Cuộc chiến giá ngành khách sạn Thái Lan thời Covid-19

28/06/2020 08:43 GMT+7
Các khách sạn Thái Lan khởi động nhiều chiến dịch và chương trình khuyến mãi với mức giá thấp nhất có thể nhằm thu hút du khách nội địa.

Các khách sạn Thái Lan đã trở lại hoạt động sau khi chính phủ nước này dần gỡ bỏ lệnh giãn cách áp dụng trước đó để đối phó Covid-19. Dù vậy, các chuyến bay quốc tế vẫn chưa được mở lại, khiến ngành du lịch không thể tìm kiếm lợi nhuận từ nguồn khách nước ngoài, đồng nghĩa với việc khách  nội địa trở thành nguồn thu duy nhất.

Các khách sạn tại Thái Lan đang làm hết sức có thể để thu hút khách nội địa bằng các gói giảm giá chưa từng có. Một cuộc chiến giá phần nào sẽ trì hoãn việc các khách sạn Thái rơi vào đường cùng.

Ngày 16/6, nội các Thái Lan phê duyệt gói hỗ trợ 22,4 tỷ baht (720 triệu USD) để giúp thúc đẩy ngành du lịch, ước tính đóng góp khoảng 20% GDP của quốc gia Đông Nam Á này. Gói hỗ trợ bao gồm cả trợ cấp cho chi phí đi lại.

Điều này khuyến khích các khách sạn Thái Lan khởi động nhiều chiến dịch và chương trình khuyến mãi với mức giá thấp nhất có thể. Tất cả nhằm mục đích phục hồi phục phần nào doanh thu đã mất do 2 tháng đóng cửa vì đại dịch Covid-19. Tính đến nay, Thái Lan có gần 60 trường hợp tử vong vì virus corona.

Cuộc chiến giá ngành khách sạn Thái Lan thời Covid-19 - Ảnh 1.

Khách du lịch thư giãn tại bể bơi một khách sạn trung tâm Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Reuters.

Centara Hotels & Resorts, khách sạn của Tập đoàn Central Group, giảm trung bình 50% giá phòng.

Một khách sạn trên hòn đảo phía nam Samui cắt giảm 2/3 giá phòng, từ 5.000 baht mỗi đêm trước đại dịch xuống còn 1.360 baht (44 USD). Khách hàng thậm chí có thể nhận được mức giá 960 baht mỗi đêm, kèm một bữa ăn miễn phí, nếu có thẻ thành viên và ở lại nhiều hơn 4 đêm. Công ty cho biết đây là mức giá thấp nhất mà họ từng cung cấp.

Theo giới chuyên gia, với mức độ cạnh tranh như trên, doanh thu dự kiến của mỗi phòng sẽ giảm 65% trong năm nay. Nhiều khách sạn đã phá sản do sự trượt giá mạnh.

Chưa có bất kỳ dữ liệu chính thức nào về số lượng khách sạn phá sản nhưng theo ông Supawan Tanomkiatipume, Chủ tịch Hiệp hội khách sạn Thái Lan, có hơn 80 khách sạn tại các thành phố nổi tiếng du lịch đã được đem ra chào bán, hầu hết trong số đó là các cơ sở 1 hoặc 2 sao.

Cao cấp hơn, Dusit International, một chuỗi khách sạn địa phương, cũng giảm một nửa giá xuống còn 2.888 baht mỗi đêm, từ mức bình thường 5.000 đến 7.000 baht.

Ngoài việc giảm giá, Dusit International khởi động một dự án từ thiện nhằm thu hút khách du lịch Thái Lan. Với mỗi khách hàng, công ty sẽ quyên góp 500 baht tiền hoàn lại vào Hội Chữ thập đỏ Thái Lan và Elephant Alliance Association, một tổ chức nâng cao chất lượng sống và phúc lợi động vật.

“Chúng tôi tận dụng nguồn lực của mình để cống hiến lại cho cộng đồng”, Suphajee Suthumpun, CEO của Dusit International, cho biết.

Cuộc chiến giá ngành khách sạn Thái Lan thời Covid-19 - Ảnh 2.

Bãi biển vắng người cạnh một khu nghỉ mát tại Pattaya. Thái Lan. Ảnh: Reuters.

