“Chính sách chống Trung Quốc của Trump chắc chắn sẽ thất bại”

15/08/2020 09:24 GMT+7
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) mới đây vừa trích dẫn bài phân tích của Chen Zhao, nhà đồng sáng lập đồng thời là chiến lược gia chính tại Alpine Macro cho rằng: “Chính sách chống Trung Quốc của Trump chắc chắn sẽ thất bại”.
“Chính sách chống Trung Quốc của Trump chắc chắn sẽ thất bại” - Ảnh 1.

Trong bài phân tích này, ông Chen Zhao cho rằng chính sách chống Trung Quốc của chính quyền Trump đã đạt đến một tầm cao mới khi chĩa mũi nhọn vào hàng loạt đại công ty công nghệ Trung Quốc. "Ông Trump không chỉ cố gắng làm tê liệt Huawei, mà còn nỗ lực gây áp lực cho TikTok, WeChat, và có thể là nhiều ứng dụng công nghệ Trung Quốc tiếp theo".

“Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tuyên bố Bắc Kinh là lực cản của thế giới tự do, đồng thời kêu gọi các đồng minh Mỹ chung tay kiềm chế các tham vọng về quyền bá chủ của Trung Quốc. Dù có thừa nhận hay không, rõ ràng chính quyền Trump đã phát động một cuộc chiến tranh lạnh chống lại Trung Quốc” - ông Chen Zhao cáo buộc.

Vị chiến lược gia tại Alpine Macro chỉ ra rằng chính sách với Trung Quốc của Trump đã chứng kiến những bước ngoặt ngoạn mục. Hồi tháng 1/2020, thời điểm quan hệ Mỹ - Trung dịu đi với thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, Trump đã ngợi ca tình cảm với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Nhưng chỉ 2 tháng sau, vào tháng 3/2020, khi đại dịch Covid-19 bắt đầu lây lan tại Mỹ, Trump lập tức khơi mào cuộc chiến ngôn luận với những từ ngữ gay gắt nhằm vào chính quyền ông Tập Cận Bình, gọi virus SARS-CoV-2 là “virus Trung Quốc”. “Toan tính chính trị phía sau sự thay đổi ngoạn mục này đã rõ: việc hạ bệ và chỉ trích Trung Quốc có thể giúp Trump ghi điểm trước thời điểm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra” - ông Chen Zhao cho hay. 

Ông Chen chỉ ra Mỹ thường so sánh Trung Quốc với Liên Xô, nhưng tình huống thực tế có sự khác biệt hoàn toàn. “Trong 4 thập kỷ qua, nền kinh tế Trung Quốc đã phát triển mạnh mẽ đầy sôi động, với khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực chính của tăng trưởng kinh tế và tạo thêm việc làm. Mức sống của người Trung Quốc đang được cải thiện với tốc độ chưa từng có, GDP bình quân đầu người tăng từ 200 USD năm 1980 lên 10.000 USD vào thời điểm hiện tại… Phần lớn người Trung Quốc hiện nay thực sự hạnh phúc. Tất cả những điều này chỉ ra rằng Trung Quốc đang có hoàn cảnh kinh tế và chính trị hoàn toàn khác so với thời Liên Xô. Và rằng Mỹ khó có thể đè bẹp nền kinh tế Trung Quốc với cùng một chiến thuật, chiến lược như thời Chiến tranh lạnh cũ”.

Lý giải cho nhận định “chính sách chống Trung Quốc của Trump chắc chắn sẽ thất bại”, vị chuyên gia lập luận rằng các hành động cứng rắn của chính quyền Trump không chỉ thúc đẩy làn sóng phẫn nộ chống lại Mỹ ở Trung Quốc, mà còn khiến người dân Trung Quốc xích lại gần hơn với chính phủ Bắc Kinh.

Thêm vào đó, theo ông Chen Zhao, cuộc chiến thương mại mà Trump gây ra nhằm chống lại Trung Quốc có thể dễ dàng phản tác dụng, bởi “nền kinh tế Trung Quốc giờ đây đã đủ lớn để chịu đựng được những lệnh trừng phạt từ Mỹ”. 

“Xét về quy mô thị trường Trung Quốc, doanh số bán lẻ tại Trung Quốc đã vượt Mỹ kể từ năm 2015 và Trung Quốc gần như là thị trường tiêu thụ lớn nhất với các mặt hàng tiêu dùng khác nhau từ ô tô, TV, smartphone cho đến hàng hóa xa xỉ. Đó là chưa kể đến việc Trung Quốc hiện là nước nhập khẩu lớn nhất nhiều mặt hàng công - nông nghiệp các loại”. Do đó, rất khó để các doanh nghiệp nước ngoài, bao gồm doanh nghiệp Mỹ từ bỏ thị trường rộng lớn màu mỡ này.

Bên cạnh đó, với nhiều công ty Mỹ, việc tiến vào thị trường Trung Quốc là chìa khóa quan trọng để gia tăng doanh thu và lợi nhuận. Do đó, một cuộc chiến tranh kinh tế với Trung Quốc sẽ làm tổn hại nặng nề lợi ích kinh doanh của các doanh nghiệp hai bên. Một minh chứng tiêu biểu được ông Chen Zhao chỉ ra, là việc nhà sản xuất chip lớn nhất nước Mỹ Qualcomm đang vận động chính quyền Trump dỡ bỏ các hạn chế thương mại với đại gia công nghệ Trung Quốc Huawei do quan ngại sẽ để mất 8 tỷ USD doanh thu từ các đơn đặt hàng Huawei vào tay các đối thủ nước ngoài khác. 

“Trong tương lai, chính quyền Trump sẽ phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ cộng đồng doanh nghiệp Mỹ (về chính sách chống Trung Quốc), đơn giản vì chính sách của Trump sẽ mang đến tổn hại lớn cho lợi ích doanh nghiệp Mỹ trong dài hạn”.

Nguyên nhân cuối cùng mà ông Chen Zhao chỉ ra là các chính sách đối phó của Trump với Bắc Kinh đang làm cho nền kinh tế Trung Quốc mở cửa hơn, trong khi chính phủ Mỹ lại “nhân danh an ninh quốc gia để tự “đóng cửa” mình bằng cách dựng lên những hàng rào thuế quan, ngăn chặn đầu tư nước ngoài”. Ông Chen Zhao chỉ trích chính sách bảo hộ của Trump có thể là “căn nguyên của sự suy thoái, lạc hậu”. “Trên thực tế, các chính sách bảo hộ của ông Trump đã không tạo ra bất kỳ sự hồi sinh nào cho ngành sản xuất của Mỹ. Tỷ trọng sản xuất đóng góp vào GDP quốc gia và công việc của ngành sản xuất trong tổng việc làm quốc gia đã giảm dưới thời Trump”. 

Vị chiến lược gia Trung Quốc cũng viện dẫn sự thất bại của chính quyền Trump trong cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 để nhấn mạnh một điều: “Chính sách chống Trung Quốc của Trump rồi cũng (thất bại) giống như các chiến lược trong vụ dịch Covid-19, bởi nguy cơ làm tổn hại lợi ích của Mỹ thay vì bảo vệ, duy trì lợi ích đó”.


Thùy Dung
Cùng chuyên mục