Hết dùng xe chở rác, bầu Thụy lại xài tiền tiết kiệm "cứu" KS Kim Liên

13/03/2020 11:31 GMT+7
Sau khi về tay Thaigroup của bầu Thụy, khách sạn Kim Liên quen với việc doanh thu lao dốc. Nhưng để “cứu” lợi nhuận, bầu Thụy đã sử dụng rất nhiều biện pháp như dùng xe chở rác, tiền tiết kiệm và gần như “đình chỉ” hoạt động bán hàng.

Ngành kinh doanh chính "lao dốc"

Cách đây vài năm, ông Nguyễn Đức Thụy, bầu Thụy, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Thaigroup đã "chịu chơi" khi mua "phá giá" cổ phần Công ty cổ phần Du lịch Kim Liên (đơn vị sở hữu khách sạn Kim Liên" từ tay SCIC. Giới chuyên gia nhận định mục đích thâu tóm Kim Liên của bầu Thụy không phải để lấn sân sang mảng khách sạn mà chỉ vì "đất vàng".

Chính vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi hoạt động kinh doanh chính của Kim Liên bị bỏ ngỏ. Doanh số công ty trượt dài sau khi về tay bầu Thụy.

Doanh thu của Kim Liên trong các năm 2016, 2017 lần lượt là 128 tỷ đồng, 143 tỷ đồng. Đến năm 2018, chỉ tiêu này "lao dốc" xuống chỉ còn 99 tỷ đồng và giảm nhẹ xuống 98 tỷ đồng trong năm 2019.

Hết dùng xe chở rác, bầu Thụy lại xài tiền tiết kiệm "cứu" KS Kim Liên - Ảnh 1.

Hết dùng xe chở rác, bầu Thụy lại xài tiền tiết kiệm "cứu" lợi nhuận của khách sạn Kim Liên.

Kim Liên có hai mảng kinh doanh chính là cho thuê phòng khách sạn và dịch vụ ăn uống. So với năm 2017, năm Kim Liên ăn nên làm ra nhất trong thời gian này, hai mảng này đang "tuột dốc".

Cụ thể, trong năm 2019, doanh thu từ phòng nghỉ đạt 34,3 tỷ đồng, giảm 20,2 tỷ đồng, tương đương 37% so với năm 2017. Doanh thu từ ăn uống, nhà hàng chỉ đạt 26,7 tỷ đồng, giảm 33,3 tỷ đồng, tương đương 55,5%.

Các ngành phụ có tăng trưởng mạnh nhưng đóng góp vào doanh thu thì thấp hơn mảng chính. Doanh thu cho thuê văn phòng địa điểm tăng 8,1 tỷ đồng, tương đương 46% lên 25,7 tỷ đồng. Doanh thu dịch vụ khác (trông xe, điện thoại, minibar, điện nước, lữ hành,…) tăng từ 8 tỷ đồng lên 8,7 tỷ đồng.

Hoạt động chính dần teo tóp khiến doanh thu theo xu hướng giảm dần. Thế nhưng, lợi nhuận lại là câu chuyện khác. Lời lãi tại Kim Liên chủ yếu theo xu hướng đi lên. Lợi nhuận sau thuế trong các năm 2016, 2017, 2018 và 2019 lần lượt là 7,5 tỷ đồng, 8,9 tỷ đồng, 8,6 tỷ đồng và 12,5 tỷ đồng.

Hết dùng xe chở rác lại đến xài tiền tiết kiệm "cứu" lợi nhuận

Doanh thu giảm sâu sau 4 năm nhưng lợi nhuận lại có xu hướng tăng là chủ yếu. Lợi nhuận sau thuế năm 2019 của Kim Liên lên tới 12,5 tỷ đồng, tăng 5 tỷ đồng, tương đương 66,6% bất chấp doanh thu giảm 30 tỷ đồng, tương đương 30,6%. Nguyên nhân là do bầu Thụy rất biết cách "cứu" lợi nhuận từ những hoạt động ngoài hoạt động kinh doanh.

Cụ thể, trong năm 2018, lẽ ra Công ty cổ phần Du lịch Kim Liên đã phải gánh chịu khoản thua lỗ không nhỏ nếu không có sự tác động từ cổ đông lớn Thaigroup của bầu Thụy. Thaigroup giúp Kim Liên thay vì thua lỗ, đã có lãi trở lại bằng… xe chở rác.

