Dự trữ tiền gửi ngoại tệ của Trung Quốc lần đầu vượt 1 nghìn tỷ USD

25/06/2021 18:08 GMT+7
Bloomberg mới đây đưa tin dự trữ tiền gửi ngoại tệ của các ngân hàng Trung Quốc đã lần đầu tiên vượt ngưỡng 1 nghìn tỷ USD, qua đó cho phép quốc gia này tự do hóa tài khoản vãng lai.

Theo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc PBoC, các tổ chức cho vay thương mại của Trung Quốc đã báo cáo mức dự trữ tiền gửi ngoại tệ kỷ lục 1,38 nghìn tỷ USD vào cuối tháng 5. Dự trữ ngoại hối của PBoC cũng đã tăng lên mức cao nhất trong năm năm vào tháng trước.

Đây là kết quả của việc dòng vốn ngoại tệ chảy vào trong nước tăng nhanh chóng. Các nhà đầu tư nước ngoài đã ồ ạt đổ tiền vào thị trường trái phiếu Trung Quốc trong năm qua, với tổng giá trị ước tính 1 nghìn tỷ Nhân dân tệ (154 tỷ USD) do lợi suất tương đối cao của trái phiếu đại lục khi so sánh với lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và một số nền kinh tế lớn khác. Đồng thời, kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh khi các nhà máy Trung Quốc hoạt động trở lại giữa lúc các nền kinh tế lớn vật lộn với đại dịch cũng thúc đẩy thặng dư thương mại của nước này tăng lên mức kỷ lục.

Hoạt động xuất khẩu hàng hóa tăng cao đã thúc đẩy dòng tiền ngoại tệ vào nước tăng mạnh nhờ doanh thu của các nhà xuất khẩu. Bên cạnh đó, khi nền kinh tế phục hồi, đồng Nhân dân tệ mạnh lên cũng khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài bán USD đổi lấy đồng Nhân dân tệ, mua cổ phiếu và trái phiếu Trung Quốc.

Một hệ quả của việc dòng tiền ngoại tệ đổ vào Trung Quốc mạnh lên là làm suy yếu lãi suất tiền gửi USD ở nước này xuống gần mức thấp nhất mọi thời đại.

Dự trữ tiền gửi ngoại tệ của Trung Quốc lần đầu vượt 1 nghìn tỷ USD - Ảnh 1.

Dự trữ tiền gửi ngoại tệ của Trung Quốc lần đầu vượt 1 nghìn tỷ USD (Ảnh: Bloomberg)

Giờ đây, có một sự bất thường trong nền kinh tế: mặc dù dòng vốn đi vào tăng nhưng các ngân hàng nội địa Trung Quốc không có nhiều kênh để sử dụng hiệu quả dòng ngoại hối khổng lồ này. Một trong những kênh phổ biến nhất là bán ngoại tệ tại đại lục, nhưng điều này sẽ tạo thêm áp lực đẩy giá Nhân dân tệ mạnh lên. 

Tính đến cuối tháng 5 vừa qua, trong số 31 loại tiền tệ mà Bloomberg theo dõi, đồng Nhân dân tệ đã tăng giá khi so sánh với 25 loại tiền tệ. Trong đó, đồng Yên Nhật yếu hơn gần 8% so với Nhân dân tệ, còn đồng Won của Hàn Quốc giảm khoảng 5% và đồng bạc xanh của Mỹ mất 2,3% trước Nhân dân tệ. 

Đồng Nhân dân tệ đã giao dịch ở gần mức cao nhất trong 5 năm đã buộc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc PBoC “ra tay” thiết lập tỷ giá tham chiếu Nhân dân tệ yếu hơn. Đây là động thái điều chỉnh dễ hiểu, bởi việc Nhân dân tệ mạnh lên sẽ khiến hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc trở nên tương đối đắt đỏ với người mua nước ngoài, gây ra mối quan ngại về nguy cơ sụt giảm lợi thế cạnh tranh giá của hàng xuất khẩu - một yếu tố đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế quốc gia.

Nhìn chung, sự tăng giá của đồng nội tệ đã đặt ra yêu cầu cấp thiết với Bắc Kinh trong việc cải cách thị trường ngoại hối, giảm bớt kiểm soát dòng vốn. Điều này sẽ đóng vai trò như một “van giảm áp” cho tỷ giá Nhân dân tệ bằng cách cho phép nhà đầu tư trong nước mua nhiều tài sản ở nước ngoài hơn.

Linan Liu, chiến lược gia vĩ mô Trung Quốc tại Deutsche Bank (Hồng Kông) nhận định: “Dòng vốn ngoại tệ đổ vào mạnh mẽ là cơ hội tốt để Trung Quốc tiến hành cải cách thị trường ngoại hối và nới lỏng dòng vốn hai chiều. Tôi kỳ vọng Bắc Kinh nới lỏng hơn nữa dòng vốn chảy ra bên ngoài đất nước thông qua các dự án đầu tư”.


NTTD
Cùng chuyên mục