Chương trình cảnh quan bền vững giảm chi phí, tăng thu nhập cho nông dân

23/06/2021 14:35 GMT+7
UBND tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp với Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững (IDH) thực hiện Chương trình cảnh quan bền vững (ISLA). Bước đầu, chương trình đã mang lại nhiều thay đổi tích cực cho nông dân. Đến năm 2025, chương trình sẽ được mở rộng hướng đến mục tiêu xây dựng Vùng nguyên liệu bền vững quy mô lớn trên diện tích 90.000ha của tỉnh.

Giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập

Năm 2019, huyện Krông Năng đã phối hợp IDH khởi động tiến trình thí điểm để trở thành Vùng nguyên liệu quy mô lớn được xác nhận (VSA) trên diện tích 5.200ha ở 3 xã, gồm Ea Tân, Ea Toh, và Đlie Ya.

Chương trình cảnh quan bền vững giảm chi phí, tăng thu nhập cho nông dân - Ảnh 1.

Chương trình cảnh quan bền vững giúp nông dân tăng thu nhập, giảm chi phí, phục hồi môi trường. Ảnh: Duy Hậu.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Đắk Lắk, sau hai năm triển khai thực hiện (2019-2020), tiến trình thí điểm xây dựng VSA đã tạo ra được những tác động rất cụ thể trong sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường, đời sống của người nông dân ở địa phương. Ở góc độ sản xuất và bảo vệ môi trường, thí điểm đã góp phần giảm 14% lượng phân bón hóa học được sử dụng và giảm 17% lượng nước tưới trong sản xuất cà phê.

Việc áp dụng các biện pháp thực hành canh tác bền vững đã góp phần làm giảm 11% chi phí sản xuất và 10% lượng CO2 được phát thải ra môi trường. Thu nhập của người nông dân trong vùng thí điểm tăng thêm 30% thông qua trồng xen và đa dạng hóa cây trồng. 100% lượng cà phê được sản xuất trong vùng thí điểm được thu mua với mức giá cao hơn giá thị trường.

Chương trình cảnh quan bền vững giảm chi phí, tăng thu nhập cho nông dân - Ảnh 2.

Hồ sinh thái tại xã Ea Tân, huyện Krông Năng, Đắk Lắk được IDH đầu tư xây dựng. Ảnh: Duy Hậu.

Ông Đoàn Văn Thống, Phó giám đốc, kiêm phó chủ tịch hội đồng quản trị HTX Ea Tân, huyện Krông Năng, cho biết, khi tham gia vào mô hình thí điểm, người dân được tham gia các lớp tập huấn về sản xuất cảnh quan. Từ đó đã giảm được chi phí đầu vào (bón phân cân đối, giảm nước tưới, và thuốc BVTV), chất lượng sản phẩm cà phê được cải thiện rõ nét. Những hộ trong hợp tác xã đã áp dụng và tuân thủ quy trình chăm sóc thu hái cà phê theo hướng dẫn của chương trình đã bán được giá cộng cao hơn giá thị trường từ 8 - 10 ngàn đồng/1kg cà phê nhân.

"Mô hình tạo nên vùng tiểu khí hậu mát mẻ với tỷ lệ cây che bóng, cây chắn gió cao trong vùng, tạo nên vùng cảnh quan xanh trong khu vực. Ngoài ra khi tham gia chương trình giúp người dân thay đổi nhận thức trong việc sản xuất bền vững, giảm bón phân hóa học, g thuốc BVTV, tăng cường bón phân hữu cơ. Từ đó giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập, và nguồn thu tư cây trồng xen là rất đáng kể"- ông Thống cho biết.

Chương trình cảnh quan bền vững giảm chi phí, tăng thu nhập cho nông dân - Ảnh 3.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Việt Nam, ông Ivo Sieber (thứ 2 từ trái sang) thăm vùng cà phê thí điểm theo chương trình cảnh quan bền vững vào tháng 12/2020. Ảnh: Duy Hậu.

Ông Phạm Văn Tương, Phó chủ tịch UBND xã Ea Tân, huyện Krông Năng, cho biết địa phương có hơn 50ha cà phê tái canh theo mô hình của chương trình cảnh quan bền vững (ISLA). Sau hơn 2 năm, chương trình đã hỗ trợ địa phương triển khai 3,1km đường cây xanh, trồng hoa 2 bên đường, tạo thảm thực vật và thu gom rác. Chương trình cũng hỗ trợ người dân trong việc cải tạo ao hồ nhỏ, xây dựng hồ cộng đồng, từ đó giúp người nông dân có ý thức hơn trong việc giữ gìn, bảo tồn tài nguyên nước, tưới nước tiết kiệm.

