dd/mm/yyyy

Đợt nắng nóng dữ dội ở miền Bắc khi nào mới chấm dứt?

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bắt đầu từ ngày 7.7, đợt nắng nóng gay gắt diện rộng ở các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ sẽ giảm, mưa dông có thể xuất hiện vài nơi.

Cơ quan khí tượng cho biết trong tháng 7 còn có 2 đợt nóng khác.

Đợt nắng nóng gay gắt bắt đầu từ ngày 30.6 và trải dài trên diện rộng ở khu vực Đồng bằng Bắc Bộ và Trung Bộ (từ Thanh Hóa đến Ninh Thuận, Bình Thuận).

Ảo ảnh trên phố Hà Nội giữa trưa 4.7. Ảnh: Phạm Tùng.
Ảo ảnh trên phố Hà Nội giữa trưa 4.7. Ảnh: Phạm Tùng.

Đợt nắng nóng kéo dài khiến nhiệt độ tăng cao, người lớn và trẻ nhỏ nhập viện tăng đột biến. Các bệnh viện tuyến Trung ương luôn trong tình trạng quá tải người đến khám.

Clip bệnh nhân chờ khám bệnh trong cảnh vật vã vì nắng nóng:

Cả một tuần liên tiếp, miền Bắc và một số tỉnh thuộc miền Trung chịu ảnh hưởng của đợt nắng nóng gay gắt nhất năm 2018. Nhiệt độ cao nhất ban ngày ngoài trời phổ biến trên 40 độ C, thậm chí có nơi mức nhiệt còn cao hơn, 45 độ C.

Theo số liệu của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, với mức nhiệt độ ghi nhận lúc 13h là 39,4 độ C tại trạm đo Láng; 03.7.2018 là ngày nóng nhất nếu so sánh với toàn bộ ngày 3.7 trong lịch sử thời tiết ở Hà Nội. Kỷ lục này vượt xa số liệu ghi nhận được vào ngày 3.7.2004 - ở mức 38,6 độ C.

Vào ban đêm và sáng sớm, mức nhiệt cũng không giảm đáng kể, người dân vẫn cảm giác oi nồng, khó chịu.

Ngày 7.7, Bắc Bộ và các tỉnh Trung Bộ có xu hướng giảm nhiệt. Ảnh: Trà My.
Ngày 7.7, Bắc Bộ và các tỉnh Trung Bộ có xu hướng giảm nhiệt. Ảnh: Trà My.

Vì sao Bắc Bộ và Trung Bộ nắng nóng dữ dội?

Theo các chuyên gia khí tượng, rìa Đông nam vùng áp thấp nóng phía Tây kết hợp với đới gió Tây Nam hoạt động mạnh, gây hiệu ứng phơn (gió Lào) khô nóng.

Bên cạnh đó, địa hình dãy núi Hoàng Liên Sơn ở Tây Bắc và dãy Trường Sơn ở miền Trung tạo ra mây và nhiệt độ không quá cao ở sườn phía Tây (sườn đón gió) và hiệu ứng phơn gây ra thời tiết ít mây, khô hanh, nắng nóng ở sườn phía Đông (sườn khuất gió).

Khu vực phía nam Nhật Bản đang xuất hiện một cơn bão mạnh, tuy khá xa nhưng nó cũng góp phần khiến gió phơn mạnh hơn và gia tăng cường độ nóng ở miền Bắc và miền Trung.

Ông Lê Thanh Hải, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, cho rằng thông thường, tháng 6 và 7 là thời điểm có nhiều đợt nắng nóng nhất, với cường độ khắc nghiệt nhất.

Vì sao nhiệt độ ngoài trời luôn cao hơn dự báo?

Nhiệt độ thực tế ngoài trời có thể cao hơn từ 3-5 độ C so với dự báo nhiệt độ đo trong lều khí tượng. Đặc biệt, trên mặt đường, ở những nơi bê tông hóa, nhiệt độ thực tế cao hơn rất nhiều.

Trưa 3.7, phóng viên Zing.vn đo được mức nhiệt trên mặt đường đại lộ Thăng Long là 55 độ C, trên yên xe máy là 58 độ C và trong bóng râm có cây xanh ở mức 42 độ C.

Phóng viên Trà My.
Phóng viên Trà My.

Hiện tượng này là hệ quả của hiệu ứng đô thị (bê tông hóa, lượng phương tiện giao thông lớn và mật độ cây xanh ít).

Trà My