dd/mm/yyyy

GS Nguyễn Lân Hùng chia sẻ về tiềm năng, vận hội Quảng Bình trước Chương trình OCOP

Trên là chia sẻ của GS.TS.NGND Nguyễn Lân Hùng với phóng viên trước thềm Diễn đàn “OCOP - Động lực phát triển kinh tế nông thôn Quảng Bình” dự kiến diễn ra ngày 29/8.

Nói về Quảng Bình, GS Nguyễn Lân Hùng chia sẻ: "Tôi đã đi khắp mọi miền Tổ quốc. Với Quảng Bình, tôi đã tới rất nhiều lần. Cá nhân tôi thấy có lẽ do sinh ra và lớn lên tại vùng đất đầy nắng gió, trải qua nhiều thiên tai bão, lũ,… mà con người Quảng Bình trở nên cần cù chịu thương, chịu khó.

Người Quảng Bình rất thật thà, chân chất, gần gũi, đôn hậu, niềm nở, đùm bọc lẫn nhau, luôn lạc quan và có niềm tin vào một tương lai tốt đẹp. Nhìn vào người nông dân Quảng Bình lại càng thấy rõ hơn.

Chia sẻ quan điểm về thế mạnh của nông nghiệp, nông dân, nông thôn Quảng Bình, GS Nguyễn Lân Hùng nói: "Quảng Bình là quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Quảng Bình có thế mạnh thấy rõ là có sân bay, với địa danh du lịch tuyệt vời như Phong Nha - Kẻ Bàng. Thành phố Đồng Hới ngay sông và cạnh biển, giao thông, liên lạc giờ rất thuận tiện.

GS Nguyễn Lân Hùng chia sẻ về tiềm năng, vận hội Quảng Bình trước Chương trình OCOP - Ảnh 1.

GS Nguyễn Lân Hùng. Ảnh: Dân Việt

Giai đoạn cao này, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021 - 2025 (One commune one product, gọi tắt là Chương trình OCOP) với những nội dung rất cụ thể như xác định đây là chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 - 2025; xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững".

"Cũng như phát triển sản phẩm OCOP có thương hiệu, theo chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa, đặc biệt là các đặc sản, sản vật, sản phẩm làng nghề và dịch vụ du lịch của làng, xã, cộng đồng theo hướng kinh tế tuần hoàn, bảo đảm hệ sinh thái bền vững.

Phát huy tính chủ động, sáng tạo, tinh thần hợp tác của các chủ thể và cộng đồng để phát triển sản phẩm OCOP, đáp ứng yêu cầu của thị trường, gắn với mục tiêu tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, bảo tồn cảnh quan, văn hóa truyền thống, đặc biệt ở vùng miền núi, đồng bào dân tộc khó khăn.

GS Nguyễn Lân Hùng chia sẻ về tiềm năng, vận hội Quảng Bình trước Chương trình OCOP - Ảnh 2.

Diễn đàn “OCOP - Động lực phát triển kinh tế nông thôn Quảng Bình” dự kiến diễn ra ngày 29/8.

Và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, ưu tiên củng cố, kiện toàn và phát triển các hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả, phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa gắn với phát triển dịch vụ và ngành nghề ở nông thôn.

Những điều này rất phù hợp với điều kiện tự nhiên, thiên nhiên, lợi thế, con người Quảng Bình" - ông nói.

Theo GS Nguyễn Lân Hùng, Quảng Bình có thể quan tâm phát triển nhóm sản phẩm OCOP như: Nông, thủy sản tươi sống; nông, thủy sản sản sơ chế, chế biến và các thực phẩm khác hay sản phẩm chức năng, thuốc dược liệu, thuốc y học cổ truyền, mỹ phẩm có thành phần từ thảo dược, tinh dầu và dược liệu khác.

Nhóm hàng thủ công mỹ nghệ, gồm: Các sản phẩm từ gỗ, sợi tự nhiên, kim loại, gốm sứ, dệt may, thêu ren... làm đồ lưu niệm, đồ trang trí, đồ gia dụng cũng rất phù hợp.

Nhóm sinh vật cảnh, gồm hoa, cây cảnh, động vật cảnh và nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch đều tiềm năng.

Có thể thấy, tiềm năng của Quảng Bình còn chưa được phát huy hết. Chúng ta cần trăn trở làm sao để biến cái yếu, còn thiếu thành thế mạnh, biến nắng nhiều, biến cát nhiều, biến sông nhiều, biến gió nhiều thành thế mạnh của chính Quảng Bình ta.

Muốn vậy, Quảng Bình cần chuyển đổi rất mạnh để thích ứng với với yêu cầu mới, để dân khấm khá và giàu có hơn nữa.

PV BMT