Sản xuất bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm

Tiến sĩ Phạm Công Trí- Cố vấn kỹ thuật cấp cao của Tổ chức IDH, cho biết, Chương trình cảnh quan bền vững là sản xuất thuận tự nhiên làm giảm các yếu tố đầu vào, tiết kiệm nhân công, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và hóa chất trong nông nghiệp một cách minh bạch, an toàn và có trách nhiệm. Mô hình đem lại sự bền vững cho nông dân, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Chương trình cảnh quan bền vững giảm chi phí, tăng thu nhập cho nông dân - Ảnh 4.

Cà phê đặc sản được sản xuất tại vùng nguyên liệu có xác nhận ở xã Ea Tân, huyện Krông Năng, Đắk Lắk. Ảnh: Duy Hậu.

Theo tiến sĩ Trí, tổ chức IDH đã hỗ trợ các đối tác (người dân) các can thiệp cảnh quan bền vững. Theo đó các giải pháp được triển khai trên thực địa qua các mô hình tái canh cải tiến, phục trang vườn cây…Người nông dân được hướng dẫn những kỹ thuật canh tác mới, dựa vào thảm phủ, thúc đẩy sự cộng sinh giữa các yếu tố cây trồng. Từ đó, giúp cây cà phê, cây trồng xen phát triển tốt.

"Tổ chức IDH không chỉ đầu tư cho các nông hộ bằng kinh phí, mà chuyển giao cho người dân các biện pháp kỹ thuật tốt, các kỹ sư giỏi,… người nông dân tự nguyện chia sẻ và hợp tác. Từ đó, người nông dân có thể thành công hơn trong trồng trọt"- tiến sĩ Trí nói.

Cũng theo tiến sĩ Trí, trong vùng cảnh quan cà phê bền vững có các điểm nhấn là thúc đẩy cây cà phê cùng với cây trồng xen và các thành tố khác tạo ra hệ canh tác nông nghiệp mang đặc tính của rừng (hệ sinh thái rừng). Từ đó, giảm chi phí đầu vào, tăng thu nhập. Chương trình hướng đến mô hình sản xuất thuận tự nhiên mà tổ chức IDH và các đối tác đang thúc đẩy.

Tiến sĩ Trí cho biết, Tây Nguyên được biết đến như một trong những vùng nguyên liệu hàng đầu trên thế giới cho các mặt hàng cây công nghiệp dài ngày như cà phê, tiêu, điều, cao su, ca cao.... Tăng trưởng nóng đã dẫn tới những thách thức liên quan tới chất lượng và giá xuất khẩu ảnh hưởng tới tính bền vững của sự tăng trưởng và phát triển.

Trong khi đó, thị trường các mặt hàng nông nghiệp đã và đang chứng kiến những biến chuyển mạnh mẽ bắt nguồn từ các cam kết như tới năm 2025 thì 100% sản phẩm cà phê và hồ tiêu thu mua được sản xuất có trách nhiệm của các nhà mua lớn như Nestle, JDE, Tchibo, McCormick. Hiện tại tỷ lệ này chỉ đạt khoảng 20%. Để đạt được mục tiêu này, các yêu cầu kiểm tra, giám sát đối với cà phê và hồ tiêu xuất khẩu ngày càng được thắt chặt.

Chương trình (ISLA) được thực hiện từ năm 2018 đến nay ở các huyện sản xuất cà phê, hồ tiêu, và cây ăn trái trọng điểm ở các huyện Krông Năng (Đắk Lắk), Di Linh và Lạc Dương (tỉnh Lâm Đồng).

Chương trình cảnh quan bền vững kỳ vọng sẽ được nhân rộng ra cả vùng Tây Nguyên, hướng tới áp dụng trên diện tích khoảng 357.000ha vào năm 2025. Không chỉ hỗ trợ các mặt hàng cà phê, hồ tiêu và các cây công nghiệp dài ngày, chương trình cũng sẽ đóng vai trò chiến lược mang lại những kết quả lâu dài và bền vững trong quản lý tài nguyên, đảm bảo các mục tiêu an sinh xã hội.

Đã đến lúc, sản xuất nông nghiệp không chỉ hướng đến sử dụng tiết kiệm nước, phù hợp với nhu cầu của từng loại cây mà phải nghĩ đến việc bảo vệ và tái tạo nguồn nước thông qua các cách thức canh tác mà ở đó có sự cân bằng tự nhiên của các yếu tố sản xuất. Một trong những phương pháp mà IDH hướng đến là sản xuất thuận tự nhiên, xây dựng hệ sinh thái rừng trên vườn trồng. Vườn cà phê được kiến tạo đa tầng, từ cao đến thấp được bố trí một cách phù hợp, bảo đảm được sự cân bằng trong hệ sinh thái và bảo tồn được nguồn nước trong đất- Tiến sĩ Phạm Công Trí- Cố vấn kỹ thuật cấp cao của Tổ chức IDH.

Duy Hậu
Cùng chuyên mục