dd/mm/yyyy

Chuyện ông trồng bắp “vô địch” ở Xuân Lộc

Trên mảnh đất cằn khô của huyện Xuân Lộc (Đồng Nai), những người nông dân đã nỗ lực tìm tòi ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất. Trong đó, không thể không nhắc tới ông Lý Phát Sinh, người được mệnh danh ông “vô địch” trồng bắp.

Tỉ phú bắp Lý Phát Sinh - người trồng bắp vô địch ở Xuân Lộc. Ảnh IT

Dù suốt ngày bám ruộng nương, nhưng trong nhà người nông dân này lại treo đầy bằng khen, thư khen, kỷ niệm chương… của Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Đồng Nai, Hiệp hội trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam. Ông Sinh nói: “Đó toàn là bằng khen do tôi trồng bắp giỏi”.

“Hiện tại, năng suất trồng bắp của tôi đạt 13 tấn bắp khô/ha, tương đương 17 tấn tươi. Gia đình tôi trồng 7ha đất bắp với năng suất 13 tấn/ha thì một năm thu hoạch được 80 tấn, với giá 5.000 đồng/kg, khoảng 400 triệu/năm cộng với 2 vụ lúa, thu nhập cũng tiền tỉ/năm”.
Ông Lý Phát Sinh

Ông Lý Phát Sinh - người dân tộc Hoa Nùng từ Quảng Ninh đến xã Lang Minh lập nghiệp gần 40 năm nay. Hiện ông là Chủ nhiệm HTX sản xuất thương mại dịch vụ Lang Minh. Nhớ lại cái thuở ban đầu thiếu thốn trăm bề, ông Sinh kể: “Khi chúng tôi về lập nghiệp thì xã Lang Minh đang là rừng tre và cây tạp, không có nhà cửa, chỉ có các ụ mối cao quá đầu người. Sau đó, chúng tôi dùng sức người khai hoang, lập ấp để ở và sinh sống đến nay”.

Theo lời ông Sinh kể, khoảng năm 1980, Nhà nước bắt đầu cho làm thủy lợi dẫn nước vào, đồng thời làm một con đường đất và dân cư bắt đầu tập trung về đây. Cuộc sống khi đó chỉ trông chờ vào 3 vụ lúa – là thứ cây duy nhất nuôi sống người dân. Đến năm 1993, việc làm lúa 3 vụ cũng trở nên khó khăn do thiếu nước tưới tiêu, lúa chết khô trên đồng, bà con chuyển vụ Đông xuân qua trồng bắp để hy vọng đổi vận, nhưng thất bại. Việc làm lúa lại tiếp diễn trong cảnh lay lắt.

Năm 2000, từ chỉ đạo quyết liệt của huyện nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển vụ Đông xuân làm bắp. “Tôi nghĩ nếu không chuyển đổi thì mãi cứ nghèo nên đi tiên phong làm liều một phen, ai ngờ lại thành công lớn, cây bắp cho năng suất cao. Từ đó, gần 400 hộ dân trong ấp cũng theo tôi chuyển sang trồng một vụ bắp 2 vụ lúa”, ông Sinh nói.

“Từ chuyển đổi sang cây bắp thành công nên ai cũng phấn khởi. Trước đây làm lúa cứ làm được 2 sào thì 1 sào lúa phải đem đi trả nợ, bây giờ đời sống người dân trở nên khấm khá hơn rất nhiều, xây được nhà mới, mua xe mới, bộ mặt xã Lang Minh thay đổi giàu lên nhờ cây bắp”, ông Sinh phấn khởi cho biết thêm.

Cây bắp mở hướng làm giàu cho rất nhiều nông dân ở huyện Xuân Lộc. Ảnh: IT

Ông Sinh chia sẻ bí quyết làm giàu từ cây bắp: “Đối với bắp giống từ khi gieo đến ngày thu hoạch chỉ từ 95-100 ngày, nhưng chúng tôi kéo dài đến 120 ngày mới thu hoạch. Bắp giống bón đồng 4 - 45 ngày, nhưng đến ngày thứ 60 chúng tôi vẫn bón đồng phủ phân, kéo dài thời gian sinh trưởng của bắp, tăng năng suất”.

Từ điển hình xã Lang Minh với cây bắp lai, mô hình “2 bắp và 1 lúa” đã lan tới khắp các xã có điều kiện về nước tưới trong huyện, đem lại hiệu quả kinh tế và lợi nhuận cho người dân.

Ông Lê Quốc Việt – Chủ tịch Hội nông dân huyện Xuân Lộc cho biết: Là một trong những huyện đi đầu, Xuân Lộc có nhiều điển hình, trong đó có những hộ nông dân sản xuất giỏi đã được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; có những hộ từ nghèo khó vươn lên thành hộ sản xuất giỏi. Ngoài việc đóng góp cơ sở hạ tầng ở nông thôn, họ còn chủ động sản xuất, giải quyết lao động ở địa phương và nâng cao thu nhập …

Bình Nguyên