dd/mm/yyyy

Giá gạo xuất khẩu của hàng loạt nước neo cao kỷ lục

Chỉ số giá gạo thế giới của Liên Hợp Quốc hiện ở mức cao nhất 11 năm khi giá gạo xuất khẩu của hàng loạt nước trên thế giới neo cao kỷ lục.

Giá gạo toàn cầu lập đỉnh 11 năm 

Nhiều chuyên gia phân tích vừa lên tiếng cảnh báo giá gạo có thể còn tiếp tục tăng cao hơn nữa trong thời gian tới khi nguồn cung gạo giá rẻ từ Ấn Độ có thể bị siết chặt hơn.

Đồng thời, hiện tượng El Nino sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động canh tác nông nghiệp của nhiều quốc gia trên toàn cầu, vừa khiến nguồn cung giảm và khiến nhu cầu nhập khẩu lương thực tăng lên.

Cụ thể, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ đã tăng thêm 9% chỉ trong vài tuần trở lại đây, lên mức cao nhất 5 năm, chủ yếu do Chính phủ Ấn Độ tăng giá thu mua lúa gạo từ nông dân trên thị trường nội địa thêm 7%. Nước này cũng chưa có dấu hiệu cho thấy sẽ sớm dỡ bỏ việc cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế lên tới 20% đối với việc xuất khẩu các loại gạo khác vốn được áp dụng từ tháng 9/2022.

Tính đến ngày 30/6 vừa qua, diện tích canh tác vụ Hè năm nay của Ấn Độ đã giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái, do lượng mưa những tháng đầu năm giảm hơn 8% so với thông thường. Điều này sẽ càng làm gia tăng áp lực lên việc kiểm soát xuất khẩu lương thực của Chính phủ Ấn Độ nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường nội địa.

Ấn Độ chiếm hơn 40% lượng gạo được xuất khẩu trên toàn cầu trong năm 2022, đặc biệt là trong phân khúc gạo giá rẻ. Do đó bất kỳ sự thắt chặt nguồn cung nào từ nước này sẽ khiến giá gạo toàn cầu tăng lên, gây tác động lớn đến những nước châu Phi vốn phụ thuộc vào gạo giá rẻ của Ấn Độ.

Trên thị trường, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam và Thái Lan cũng đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây. Nhiều chuyên gia nhận định giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ còn tiếp tục neo ở mức cao kỷ lục như hiện nay, thậm chí có thể tăng lên do nhu cầu đối với gạo Việt vẫn ở mức cao.

Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) dự báo dự trữ gạo toàn cầu vào cuối niên vụ 2023/2024 sẽ chỉ đạt 170,2 triệu tấn - mức thấp kỷ lục trong 6 niên vụ gần nhất. Nguyên nhân chủ yếu do dự trữ gạo tại một số quốc gia tiêu thụ lớn như Trung Quốc và Ấn Độ giảm.

Một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo Ấn Độ hiện cảnh báo giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ có thể thêm tăng thêm 20% hoặc hơn nếu sản lượng gạo sụt giảm dưới tác động của hiện tượng El Nino.

Giới chức Thái Lan vừa qua đã kêu gọi nông dân nước này chỉ nên canh tác một vụ lúa gạo trong năm nay, thay vì hai hoặc ba vụ như thường lệ do lo ngại El Nino có thể gây ra hạn hán diện rộng. Dữ liệu cho thấy lượng mưa trong tháng 5 vừa qua của Thái Lan thấp hơn tới 26% so với thông thường.

Trong khi đó, hãng nghiên cứu Shanghai JC Intelligence (Trung Quốc), cho biết thời tiết tại Trung Quốc hiện không thuận lợi cho thu hoạch sớm nhưng lượng dự trữ gạo của nước này hiện đủ cao để cân bằng cung - cầu. Hiện nhiều khu vực tại Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng khô hạn.

Hiện một số quốc gia khu vực châu Á, như Indonesia và Philippines, đang tích cực thu mua gạo nhằm tăng cường kho dự trữ, chuẩn bị cho kịch bản thiếu hụt nguồn cung lương thực.

