dd/mm/yyyy

Bội thu mùa ruốc biển cuối năm, ngư dân Nghệ An thu trăm triệu

Năm nay giá ruốc biến cao gấp 3 lần so với năm ngoái do vậy ngư dân phấn khởi ra khơi. Mừa ruốc biển cuối năm tại bến Lạch Cờn, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) tấp nập với những ghe thuyền đầy ắp ruốc biển.


Những chuyến tàu đầy ắp ruốc biển của ggư dân xã Quỳnh Lập (TX. Hoàng Mai). Ảnh: Nguyễn Vân

Ngay khi thuyền vừa cập bến, các thương lái đã có mặt để trực tiếp thu mua ruốc biển. Từng khay ruốc tươi hồng vừa được ngư dân đánh về khẩn trương được chuyển lên bờ. Đang chính vụ khai thác ruốc nên sản lượng đạt cao, con ruốc to, thuận lợi cho việc chế biến ruốc khô.

Hiện nay, giá thu mua ruốc tại bến là 22.000 đồng/kg, tăng gấp 3 lần so với năm ngoái. Vì thế, bà con ngư dân rất phấn khởi, tập trung lao động đi khai thác ruốc.

Đặc điểm của loài ruốc biển thường xuất hiện thành từng dải ở khu vực gần bờ, nên các tàu thuyền nhỏ dễ dàng hoạt động.


Ruốc chính mùa con to, có màu hồng tươi. Ảnh: Nguyễn Vân

Vùng khai thác ruốc xa nhất cách bến Lạch Cờn gần 6 hải lý, tầm 3 giờ sáng là ngư dân lên đường, ngày may mắn có thể đầy thuyền khi mờ sáng, chạy về bến bán và quay lại khai thác thêm chuyến nữa. Chỉ với 1,2 lao động, trong một ngày có thể khai thác được bình quân 2 -3 tạ ruốc biển tươi, thậm chí có thuyền từ 6 - 7 tạ ruốc.

Ruốc khai thác về đến đâu, được thương lái thu mua hết đến đó. Con ruốc tươi sau khi các thương lái thu mua sẽ được đưa vào các lò hấp sấy, cho ra thành phẩm ruốc khô hay còn gọi là moi.

Sản phẩm này chủ yếu được bán sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, một lượng ít tiêu thụ nội địa. Do sản lượng ruốc đạt cao nên các cơ sở chế biến ở Quỳnh Lập những ngày này hoạt động hết công suất, huy động lực lượng lớn lao động. Thậm chí những chuyến về cuối ngày, các cơ sở phải tiến hành hấp sấy cả ban đêm.


Ruốc đang tươi sau khi thu mua về nhanh chóng được đưa vào lò hấp. Ảnh: Nguyễn Vân

Ruốc sau khi hấp sấy, được làm sạch bằng cách lựa các loại hải sản khác lẫn vào rồi đóng vào các thùng cát tông lớn, chuyển đi tiêu thụ trong ngày.

Xã Quỳnh Lập có khoảng 40 phương tiện chuyên nghề giã cào, tùy thuộc vào mùa và con nước, bà con ngư dân có thể khai thác được nhiều loại sản phẩm khác nhau như con ruốc, mực nháy, cá trích, tôm tít, tôm sắt... Đây đều là những mặt hàng được thị trường ưa chuộng, giá ổn định và khá cao.

Theo anh Lê Bá Thuần ở xóm Đồng Tiến, đội tàu khai thác gần bờ được ngư dân lắp máy có công suất từ 50 – 180CV, thu nhập lao động nghề biển khá ổn định. Một số thuyền 4,5 lao động mỗi năm thu về hơn 100 triệu đồng/người.


Thành phẩm sau sấp là ruốc khô, có màu sáng đẹp; ruốc sau khi lựa sạch được đóng gói tiêu thụ sang Trung Quốc. Ảnh: Nguyễn Vân

Tàu thuyền nghề đi giã phù hợp với điều kiện của các ngư dân ít vốn, không có lao động, hoặc dành cho các lão ngư có nhiều kinh nghiệm trong đánh bắt nhưng tuổi đã cao.

Được mùa ruốc biển trong những ngày này là tín hiệu vui để bà con ngư dân Quỳnh Lập nói riêng, ngư dân Hoàng Mai nói chung tiếp tục yên tâm bám biển và kỳ vọng vào một năm mới khởi sắc của nghề cá.

Nguyễn Vân