Duy trì giá lợn hơi ở mức 70.000 đồng/kg, giảm nữa người chăn nuôi sẽ gặp khó khăn

08/10/2020 07:28 GMT+7
Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ NN&PTNT, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết giá thành chăn nuôi hiện nay vẫn còn cao. Nếu giảm giá lợn hơi xuống, hàng triệu hộ chăn nuôi sẽ rất khó khăn.

Tại buổi họp báo thường kỳ quý III/2020, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến cho biết mặc dù gặp khó khăn do dịch Covid-19 nhưng GDP của ngành nông nghiệp quý III/2020 đạt mức tăng trưởng 2,93%, cao hơn quý 1 và quý 2.

Thông tin về lĩnh vực chăn nuôi lợn, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, tốc độ tăng trường đạt 9,7%, đến tháng 9/2020 tổng đàn heo đạt 22,57 triệu con (bằng 82% trước khi có dịch). 

Theo đó, ông Tiến khẳng định, đến quý IV/2020, thị trường trong nước sẽ đảm bảo nguồn cung thịt heo.

Về giá lợn hơi, tại buổi họp báo,  ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết giá lợn hơi đang dao động ở mức 70.000 - 75.000 đồng/kg, một số nơi đạt 69.000 đồng/kg. Kì vọng từ nay đến cuối năm giữ ổn định ở mức 70.000 đồng/kg. 

Một số ý kiến cho rằng mức giá  lợn hơi hiện tại vẫn đang ở mức cao. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết giá thành chăn nuôi hiện nay vẫn còn cao.

 - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến. Ảnh: Đức Quỳnh/Kinh tế và Tiêu dùng

Giá thành chăn nuôi nhỏ lẻ là 71.000 đồng/kg. Nếu giá lợn hơi giảm xuống hơn nữa, người chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ rất khó khăn. Đối với chăn nuôi tập trung chi phí là 50.000 đồng/kg.

Dịch tả lợn châu Phi cơ bản được kiểm soát, đàn heo đang dần khôi phục nhưng việc tái đàn vẫn còn chậm, giá heo giống liên tục ở mức cao kể từ đầu năm (khoảng 2,5-3 triệu đồng/con) nên việc tái đàn chủ yếu tập trung ở các cơ sở chăn nuôi lớn và chi phí chăn nuôi cũng cao.

“Nếu bây giờ đánh tụt giá xuống, hàng triệu hộ chăn nuôi sẽ rất khó khăn”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.

Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu tháng 9 ước đạt 3,8 tỉ USD, tăng 3,8% so với tháng 8 và là tháng đạt kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong 9 tháng qua. Tính chung 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 30,05 tỉ USD , tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Hiện đã có 8 nhóm, mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỉ USD và 6 nhóm, mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 2 tỉ USD (cà phê 2,2 tỉ USD, gạo 2,5 tỉ USD, hạt điều đạt 2,3 tỉ USD, rau quả đạt 2,5 tỉ USD, tôm 2,75 tỉ USD, gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,5 tỉ USD).

Mỹ tiếp tục là thị trường chiếm thị phần lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đạt trên 7,5 tỉ USD, tăng 19,3% so với cùng kỳ và chiếm gần 25% thị phần, tiếp đến là Trung Quốc ước đạt 7,24 tỉ USD, giảm 7,7% so với cùng kỳ và chiếm 24,1% thị phần.

Thị trường ASEAN nhập khẩu ước đạt 2,93 tỉ USD, tăng 4,6% và chiếm 9,75% thị phần; xuất khẩu sang các nước EU đạt khoảng 2,83 tỉ USD, giảm 0,6% và chiếm 9,4% thị phần; xuất khẩu sang Nhật Bản đạt 2,51 tỉ USD, tương đương cùng kỳ và chiếm gần 8,4% thị phần.

PV
Cùng chuyên mục