Ngành du lịch Thái lan phụ thuộc nhiều vào khách du lịch nước ngoài. Theo Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan, vào năm 2019, 39 triệu khách du lịch nước ngoài đã chi tiêu 1.900 nghìn tỷ baht (61,4 tỷ USD) cho Thái Lan. Trong khi đó, số liệu cho thấy khách du lịch nội địa đóng góp 1.100 tỷ baht.

Sự phụ thuộc vào khách nước ngoài đã trở thành điểm yếu của ngành du lịch Thái Lan sau đại dịch. Trung tâm Dữ liệu Kinh tế SCB cho biết giá phòng trung bình giảm có thể buộc các khách sạn tìm kiếm những giải pháp nâng doanh thu khác để bù đắp thiếu hụt doanh số.

Asia Hotel Bangkok là một trong những ví dụ điển hình. Khách sạn này hiện cung cấp dịch vụ giao đồ ăn khách sạn để kiếm thêm lợi nhuận, bù vào khoảng trống mà việc cắt giảm 80% giá phòng để lại. Crowne Plaza Bangkok Lumpini Park cũng cung cấp dịch vụ giao đồ ăn. Take Takeuchi, quản lý nhà hàng Nhật trong khách sạn cho biết tình hình không tốt như ngày thường nhưng có thể giúp họ kiếm thêm để bù vào những khoản lỗ.

Một trong những ngoại lệ hiếm hoi không tham gia cạnh tranh về giá mà tập trung vào khách hàng cao cấp là khách sạn Minor International.

“Chúng tôi không thấy bất kỳ lợi ích nào từ việc tham gia vào cuộc chiến giá. Ngược lại, chúng tôi nỗ lực cung cấp những dịch vụ tốt nhất với tiêu chuẩn cao hơn để hấp dẫn khách du lịch cao cấp vì chúng tôi dự đoán tình hình sẽ tốt hơn trong nửa cuối năm nay”, Chaiyapat Paitoon, giám đốc chiến lược của khách sạn, cho biết.

Minor International cung cấp dịch vụ vệ sinh cao cấp theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sẽ không có tiếp xúc trực tiếp trong tất cả dịch vụ nhận và trả phòng. Mọi công việc giấy tờ của quá trình trên sẽ được hoàn thành qua ứng dụng và kênh trực tuyến.

Hơn nữa, khách sạn cũng đảm bảo tất cả tay nắm cửa và các vật dụng tiếp xúc thường xuyên được che phủ bởi màng bọc kháng khuẩn.

“Chúng tôi đảm bảo rằng chúng tôi là khách sạn đầu tiên tại Thái Lan có tiêu chuẩn vệ sinh WHO và điều này sẽ giúp chúng tôi có được lòng tin từ khách du lịch cao cấp”, Chaiyapat nói.

Mặc cho những nỗ lực ứng phó đại dịch, các nhà phân tích cho rằng mức nhu cầu thấp tiếp tục là yếu tố tiêu cực lớn nhất đè nặng lên ngành du lịch Thái Lan. Trung tâm Nghiên cứu K dự báo chi tiêu du lịch nội địa Thái Lan sẽ giảm 50% xuống còn 485 tỷ baht do lực cầu suy yếu.

Một yếu tố khác là các biện pháp giãn cách xã hội mà chính phủ Thái Lan đề ra để kiểm soát đại dịch tự động giới hạn lượng khách của mỗi khách sạn. Với những hạn chế trên, hệ thống khách sạn sẽ không thể hồi phục ngay lập tức bởi chi phí vận hành sẽ tăng lên nhằm đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh nghiêm ngặt hơn.

“Khoảng 60 đến 70% khách sạn tại Thái Lan đã sẵn sàng trở lại hoạt động”, ông Supawan của Hiệp hội Khách sạn Thái Lan cho biết. “Tuy nhiên, số còn lại, 30 đến 40% sẽ cần nhiều thời gian hơn để điều chỉnh hoạt động kinh doanh và quay trở lại thị trường khi nhận thấy mức nhu cầu gia tăng nhất định vào cuối năm nay”.

Hoàng Hà/NDH
Cùng chuyên mục