dd/mm/yyyy

Bùng phát dịch tả lợn châu Phi, nhiều nơi diễn biến phức tạp

Dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát trở lại và diễn biến phức tạp ở một số địa phương, khiến giá lợn liên tục giảm sâu trong thời gian gần đây. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong 9 tháng cả nước đã tiêu hủy hơn 34.000 con lợn do nhiễm dịch tả châu Phi.

Ghi nhận trên thị trường ngày 14/10 cho thấy, giá lợn hơi tại miền Bắc tiếp tục giảm nhẹ ở một vài nơi. Theo đó, hai tỉnh Nam Định và Ninh Bình cùng giảm 1.000 đồng/kg, hiện neo chung mốc 50.000 đồng/kg. Giá lợn tại miền Bắc trong khoảng 50.000 - 52.000 đồng/kg.

Giá lợn hơi ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên giảm 1.000 đồng/kg. Cụ thể, sau khi giảm 1.000 đồng/kg, lợn hơi tại Thanh Hóa và Khánh Hòa đang cùng được thu mua chung mốc 50.000 đồng/kg. Cùng mức giảm trên, giá lợn hơi tại Quảng Nam được điều chỉnh xuống 51.000 đồng/kg. Hiện tại, giá lợn hơi ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên trong khoảng 49.000 - 52.000 đồng/kg

Ở khu vực phía Nam, giá lợn hơi khu vực miền Nam dao động trong khoảng 48.000 - 53.000 đồng/kg

Ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi tỉnh Đồng Nai - cho biết, thông thường thời điểm này các cơ sở tăng nhập lợn chăn nuôi phục vụ dịp cuối năm và Tết Nguyên đán nên giá thường tăng. Tuy nhiên, năm nay nghịch lý ở chỗ giá liên tục giảm mạnh.

Bùng phát dịch tả lợn châu Phi, nhiều nơi diễn biến phức tạp - Ảnh 2.

Người dân tại một xã huyện Diễn Châu, Nghệ An vừa tiêu hủy lợn nhiễm dịch tả châu Phi.

Theo ông Đoán, ngoài nhu cầu tiêu thụ thấp do ảnh hưởng bởi tình trạng kinh tế khó khăn, năm nay dịch bệnh tái bùng phát trở lại đã khiến một bộ phận các hộ chăn nuôi đẩy mạnh bán hàng ra để “chạy dịch”, gây áp lực lên giá lợn trên toàn thị trường.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong tháng 9, cả nước phát sinh 38 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 12 tỉnh, thành phố. Tổng số lợn bị tiêu hủy là 528 con. Từ đầu năm đến nay, cả nước phát sinh 343 ổ dịch tại 38 tỉnh, thành phố; tổng số lợn bị tiêu hủy hơn 34.000 con. Hiện nay, cả nước có 73 ổ dịch thuộc 40 huyện của 14 tỉnh chưa qua 21 ngày.

Mới đây, Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An ghi nhận tình trạng tái phát dịch tả lợn châu Phi tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở hai huyện Diễn Châu và Yên Thành.

Các tỉnh thành khác như Hà Giang, Trà Vinh, Quảng Ngãi, Đắk Lắk… cũng ghi nhận dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát tại các xã, thị trấn, chủ yếu là tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Bùng phát dịch tả lợn châu Phi, nhiều nơi diễn biến phức tạp - Ảnh 4.

Dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát trở lại ở nhiều địa phương

Ông Nguyễn Văn Long - Cục trưởng Thú y, Bộ NN&PTNT - cho biết, nguyên nhân dịch tả lợn châu Phi bùng phát trở lại chủ yếu là do công tác quản lý và chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học chưa được chú trọng.

Theo ông Long, đến nay Thủ tướng đã phê duyệt kế hoạch quốc gia về phòng chống dịch tả lợn châu Phi nhưng các địa phương và người chăn nuôi chưa tổ chức triển khai đúng nội dung theo sự chỉ đạo về chăn nuôi an toàn sinh học. Ngoài ra Bộ NN&PTNT đã chính thức cho phép sử dụng vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi nhưng các địa phương chưa đẩy mạnh và tăng tỷ lệ tiêm phòng.

“Từ nay đến cuối năm, nguy cơ dịch bệnh sẽ tiếp tục xảy ra nếu các địa phương, đặc biệt là những nơi phát triển về chăn nuôi không quan tâm, không triển khai có hiệu quả kịp thời các giải pháp mà Chính phủ và Bộ NN&PTNT đưa ra. Dự kiến sang tuần sau, Bộ NN&PTNT sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc để quán triệt công tác phòng chống dịch, trong đó có bệnh dịch tả lợn châu Phi” - ông Long nói.

Cục trưởng Cục Thú y cho rằng, cần khẩn trương đẩy mạnh tiêm vắc xin ngừa dịch tả lợn châu Phi, đồng thời chăn nuôi an toàn để xây dựng theo chuỗi không chỉ phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ trong nước mà hướng tới xuất khẩu.

Đối với những lo ngại về nguy cơ thiếu thịt lợn dịp cuối năm do các hộ chăn nuôi ngại tái đàn vì lo dịch bệnh, người đứng đầu Cục Thú y khẳng định, Việt Nam có tổng đàn lợn trên 27 triệu con, đảm bảo đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Theo Tiền Phong