dd/mm/yyyy

Khởi nghiệp nông nghiệp: Nhìn từ Israel

Với quốc gia phải chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu và thời tiết khắc nghiệt như Việt Nam, khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp chưa bao giờ dễ dàng bởi còn phải đối phó với nhiều mạo hiểm và rủi ro.

Chính vì vậy, bên cạnh việc phát động phong trào khởi nghiệp trong nông nghiệp, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về vốn, công nghệ, nhân lực để khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp. Có thể nhìn thấy điều này từ đất nước Israel.

Israel là một đất nước rất nhỏ với diện tích chỉ hơn 20.000 km2, tổng dân số chỉ tương đương Hà Nội hoặc TP. HCM. Cách đây 20 năm, họ đã hiểu phát triển nông nghiệp phải đảm bảo 4 yếu tố: gắn liền với môi trường, công nghệ cao, công nghệ sinh học và phát triển nghiên cứu.

Hiện tại đất nước Israel có hơn 5 nghìn DN khởi nghiệp, phần lớn những nguồn vốn khởi nghiệp bắt nguồn từ quân đội và về sau là nguồn vốn của tư nhân và nhà đầu tư mạo hiểm. Israel luôn coi trọng nghiên cứu phát triển là quan trọng nhất trong đầu tư phát triển nông nghiệp.

Hiện nay, Israel đang đứng đầu thế giới về thiết bị công nghệ sinh học tính theo bằng sang chế phát minh. Tuổi thọ trung bình của Israel xếp thứ 7 thế giới. Các DN Israel đã sử dụng công nghệ năng lượng mặt trời, năng lượng chịu nhiệt để phát triển. Những công nghệ mà Israel đang áp dụng được xuất phát từ những ý tưởng nhỏ, từ những hạn chế về điều kiện tài nguyên thiên nhiên của đất nước này. Ví dụ như điện toán đám mây trong nông nghiệp, biết được thực trạng của đồng ruộng, lượng nước… Điều này sẽ nâng cao hiệu quả và năng suất và DN khi canh tác trên mảnh đất đó sẽ biết chính xác năng suất bao nhiêu. Hay lai tạo những giống cây mới chịu được khô hạn.

Xét theo phần trăm GDP, Israel dành nhiều ngân sách nhất cho phương thức đầu tư nghiên cứu, phát triển trên thế giới với khoảng 4,5%, cao hơn rất nhiều mức bình quân 2,2% của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cũng như cao hơn rất nhiều quốc gia có cùng mức GDP trên toàn cầu. Theo Cơ quan sáng tạo Israel (IIA), nguồn ngân sách trên được sử dụng chủ yếu để Chính phủ chia sẻ các rủi ro về tài chính với những startup.

Chủ tịch IIA, ông Avi Hasson cho biết, mặc dù hầu hết các dự án khởi nghiệp đều thất bại nhưng chính phủ lại thành công trong việc đóng góp, thúc đẩy phát triển sáng tạo, thu được nhiều kinh nghiệm và điều này là đáng giá. Bởi vậy, Israel luôn tập trung ngân sách đầu tư vào những startup sáng tạo nhiều rủi ro nhất. Thêm vào đó, việc chính phủ chia sẻ rủi ro với tư nhân sẽ kích thích làn sóng đầu tư vào công nghệ, tạo nên một thị trường khởi nghiệp khỏe mạnh và phát triển cho dài hạn.

Bằng việc cùng đầu tư vào công nghệ cùng các doanh nghiệp tư nhân, Israel đã chia sẻ bớt gánh nặng cũng như rủi ro khi đổ tiền vào các startup, qua đó nuôi dưỡng được một nền tảng công nghệ cũng như vườn ươm khởi nghiệp phát triển.

Theo bà Sakai Kemp, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Trenlines AgTech, để các DN nông nghiệp khởi nghiệp thích ứng được với cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và đạt tỷ lệ thành công cao, nhất thiết phải bắt đầu ngay từ hạ tầng đến các ứng dụng công nghệ thông tin.

Các DN cần triển khai và áp dụng đồng bộ quy trình hóa, từ đó áp dụng các ứng dụng thông minh, tiện ích hơn trong việc sử dụng nguồn nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… trong canh tác, sản xuất, chế biến, lưu thông, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp.

(Dân Việt)