dd/mm/yyyy

Giá lợn giảm sốc, công ty, đại lý thức ăn cũng ngập trong nợ nần

Mấy tháng qua, giá lợn giảm sốc, không chỉ người chăn nuôi khốn đốn mà các công ty sản xuất thức ăn gia súc, đại lý kinh doanh sản phẩm này cũng gặp khó trong việc bán hàng và thu hồi nợ.

Giá lợn giảm, người nuôi thua lỗ khiến các đại lý thức ăn cũng không thu hối được vốn. Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Hoàng Văn, một đại lý bán thức ăn gia súc ở huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai cho biết, mong muốn bây giờ của ông là mong giá lợn hơi phục hồi nhanh để cuối năm người chăn nuôi có thể trả nợ cho mình.

Do các đại lý bán thức ăn chăn nuôi gặp khó trong việc thu nợ từ người chăn nuôi nên chuyện kinh doanh của các công ty sản xuất thức ăn gia súc cũng chẳng dễ dàng.

Chúng tôi mua hàng gối đầu từ các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi, một số mặt hàng bán theo dạng ký gửi cho các công ty này nên chúng tôi cho người chăn nuôi mua lại gối đầu. Hiện tại, vì người chăn nuôi chưa thể trả tiền nên chúng tôi cũng phải khất nợ với các công ty.
Ông Nguyễn Hoàng Văn.

Theo báo cáo tài chính riêng của Tổng công ty chăn nuôi Việt Nam - CTCP (Vilico), trong quí 1-2017, doanh thu bán hàng và dịch vụ chỉ hơn 56,6 tỉ đồng; trong khi cùng kỳ năm trước, con số này là gần 96,3 tỉ đồng. Doanh thu giảm khoảng 39,7 tỉ đồng cũng đồng nghĩa với việc lợi nhuận công ty cũng giảm theo.

Trong công văn số 76CN/TCKT gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, phía Vilico giải thích nguyên nhân là vì hoạt động sản xuất chăn nuôi lợn trong quí 1-2017 khó khăn do ảnh hưởng từ thị trường tiêu thụ.

Vilico thông báo sẽ giảm giá lợn giống để hỗ trợ cho người chăn nuôi; như vậy, nhiều khả năng doanh thu trong những quí tới của công ty sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt khi giá lợn vẫn chưa biết khi nào phục hồi về mức như trước đây nên người chăn nuôi khó có thể tái đàn.

Theo Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, những công ty lớn còn gặp khó khăn về doanh thu bán hàng do thị trường tiêu thụ heo gặp khó thì các cửa hàng đại lý cấp 1, cấp 2 bán thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y cũng lao đao là không thể tránh khỏi.

Hiệp hội cho biết, lâu nay, giữa người chăn nuôi và các đại lý thường mua bán theo kiểu gối đầu, mua hàng đợt sau sẽ trả tiền hàng đợt trước, hoặc mua chịu đến khi bán lợn, gà xong sẽ thanh toán. Vì thế, thời gian qua, khi người chăn nuôi bán heo hơi thấp hơn giá thành thì các đại lý cũng bị ảnh hưởng là không thể tránh khỏi.

Giá mua lợn hơi tại trang trại hiện dao động ở mức 22.000-30.000 đồng/kg.

Ông Phạm Đức Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho biết, dù chưa có những thống kê đầy đủ về những khó khăn của các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi nhưng nhìn tổng thể, những doanh nghiệp này cũng bị ảnh hưởng do lượng hàng bán ra giảm.

Lợn bán lố vốn, người nuôi chỉ cho lợn ăn cầm chừng. Ảnh minh họa

Lý do, theo ông Bình, mấy tháng qua, nhiều hộ chăn nuôi chỉ cho đàn lợn ăn cầm chừng, cho ăn để giữ cho lợn không tiếp tục tăng trọng. Còn về lâu dài, ông Bình cho hay, các doanh nghiệp sản xuất thức ăn sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn nhưng mức độ ảnh hưởng nhiều hay ít sẽ phụ thuộc vào khả năng phục hồi đàn heo của người chăn nuôi.

“Nếu trong trường hợp người chăn nuôi khánh kiệt, không thể chăn nuôi trở lại thì sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi... và có thể gây rủi ro cho cả chuỗi”, ông Bình cho biết.

Dù ngành chăn nuôi heo gặp khó, giá trị nhập khẩu các loại thức ăn chăn nuôi trong năm nay lại tăng so với cùng kỳ. Cụ thể, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng giá trị nhập khẩu nhóm mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu 4 tháng đầu năm nay đạt 1,19 tỉ đô la Mỹ, tăng gần 30% so với cùng kỳ. Nghĩa là dù doanh thu bán hàng ở thị trường nội địa giảm nhưng các doanh nghiệp vẫn nhập khẩu một số lượng lớn các mặt hàng dùng làm nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi trong những tháng tới.
Theo Ngọc Hùng