tiêu tăng trưởng kinh tế cho cả năm.

Tín dụng mới tăng 5,33%, còn dư địa tăng thêm 1 triệu tỷ

Trong bối cảnh đó, các nhà điều hành đã ban hành nhiều chính sách kích cầu nền kinh tế với hy vọng kéo theo tăng trưởng tín dụng như: đẩy mạnh đầu tư công, giải pháp khuyến khích xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư giúp cho dòng tiền trong nền kinh tế lưu chuyển tốt hơn.

Về phía ngành ngân hàng cũng ban hành dồn dập các chính sách kích tín dụng như: triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hỗ trợ chủ đầu tư và người vay mua nhà ở xã hội, gói tín dụng 15.000 tỷ đồng cho vay doanh nghiệp thuỷ hải sản. Đồng thời, NHNN đã có 4 lần giảm lãi suất điều hành để tạo dư địa cho các ngân hàng thương mại giảm lãi suất huy động và cho vay.

Bàn cách đưa 1 triệu tỷ đồng chảy vào nền kinh tế - Ảnh 1.

3 tháng cuối năm toàn hệ thống còn gần 9% để tăng trưởng tín dụng, tương đương khoảng 1 triệu tỷ đồng.

Đến nay lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND của ngân hàng thương mại giảm khoảng 1,5 điểm % so với cuối năm 2022. Các ngân hàng thương mại đã chủ động điều chỉnh và triển khai chương trình, gói tín dụng ưu đãi để giảm lãi suất cho vay với mức giảm khoảng 0,5-3 điểm % tùy đối tượng khách hàng đối với khoản vay mới.

Theo đó, giới phân tích và các chuyên gia kỳ vọng, tín dụng sẽ tăng trưởng mạnh từ tháng 8 trở đi. Tuy nhiên, số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đến ngày 29/8/2023, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 12,56 triệu tỷ đồng, tăng 5,33% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,87%).

Trong 3 năm gần đây, tín dụng toàn hệ thống tăng thêm bình quân khoảng 1 triệu tỷ đồng/năm. Thực tế doanh số cấp tín dụng của hệ thống ngân hàng ra nền kinh tế trong năm lớn hơn rất nhiều lần. Cụ thể, năm 2021 là 17,4 triệu tỷ đồng; năm 2022 là 19,7 triệu tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2023 gần 10,2 triệu tỷ đồng.

Trước đó, trong tháng 7, NHNN đã điều chỉnh chỉ tiêu room tín dụng năm 2023 cho các ngân hàng với mức giao toàn hệ thống khoảng 14%. Như vậy, hiện nay toàn hệ thống còn gần 9% để tăng trưởng tín dụng, tương đương khoảng 1 triệu tỷ đồng.

NHNN cho rằng, trong bối cảnh thanh khoản hệ thống tổ chức tín dụng dư thừa và còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng tín dụng, việc triển khai các giải pháp để tăng khả năng hấp thụ vốn của người dân, doanh nghiệp là rất cần thiết để tổ chức tín dụng có điều kiện cung ứng vốn, mở rộng tín dụng đối với nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng.

Vì sao cần có những giải pháp khác thường?

Tại cuộc họp về giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, được tổ chức ngày 7/9, đại diện các ngân hàng thương mại cũng chia sẻ những khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp. Theo đó, trong bối cảnh thanh khoản dồi dào nhưng vốn tín dụng không ra được nền kinh tế, "ngân hàng cũng rất đau đầu vì vẫn phải huy động vốn và trả lãi vay, áp lực tăng trưởng tín dụng rất lớn", đại diện một ngân hàng cho hay.

Thực tế do nhu cầu thị trường không có nên doanh nghiệp cũng không có nhu cầu vốn. Bởi nếu vay vốn về sản xuất mà hàng tồn kho nhiều hơn, lại phải trả lãi thì doanh nghiệp còn khó khăn hơn nữa. Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam thừa nhận, việc sản xuất gặp khó khăn không chỉ ở tín dụng mà là do thiếu đơn hàng và đơn giá thấp. Doanh nghiệp không có cơ hội sản xuất kinh doanh khả dĩ thì không vay tiền để làm gì dù lãi suất có thấp.

Trước mắt nhu cầu của thị trường hàng dệt may chưa thể một sớm một chiều tăng lên được. Tuy nhiên nhìn về lâu dài có rất nhiều cơ hội kinh doanh và nhu cầu vốn rất lớn, nhất là trong "chuyển đổi xanh".

Đại diện hiệp hội dệt may đề xuất Nhà nước và ngân hàng nên có chính sách hỗ trợ về đất đai, vốn cho doanh nghiệp dệt may đầu tư chuyển đổi công nghệ, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong tương lai.

Đưa ra giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế và khơi thông dòng chảy tín dụng, TS. Võ Trí Thành, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, để giải quyết bài toán nâng cao hiệu quả tiếp cận tín dụng của người dân, doanh nghiệp, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế cần phải có cách nhìn và giải pháp tổng thể cả trong hệ thống kinh tế cũng như trong hệ thống ngân hàng.

Theo ông, để có lời giải cho bài toán này, chỉ riêng hệ thống ngân hàng khó giải quyết được vấn đề. Bởi trong bối cảnh hiện nay, dư địa để điều hành chính sách tiền tệ không còn nhiều (chủ yếu liên quan đến lãi suất) nên cần giải pháp phù hợp, hiệu quả đẩy mạnh chính sách tài khóa.