Trong tháng trước, Indonesia đã ký thỏa thuận nhập khẩu 1 triệu tấn gạo từ Ấn Độ trong trường hợp El Nino khiến dự trữ gạo của Indonesia xuống thấp. Đây được xem là động thái đặc biệt, cho thấy Indonesia đang cố gắng đa dạng nguồn cung để đảm bảo chắc chắn hơn cho vấn đề an ninh lương thực; thông thường, Indonesia sẽ nhập khẩu gạo từ Thái Lan và Việt Nam.

Xuất khẩu gạo 6 tháng năm 2023 tăng trưởng tốt 

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 6/2023 cả nước xuất khẩu 617.998 tấn gạo, tương đương 340,77 triệu USD, giá trung bình 551,4 USD/tấn, giảm 14,7% về lượng và giảm 12,8% về kim ngạch nhưng tăng nhẹ 2,3% về giá so với tháng 5/2023; so với tháng 6/2022 cũng giảm 14,9% về lượng, giảm 3,9% kim ngạch nhưng tăng 13% về giá.

Trong tháng 6/2023 xuất khẩu gạo sang thị trường chủ đạo Philippines tiếp tục giảm mạnh 32,3% về lượng và giảm 31,9% về kim ngạch nhưng tăng nhẹ 0,6% về giá so với tháng 5/2023, đạt 166.421 tấn, tương đương 85,28 triệu USD, giá 512,5 USD/tấn; và cũng giảm mạnh 53,2% về lượng, giảm 49,9% kim ngạch, nhưng tăng 7,2% về giá so với tháng 6/2022. Xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc tháng 6/2023 cũng giảm mạnh 64,3% về lượng và giảm 63,2% kim ngạch so với tháng 5/2023, đạt 44.918 tấn, tương đương 26,47 triệu USD; so với tháng 6/2022 cũng giảm 10,4% về lượng, nhưng tăng 6,1% kim ngạch.

Tính chung cả 6 tháng năm 2023 lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt gần 4,24 triệu tấn, tương đương gần 2,26 tỷ USD, tăng 21,3% về khối lượng, tăng 32,2% về kim ngạch so với 6 tháng năm 2022, giá trung bình đạt 532,6 USD/tấn, tăng 9%.

Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 40% trong tổng lượng và chiếm 38% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước, đạt gần 1,7 triệu tấn, tương đương 857,68 triệu USD, giá trung bình 504,9 USD/tấn, tăng 4,6% về lượng, tăng 13% về kim ngạch và tăng 8,1% về giá so với 6 tháng năm 2022.

Tiếp sau đó là thị trường Trung Quốc chiếm 16% trong tổng lượng và chiếm 17,3% trong tổng kim ngạch, đạt 677.387 tấn, tương đương 390,62 triệu USD, giá trung bình 576,7 USD/tấn, tăng mạnh 54,4% về lượng và tăng 71,2% kim ngạch; giá tăng 10,8% so với 6 tháng năm 2022.

Thị trường Indonesia đứng thứ 3 đạt 492.801 tấn, tương đương 244,06 triệu USD, giá 495,3 USD/tấn, tăng mạnh 1.388% về lượng, tăng 1.404% kim ngạch và tăng nhẹ 1,1% về giá so với 6 tháng năm 2022, chiếm 11,6% trong tổng lượng và chiếm 10,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.

Xuất khẩu sang các thị trường FTA RCEP đạt 3,14 triệu tấn, tương đương 1,63 tỷ USD, tăng 32,7% về lượng, tăng 43,7% kim ngạch. Xuất khẩu sang các thị trường FTA CPTTP đạt 280.588 tấn, tương đương 145,75 triệu USD, tăng 3% về lượng, tăng 8,7% kim ngạch. Xuất khẩu sang thị trường Đông Nam Á đạt 2,45 triệu tấn, tương đương 1,23 tỷ USD, tăng 28,3% về lượng, tăng 37,8% kim ngạch.

Duy Quang