Thứ Năm, ngày 03/04/2025 07:47 (GMT+7)

Dân Việt

Chiềng Ân tìm lối... thoát nghèo

Bài, ảnh: Vì Định

03/10/2018 10:30 GMT +7

Chiềng Ân là xã đặc biệt khó khăn của huyện Mường La (Sơn La), cơ sở vật chất, giao thông, điều kiện phát triển kinh tế còn nhiều hạn chế. Tuy vậy, người dân Chiềng Ân luôn cần cù chịu khó, lao động sản xuất, không để đất trống đồi hoang, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu, phát huy hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo.

Nhiều chính sách hỗ trợ

Ông Lù Văn Quý - Chủ tịch UBND xã cho biết: Chiềng Ân có 7 bản, cư dân chủ yếu là đồng bào dân tộc La Ha, dân tộc Mông; đời sống của người dân chủ yếu phụ thuộc vào làm nương rẫy, việc áp dụng khoa học vào sản xuất gặp nhiều khó khăn.

Người dân Chiềng Ân đang dần thay đổi cách nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế gia đình, từ chăn thả gia súc sang nuôi nhốt chuồng.
Người dân Chiềng Ân đang dần thay đổi cách nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế gia đình, từ chăn thả gia súc sang nuôi nhốt chuồng.

Sau nhiều năm canh tác, đất bị xói mòn, rửa trôi, bạc màu, khiến năng suất, chất lượng cây trồng thấp, ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập của người dân.

“Xác định xóa đói, giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, những năm qua, cấp ủy chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể xã luôn tìm hướng thoát nghèo cho bà con. Xã đã thành lập Ban xóa đói, giảm nghèo, phân công từng thành viên trong Ban thường xuyên xuống cơ sở bám sát địa bàn, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con, tuyên truyền vận động bà con thay đổi cách nghĩ, cách làm trong đời sống sinh hoạt và sản xuất” - ông Quý cho hay.

Đẩy mạnh sản xuất

Theo ông Quý, bài toán giảm nghèo khó nhất đối với bà con Chiềng Ân chính là nâng cao nhận thức. Phần lớn bà con dân tộc nơi này đều ít biết chữ, thói quen sống, sinh hoạt, sản xuất vẫn mang nặng tính truyền thống, nhiều phong tục lạc hậu còn chưa được loại bỏ. Để từng bước nâng cao đời sống người dân, cùng với việc triển khai các chương trình, dự án giảm nghèo thì cán bộ xã còn đến từng nhà vận động bà con thay đổi cách làm mới trong sản xuất theo kiểu “cầm tay chỉ việc”.

Việc hướng dẫn bà con chuyển đổi cây trồng năng suất thấp sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, bền vững được quan tâm, như: Chuyển trồng ngô, lúa nương sang trồng cây sơn tra, thảo quả, sa nhân… Đây là những loại cây trồng mới rất hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở vùng cao Chiềng Ân, tuy mới triển khai trồng được vài năm nhưng cây phát triển rất tốt, những diện tích cho thu hoạch hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn.

Hiện, bà con trong xã đang tập trung chăm sóc trên 176ha lúa, 144ha lúa ngô, 87ha sơn tra, 20ha thảo quả, trên 3ha sa nhân… Bên cạnh đó, xã quan tâm hướng dẫn người dân sử dụng các loại phân bón và phòng, chống sâu bệnh hại cho cây trồng.

Về chăn nuôi, xã vận động nhân dân chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp sang chăn nuôi hàng hóa, đặc biệt là vận động bà con chuyển từ chăn thả gia súc sang nuôi nhốt chuồng. Hướng dẫn người dân cách phòng dịch bệnh, trồng cỏ làm thức ăn cho đàn vật nuôi, bởi vậy số đàn vật nuôi ngày càng tăng lên. Theo thống kê, hiện nay, đàn trâu của xã đạt trên 458 con, bò 545 con, dê 647 con, lợn 1.660 con và trên 2.700 con gia cầm các loại. Ngành chăn nuôi đang phát triển trở thành hướng đi mới trong phát triển kinh tế hộ gia đình, cải thiện thu nhập cho bà con.

Dẫu còn nhiều khó khăn nhưng với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền và sự đồng lòng của người dân, tin rằng, nỗ lực giảm nghèo ở xã Chiềng Ân sẽ đem lại hiệu quả cao hơn, cuộc sống của nhân dân sẽ ngày càng được cải thiện.