Đề xuất nhiều quy định mới về tiền lương đóng BHXH, thai sản

19/04/2021 14:31 GMT+7
Tại dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất sửa đổi nhiều nội dung về tiền lương đóng bảo hiểm, chế độ thai sản, hưu trí và các chế độ khác.

Dự kiến Luật sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa XV (tháng 10/2022) và trình Quốc hội thông qua vào Kỳ họp thứ ba của Quốc hội khóa XV (tháng 5/2023).

Đề xuất nhiều quy định mới về tiền lương đóng BHXH, thai sản - Ảnh 1.

Đề xuất nhiều quy định mới về tiền lương đóng BHXH, thai sản (Ảnh minh họa)

Trong đó, các nội dung chính sách, giải pháp thực hiện nêu tại dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng Luật này gồm:

Bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc như chủ hộ kinh doanh cá thể, người quản lý doanh nghiệp, điều hành hợp tác xã không hưởng lương… Đây là các đối tượng có điều kiện và khả năng tham gia.

Bổ sung quy định về việc tham gia BHXH bắt buộc với công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách ở xã đồng thời là người thực hiện hợp đồng lao động;

Điều chỉnh điều kiện hưởng BHXH một lần: Chỉ giải quyết cho người lao động đã hết tuổi lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu và không có nhu cầu đóng tiếp, trừ trường hợp ra nước ngoài để định cư hợp pháp hoặc mắc bệnh hiểm nghèo mà có nhu cầu nhận một lần…

Sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.

Sửa cách tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu theo hướng được tính theo mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của người đó và tiền lương tháng đóng BHXH trung bình của tất cả mọi người tham gia BHXH.

Sửa đổi căn cứ đóng, điều kiện, mức hưởng các chế độ BHXH gắn với mức lương cơ sở, cụ thể:

Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí… Quy định về trần đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Nội dung các chế độ BHXH gắn với mức lương cơ sở: Mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; Trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi; Mức lương hưu hằng tháng thấp nhất; Điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH; Trợ cấp mai táng; Trợ cấp tuất hàng tháng.

Sửa đổi, bổ sung một số quy định của các chế độ BHXH nhằm khắc phục các vướng mắc, bất hợp lý phát sinh, tạo thuận lợi cho việc thực hiện chính sách BHXH và đảm bảo tốt hơn quyền thụ hưởng của người tham gia:

Chế độ ốm đau: Bổ sung quy định chi tiết thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau phải nghỉ việc do mắc bệnh cần chữa trị dài ngày; Sửa quy định dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau “bằng 05 ngày đối với các trường hợp khác” thành “Tối đa bằng 05 ngày đối với các trường hợp khác”…

Chế độ thai sản: Quy định chi tiết về trợ cấp một lần khi sinh con nếu chỉ có cha tham gia BHXH; bổ sung trường hợp vợ có tham gia nhưng không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản thì lao động nam đủ điều kiện cũng được giải quyết hưởng trợ cấp 1 lần khi vợ sinh con… 

Chế độ hưu trí: Sửa công thức tính lương hưu; điều kiện thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí; Sửa đổi quy định về điều kiện thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí, quy định về tuổi nghỉ hưu…

Chế độ tử tuất: Bổ sung quy định tuổi của thân nhân hưởng trợ cấp tuất hàng tháng phù hợp với tuổi nghỉ hưu của Bộ luật lao động; cách xác định tuổi của thân nhân để làm căn cứ giải quyết chế độ tử tuất (chưa đủ 18 tuổi, dưới 6 tuổi…)…

Dự kiến Luật này có hiệu lực từ ngày 01/01/2024.

Nguyễn Hương
Cùng chuyên mục