Chuyển động Nhà nông 24/6: Giá tiêu xuất khẩu tăng gần 50% trong nửa đầu năm 2022

THDV Thứ sáu, ngày 24/06/2022 14:00 PM (GMT+7)
Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam đạt 99,54 nghìn tấn, trị giá 460 triệu USD, giảm 18% về lượng, nhưng tăng 21,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Đây là một trong những thông tin sẽ có trong Chuyển động Nhà nông ngày hôm nay.
Bình luận 0

Chuyển động Nhà nông 24/6

Chuyển động Nhà nông 24/6

Giá tiêu xuất khẩu tăng gần 50% trong nửa đầu năm 2022

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong tháng 5/2022 đạt 22 nghìn tấn, trị giá 98,4 triệu USD, giảm 11,3% về lượng và giảm 14% về trị giá so với tháng 4/2022. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam đạt 99,54 nghìn tấn, trị giá 460 triệu USD, giảm 18% về lượng, nhưng tăng 21,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt mức 4.627 USD/tấn, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2021. Thời điểm hiện tại giá hạt tiêu của Việt Nam phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc khi mà các nhà nhập khẩu châu Âu và Mỹ đã ký hợp đồng đến cuối năm nay.  Doanh nghiệp đã dự trữ đủ lượng hàng để sản xuất và xuất khẩu nên lực mua chậm và yếu hơn so với diễn biến của thị trường. Thị phần tiêu Việt Nam tại Trung Quốc đứng thứ hai sau thị trường Indonesia với 29%. 

Hàng tồn kho tôm tại Mỹ ở mức cao, áp lực đè lên giá đang đến gần

Theo trang Undercurrent News, trong vài tháng qua, lượng hàng tôm khổng lồ từ các nước như Indonesia, Ấn Độ và Ecuador liên tục đổ về thị trường Mỹ, dẫn đến tồn kho hiện ở mức cao. Điều này có làm giảm nhu cầu mua của các công ty nhập khẩu.  Mặc dù đơn đặt hàng giảm nhưng đơn giá tôm nhập khẩu của Mỹ trong tháng 4 trung bình quanh mức 9,75 USD/kg, tăng 2,4% so với tháng 3. Giá tôm nhập khẩu vào Mỹ duy trì đà tăng trong suốt 1 năm qua đã đẩy kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này trong tháng 4 tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường Mỹ đang đối mặt với rủi ro dư cung tôm trong vài tháng tới. Nhiều nhà nhập khẩu có đủ nguồn hàng cung cấp đến tháng 8. Một số chuyên gia cho rằng, phải đến quý III năm nay nhu cầu nhập hàng mới bắt đầu trở lại nhằm phục vụ cho dịp Lễ Tạ ơn

Vì sao thủ phủ khoai lang ở Vĩnh Long thu hẹp diện tích trồng?

Huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long là vùng chuyên canh khoai lang lớn nhất miền Tây với tổng diện tích khoảng 13.000 ha, tổng sản lượng khoảng 300.000 tấn/năm. 80% tập trung gieo trồng khoai lang tím Nhật để xuất khẩu, 20% là giống khoai lang đỏ, khoai sữa để phục vụ nhu cầu trong nước. Vào vụ, mỗi ngày có 100 - 200 tấn khoai được thương lái thu mua để xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, người dân huyện Bình Tân, nơi thủ phủ khoai lang đã thu hẹp diện tích khoai, thay vào đó là các loại cây trồng khác. Từ năm 2017 đến 2019, giá khoai giảm nhưng vẫn ở mức chấp nhận được là 480.000 - 510.000 đồng/tạ 60kg. Thế nhưng bắt đầu vụ mùa 2020 đến nay, khoai liên tiếp sụt giá từ 240.000 đồng/tạ, rồi 90.000/tạ và đỉnh điểm năm 2021 là 50.00/tạ, rất nhiều hộ trồng khoai đã chuyển hướng sang trồng các loại cây khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Một trong những yếu tố khách quan hiện nay khiến giá khoai lao dốc thời gian dài là vướng phải chính sách kiểm soát dịch bệnh của quốc gia tiêu thụ, điền hình là Trung Quốc. Hiện địa phương đang khuyến khích bà con giảm diện tích trồng khoai, đồng thời cơ cấu 2 vụ khoai 1 vụ lúa, nếu không trồng lúa thì trồng khoai, chờ khi được giá sẽ tiếp tục sản xuất trở lại.

EU hy vọng sớm nối lại xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua đường Biển Đen

Các nước phương Tây tăng cường áp lực trừng phạt đối với Nga sau khi Moskva phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi tháng 2. Các biện pháp trừng phạt chủ yếu ảnh hưởng đến lĩnh vực ngân hàng và sản phẩm công nghệ cao. Đồng thời, do chuỗi cung ứng bị gián đoạn, châu Âu và Mỹ phải đối mặt với tình trạng giá ngũ cốc tăng mạnh. Quan chức EU nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt của liên minh không bao giờ nhằm vào hoạt động xuất khẩu nông sản và phân bón của Nga, do đó, mọi giao dịch thanh toán liên quan đều được đảm bảo an toàn và không bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt này. Theo người phát ngôn Chương trình Lương thực Thế giới của LHQ (WFP) Thomson Peary, tình hình ở Ukraine có thể dẫn đến nạn đói toàn cầu. Ông Peary cho biết Ukraine và Nga chiếm 30% lượng lúa mì xuất khẩu trên thế giới, 20% lượng ngô xuất khẩu và 76% nguồn cung hạt hướng dương, vì vậy, mọi sự gián đoạn trong sản xuất hoặc nguồn cung đều có nguy cơ dẫn đến tình trạng giá cả lương thực tăng vọt./.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem