Đan Mạch tạm ngừng tiêm vắc xin AstraZeneca để điều tra tác dụng phụ

12/03/2021 00:17 GMT+7
Đan Mạch hôm 11/3 tuyên bố sẽ tạm ngừng tiêm vắc xin Covid-19 của AstraZeneca sau khi xuất hiện báo cáo về các trường hợp đông máu nghiêm trọng ở những người đã được tiêm dòng vắc xin này.

Cụ thể, cơ quan Y tế Đan Mạch tuyên bố sẽ tạm ngừng sử dụng vắc xin Covid-19 của AstraZeneca trong chương trình tiêm chủng quốc gia sau khi có báo cáo về các trường hợp đông máu nghiêm trọng ở những người đã được tiêm dòng vắc xin do AstraZeneca phối hợp cùng Đại học Oxford nghiên cứu và phát triển.

“Hiện chưa thể kết luận liệu có mối liên hệ nào giữa việc tiêm vắc xin và hiện tượng đông máu ở người được tiêm vắc xin hay không” - cơ quan Y tế Đan Mạch cho hay. Được biết, cơ quan Dược phẩm châu Âu cũng đang mở một cuộc điều tra về dòng vắc xin này sau khi báo cáo cho biết đã có một bệnh nhân tử vong.

Đan Mạch tạm ngừng tiêm vắc xin AstraZeneca để điều tra tác dụng phụ - Ảnh 1.

Đan Mạch tạm ngừng tiêm vắc xin AstraZeneca để điều tra tác dụng phụ

Thông báo được Đan Mạch đưa ra sau khi Áo hồi đầu tuần này cũng tuyên bố tạm ngừng sử dụng vắc xin AstraZeneca. Các nhà chức trách Áo hiện cũng đang điều tra một trường hợp tử vong và một số hiện tượng phản ứng khác sau khi tiêm vắc xin.

Cổ phiếu của AstraZeneca niêm yết trên sàn London đã giảm 2,4% trong phiên giao dịch sáng 11/3. Phía Đại học Oxford hiện chưa đưa ra bình luận nào về vụ việc. Phát ngôn viên của AstraZeneca thì cho biết công ty đã nhận được thông báo của cơ quan Y tế Đan Mạch về cuộc điều tra tác dụng phụ của vắc xin.

“An toàn của bệnh nhân là ưu tiên hàng đầu đối với AstraZeneca. Các cơ quan quản lý có các tiêu chuẩn rõ ràng và nghiêm ngặt về hiệu quả cũng như độ an toàn để phê duyệt bất kỳ dòng vắc xin mới nào, và bao gồm cả vắc xin chủng ngừa Covid-19 của AstraZeneca” - công ty này cho biết trong một tuyên bố. Phía AstraZeneca cũng lần nữa khẳng định rằng tính an toàn của vắc xin đã được nghiên cứu trên diện rộng thông qua thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 và được xem xét, bình duyệt bởi các hội đồng nghiên cứu khác nhau để đi đến kết luận rằng loại vắc xin này đạt độ an toàn và hiệu quả cao.

Ông Søren Brostrøm, Giám đốc Hội đồng quốc gia Y tế Đan Mạch cho hay việc tạm dừng tiêm vắc xin AstraZeneca trong 14 ngày là một biện pháp phòng ngừa trong bối cảnh cuộc điều tra được khởi động. “Điều quan trọng chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là chúng tôi không chọn cách ngừng sử dụng vắc xin AstraZeneca, mà chúng tôi chỉ tạm dừng tiêm vắc xin. Có nhiều bằng chứng cho thấy dòng vắc xin này đảm bảo tính an toàn và hiệu quả. Nhưng cả tôi và Cơ quan Dược phẩm Đan Mạch cần phải phản ứng với các báo cáo về nguy cơ tác dụng phụ nghiêm trọng xảy ra ở Đan Mạch và các quốc gia châu Âu khác”.

Hồi tuần trước, Cơ quan y tế Áo EMA đã đình chỉ việc sử dụng lô ABV5300 vắc xin AstraZeneca sau khi một người được chẩn đoán mắc bệnh đa huyết khối (hình thành cục máu đông trong mạch máu) và tử vong 10 ngày sau khi tiêm vắc xin, còn một người khác phải nhập viện vì chứng thuyên tắc phổi cũng sau khi tiêm vắc xin.

Tuy nhiên, EMA nói thêm rằng “hiện tại không có đủ bằng chứng cho thấy việc tiêm chủng vắc xin AstraZeneca là nguyên nhân gây ra những tình trạng này. Những phản ứng nói trên không được liệt kê trong tác dụng phụ của dòng vắc xin AstraZeneca”.

Lô ABV5300 cùng loại đã được chuyển đến 17 quốc gia EU khác với tổng cộng khoảng 1 triệu liều vắc xin. “Một số nước EU sau đó cũng đã đình chỉ tiêm chủng lô vắc xin này như một biện pháp phòng ngừa, trong khi một cuộc điều tra toàn diện đang được diễn ra”, EMA cho biết.

Tính đến ngày 9/3, đã có “22 trường hợp huyết khối tắc mạch được ghi nhận trong số 3 triệu người được tiêm vắc xin COVID-19 AstraZeneca ở khu vực Châu Âu,” EMA cho biết.

Trước đó, EU đã phê duyệt sử dụng vắc xin Covid-19 của AstraZeneca sau khi các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối cho thấy dòng vắc xin này có hiệu quả trung bình 70% trong việc chống lại virus SARS-CoV-2. Vắc xin AstraZeneca đang được sử dụng rất nhiều trong các đợt triển khai tiêm chủng của Vương quốc Anh và Liên minh Châu Âu.


NTTD
Cùng chuyên mục