Trong năm 2018, chủ khách sạn Kim Liên lỗ 6,2 tỷ đồng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh. Khoản thua lỗ này được bù đắp bằng khoản thu nhập khác lên tới 15,5 tỷ đồng. Nhờ đó, công ty sở hữu mảnh đất vàng trên phố Đào Duy Anh (Hà Nội) đạt lợi nhuận sau thuế là dương 8,6 tỷ đồng.

Trong năm, Kim Liên có khoản thu nhập khác lên tới15,8 tỷ đồng, trong đó, đáng chú ý có đến có tới 15,5 tỷ đồng là thu khoản tiền hỗ trợ của Thaigroup. Trước đó, Thaigroup cam kết trả Kim Liên số tiền mua 8 xe quét rác.

Tới năm 2019, trong bối cảnh doanh thu giảm sút nhẹ, giá vốn điều chỉnh sâu hơn giúp lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng nhẹ, tăng 900 triệu đồng, tương đương 4,9% lên 19,3 tỷ đồng.

Trong khi đó, công ty không hề có ý định mở rộng kinh doanh ở mảng chính. Vì vậy, Kim Liên mạnh tay cắt giảm mọi chi phí. Chi phí lãi vay điều chỉnh xuống còn 0 đồng. Chi phí quản ly doanh nghiệp giảm từ 11 tỷ đồng xuống còn 6,7 tỷ đồng.

Đáng chú ý nhất là chi phí bán hàng lao dốc mạnh. Chi phí này giảm sâu, giảm tới 15,685 tỷ đồng, tương đương 99,3% xuống chỉ còn 115 triệu đồng. Có vẻ như bầu Thụy không còn mặn mà với hoạt động bán hàng.

Ngoài việc "thắt lưng buộc bụng", Kim Liên còn có thêm một biện pháp khác để "cứu" lợi nhuận. Đó là gửi tiết kiệm. Tiền tiết kiệm đóng góp không nhỏ giúp doanh thu hoạt động tài chính năm 2019 của công ty tăng vọt lên 3,9 tỷ đồng.

Dồn sức vào đất vàng

Ngay từ khi bầu Thụy quyết định chịu chơi khi mua phá giá cổ phần Công ty cổ phần Du lịch Kim Liên từ SCIC, giới đầu tư đã tin rằng bầu Thụy nhắm tới đất vàng, chứ không có ý định lấn sân vào mảng khách sạn. Điều đó có vẻ đúng. Vài năm sau khi bầu Thụy vào Kim Liên, mảng kinh doanh của công ty này chỉ biết đi xuống. Đỉnh điểm là trong năm 2019, công ty cắt giảm gần hết chi phí bán hàng. Điều đó khiến không ít người cho rằng bầu Thụy không mặn mà với mảng kinh doanh cũ và chuẩn bị dồn sức cho đất vàng.

Tháng 1/2020, Đại hội đồng cổ đông bất thường của Công ty cổ phần Du lịch Kim Liên đã thông qua phương án tăng vốn từ gần 70 tỷ đồng lên 2.786 tỷ đồng. Mục đích của đợt tăng vốn này là thu hút vốn để triển khai dự án khu phức hợp mới trị giá gần 14.300 tỷ đồng trên khu đất hiện hữu của công ty.

Theo Đời sống và Pháp luật, tại ĐHĐCĐ, đại diện nhiều nhóm cổ đông nhỏ không đồng tình với quyết định tăng vốn này. Cụ thể, đại diện cổ đông Công ty Tài chính Bưu điện và Ngân hàng GPBank cho rằng các thông tin về dự án Khu phức hợp Kim Liên gồm qui mô, tổng mức đầu tư, kế hoạch tiến độ... chưa được trình đến ĐHĐCĐ và không rõ ràng, cụ thể. Phương án tăng vốn dựa trên khảo sát của đơn vị tư vấn Savills là không có căn cứ, cơ sở để cổ đông xem xét, biểu quyết.

Mặc dù vậy, quyết định tăng vốn sau đó vẫn được thông qua với tỉ lệ tán thành lên tới 82,32% nhờ sự hậu thuẫn của nhóm cổ đông lớn nhất tại Kim Liên là Thaigroup.

Ngọc Lâm
Cùng chuyên mục