Bên cạnh đó, phải tách bạch, "không được đánh đồng" giữa vai trò của NHNN và các ngân hàng thương mại. “NHNN cần tiếp tục điều chỉnh chính sách tiền tệ khôn khéo, gắn với bảo đảm an toàn hệ thống tín dụng. Các ngân hàng thương mại cần hoạt động tuân theo pháp luật và quy luật của thị trường”, ông nhấn mạnh.

Trong khi đó, PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh, chưa bao giờ Chính phủ, các cấp, các ngành điều hành quyết liệt như thời gian vừa qua, nhưng kết quả chưa như mong đợi. Rõ ràng là nền kinh tế đang ở trong trạng thái không bình thường.

Đối với việc điều hành tín dụng trong trạng thái bất thường phải có những giải pháp khác thường. Đây cũng là cơ hội để các ngân hàng can đảm lên, tiếp cận doanh nghiệp bằng xu hướng, tiềm năng tương lai… Ví dụ hỗ trợ tín dụng doanh nghiệp phát triển kinh tế số, chuyển đổi xanh, năng lượng tái tạo.

"Điều hành tín dụng nên có cách nhìn dài hạn, hướng về tương lai. Ngoài ra, trong giai đoạn hiện nay nên tính toán tiếp tục đẩy mạnh các chính sách tài khóa ngân sách để hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế đảm bảo "đủ mức, đủ độ",… Đây là câu chuyện rất khó về cơ chế, nhưng khó mới cần phải làm", ông Thiên nói.

Đồng tình, chuyên gia kinh tế, TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh rất khó khăn vẫn có lợi thế là nền tảng kinh tế vĩ mô khá ổn định. Đây là vấn đề rất quý và "chúng ta cũng phải vui một tý".

Theo ông Nghĩa, bên cạnh việc giải quyết những vấn đề trước mắt, lúc này cũng phải "bàn chuyện dài hạn", tính toán xem ngành nào, lĩnh vực nào có thể "kéo 100 triệu dân đi lên" trong thời gian tới để có các giải pháp phù hợp, hiệu quả.

Đối với lĩnh vực bất động sản, ông Nghĩa cho rằng đây là khu vực có khả năng lan tỏa, trước mắt cần tập trung phát triển nhà ở xã hội. Nhà nước cần có những chính sách để doanh nghiệp "thích thú với nhà ở xã hội" theo hướng nhà nước làm chính sách, ngân hàng cho vay vốn, doanh nghiệp chỉ lo xây và bán nhà.

Về điều kiện cho vay, ông Nghĩa cho rằng, đây là quyền của các ngân hàng thương mại. Quyền lựa chọn theo "khẩu vị rủi ro" của từng ngân hàng. Nhà nước chỉ nên đưa ra khuyến cáo, không nên bắt buộc.

Theo vnbusiness.vn

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Hút nhiều "đại bàng" FDI, Bà Rịa - Vũng Tàu lên ngôi đầu bảng

Hút nhiều "đại bàng" FDI, Bà Rịa - Vũng Tàu lên ngôi đầu bảng

Thu hút nhiều dự án đầu tư lớn, Bà Rịa - Vũng Tàu vươn lên vị trí số 1 cả nước về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới trong 4 tháng đầu năm, với kết quả hơn 1,52 tỷ USD.

Sản lượng khách quốc tế qua 22 cảng hàng không tăng mạnh

Sản lượng khách quốc tế qua 22 cảng hàng không tăng mạnh

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết trong giai đoạn cao điểm lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, các cảng hàng không thuộc đơn vị đã khai thác gần 1,8 triệu lượt, trong đó có 667.631 lượt khách quốc tế, tăng 31,16% so với cùng kỳ.

Phú Quốc thêm một lần bị khách nội quay lưng

Phú Quốc thêm một lần bị khách nội quay lưng

Trong vòng 5 năm trở lại đây, du lịch Phú Quốc chứng kiến nhiều biến động về lượng khách. Từ năm 2023, nỗ lực hút khách nội của địa phương vẫn chưa đạt hiệu quả.

Hội chợ hàng Việt Nam tiêu biểu xuất khẩu sắp diễn ra tại TP.HCM

Hội chợ hàng Việt Nam tiêu biểu xuất khẩu sắp diễn ra tại TP.HCM

Hội chợ hàng Việt Nam tiêu biểu xuất khẩu là nơi hội tụ các doanh nghiệp xuất khẩu uy tín hàng đầu của TP.HCM và Việt Nam, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu mua hàng đa dạng của các nhà mua hàng quốc tế.

Thủ tướng chỉ thị triển khai điều hành chính sách tiền tệ nhằm thúc đẩy tăng trưởng

Thủ tướng chỉ thị triển khai điều hành chính sách tiền tệ nhằm thúc đẩy tăng trưởng

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 2/5/2024 về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Canh chua và văn hóa chống nóng

Canh chua và văn hóa chống nóng

Miền Tây Nam Bộ gần xích đạo nên rất nóng, đặc biệt năm nay, tình hình này lại kéo dài và gay gắt hơn các năm trước. Trong lĩnh vực ẩm thực, người xưa có nhiều cách đối phó với thời tiết nắng nóng. Nắng nóng (dương) cần có nước (âm) để quân bình lại. Một trong những món ăn điển hình là canh chua.