EVN và nhà máy trữ thiếu than, gây cảnh cắt điện luân phiên?

15/07/2023 11:13 GMT+7
Kết luận của Thanh tra Bộ Công Thương về cung ứng điện của EVN cho rằng, EVN và các đơn vị liên quan không thực hiện đầy đủ về định mức tồn kho than, dẫn đến một số nhà máy nhiệt điện than tồn kho thấp, không đảm bảo đủ than cho phát điện.

Theo Bộ Công Thương, hàng năm, EVN có văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc, GENCO 1, 2, 3 rà soát, xác định nhu cầu và chuẩn bị nhiên liệu than cho sản xuất điện, phê duyệt kế hoạch sửa chữa, bảo dưỡng, duy trì cơ sở hạ tầng tiếp nhận than, triển khai thực hiện thí điểm đốt than trộn nhà máy nhiệt điện theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Kết luận Thanh tra nêu rõ, quá trình triển khai một số nhà máy nhiệt điện thuộc EVN và GENCO 1, 2, 3 thực hiện không kịp thời (Hải Phòng, Vĩnh Tân 4, Duyên Hải 1, Duyên hải 3, Vĩnh Tân 2, Uông Bí), thực hiện không đầy đủ quy định về định mức tồn kho than theo chỉ đạo của Thủ tướng và Bộ Công Thương, dẫn đến xảy ra tình trạng một số nhà máy nhiệt điện than tồn kho thấp, kéo dài, không đảm bảo đủ than cho phát điện cục bộ ở một số thời điểm.

EVN và nhà máy điện trữ thiếu than, gây thiếu điện? - Ảnh 1.

Bộ Công Thương khẳng định, EVN và các đơn vị liên quan có nhiều vi phạm trong quy định dự trữ than cho nhiệt điện (Ảnh EVN).

Qua kiểm tra, ngày 7/3/2019, EVN có báo cáo 1103/BC-EVN và ngày 21/3/2019 có Tờ trình 1390/TTr-EVN của Tổng Giám đốc về giải pháp quản lý, đảm bảo cung ứng than trong EVN. Ngày 26/3/2019, hội đồng thành viên của EVN đã ban hành Nghị quyết về phiên họp về phiên họp thứ 04 - 2019, trong đó, tại điểm a khoản 3 phần III Nghị quyết số 129/NQ-HĐTV, Hội đồng thành viên quyết nghị: 

Các EVNGENCO thống nhất với TKV/TCTĐB về khối lượng than, chủng loại than năm 2019 và chủ động nhập khẩu than Anthracite còn thiếu để đảm bảo cung cấp đủ than cho sản xuất điện trong năm 2019 với giá không cao hơn giá than nhập khẩu, pha trộn của TKV/TCTĐB được quy đổi về cùng một nhiệt trị .

TGĐ chịu trách nhiệm đảm bảo cân đối đủ than cho sản xuất điện tại các NMNĐ Thái Bình 1, Vĩnh Tân 4, Vĩnh Tân 4MR và Duyên Hải 3MR. 

HĐTV, Tổng Giám đốc EVNGENCO1,2, Người đại diện phần vốn của EVN tại EVNGENCO3 chịu trách nhiệm đảm bảo cân đối đủ nhiên liệu cho sản xuất điện theo kế hoạch được EVN giao/thông qua hàng năm; chịu trách nhiệm trước HĐTV, TGĐ EVN nếu để xảy ra tình trạng thiếu nhiên liệu cho sản xuất điện.". 

Nghị quyết số 129/NQ-HĐTV của HĐTV và các văn bản chỉ đạo của EVN về công tác chuẩn bị than cho phát điện của các đơn vị thành viên (Công văn số 6182/EVN-KTSX ngày 13/11/2019, Công văn số 7119/EVN-TTĐ ngày 26/10/2020) là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu than cục bộ cho sản xuất điện các năm 2022-2023. 

Như vậy, EVN đã vi phạm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại mục 12 Chỉ thị số 29/CT-TTg, chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương tại Quyết định phê duyệt Biểu đồ cấp than cho sản xuất điện và Quyết định phê duyệt Kế hoạch cung cấp điện, vận hành hệ thống điện quốc gia. 

Liên quan đến việc triển khai ký Hợp đồng mua bán than cho sản xuất điện, Bộ Công Thương cho rằng thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương, EVN, các GENCO và Chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện trực thuộc đã ký Hợp đồng mua bán than (gọi tắt là Hợp đồng) dài hạn, trung hạn, hàng năm với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Đông Bắc (TCTĐB) và một số đơn vị cung cấp than khác để chuẩn bị nguồn than cho sản xuất điện. 

Tiến độ ký Hợp đồng hàng năm với TKV và TCTĐB hầu hết hoàn thành trong tháng 01 (năm 2021, 2022) hoặc tháng 12 năm trước (năm 2023). Tại các Hợp đồng hàng năm, trong ngắn hạn quy định rõ loại than, khối lượng than, tiến độ cung cấp than từng loại than cho nhà máy điện. 

Trong đó, đối với năm 2022: (i) Hợp đồng ký với TCTĐB có điều khoản liên quan đến việc thống nhất giá trong cung cấp than pha trộn, theo đó: TCTĐB chỉ giao than pha trộn/nhập khẩu khi EVN/Bên Mua chấp nhận giá than pha trộn theo thực tế giá than nhập khẩu tại từng thời điểm; (ii) TKV có văn bản5 đề nghị EVN sớm có ý kiến về giá than pha trộn để TKV triển khai nhập khẩu than phục vụ pha trộn và cung cấp than pha trộn. 

Tổng sản lượng nguồn nhiệt điện than thực hiện năm 2021-2022 đạt thấp hơn so với Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia được Bộ Công Thương phê duyệt 6 (gọi tắt là Kế hoạch của BCT). 

Riêng 5 tháng đầu năm 2023, tổng sản lượng nguồn nhiệt điện than cơ bản bám sát Kế hoạch của BCT và vượt 2,3% so với Phương thức huy động điện tháng kế tiếp của A0. Qua kết quả thống kê sản lượng điện hàng tháng cho thấy, sản lượng điện phát thực tế của một số nhà máy nhiệt điện có sự dao động (tăng, giảm) lớn so với Phương thức huy động điện tháng của A0 và Kế hoạch của BCT (trong đó có thời điểm huy động điện thực tế thấp hơn nhiều so với Phương thức huy động điện tháng của A0 nhưng tăng cao ngay sau đó hoặc ngược lại). 

Việc huy động sản lượng điện phát biến động lớn đã gây khó khăn trong điều hành, chuẩn bị nhiên liệu than của các nhà máy nhiệt điện, việc huy động điện giảm so với Kế hoạch và duy trì trong khoảng thời gian dài (các năm 2021-2022) đã ảnh hưởng đến sự chủ động trong việc thu xếp nhiên liệu than cho vận hành của các nhà máy nhiệt điện. 

An Linh
Cùng chuyên mục