"Khu đô thị đáng sống nhất " Ngoại Giao đoàn bao giờ... xây trường học?

12/02/2020 18:36 GMT+7
Được giới thiệu là khu đô thị đáng sống và là điểm nhấn của Thủ đô, tuy nhiên, rất nhiều cư dân ở Khu đô thị Ngoại giao đoàn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đang rất bức xúc vì quy hoạch nơi đây bị băm nát, các tòa nhà mọc lên liên tiếp nhưng tuyệt nhiên không thấy trường học đâu.

Mới đây, trong văn bản trả lời kiến nghị của cử tri về việc quy hoạch các khu đô thị, khu công nghiệp cần dành đất để phát triển các cơ sở giáo dục, Bộ Xây dựng đã thừa nhận, tại các địa phương, việc đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục theo quy hoạch khu đô thị, khu công nghiệp chưa đầy đủ và đồng bộ với việc phát triển đô thị, khu công nghiệp.

Trước đó, tại báo cáo của TP Hà Nội cũng nêu rõ nhiều dự án khu đô thị mới, khu nhà ở trên địa bàn có quy hoạch đất xây dựng nhà trẻ, trường học phổ thông, nhưng việc đầu tư xây dựng chưa đảm bảo đồng bộ, chậm xây dựng công trình trường học, nhà trẻ so với tiến độ xây dựng nhà ở trong dự án.

"Khu đô thị đáng sống nhất " Ngoại Giao đoàn bao giờ... xây trường học? - Ảnh 1.

Khu đô thị Ngoại Giao đoàn có mô dân số là 9700 người được đưa vào sử dụng từ năm 2011 tuy nhiên đến nay vẫn chưa có trường học.

Cụ thể, gồm Khu đô thị mới Phùng Khoang, Khu nhà ở Đài phát thanh phát sóng Mễ Trì, Khu đô thị Xuân Phương – Viglacera, Khu đô thị Thành phố giao lưu, Khu đô thị Ngoại Giao đoàn, Khu đô thị mới Cổ Nhuế - Xuân Đỉnh, Dự án khu nhà ở và công trình công cộng tại xã Cổ Nhuế, Khu nhà ở để bán Quang Minh Vinaconex 2, Khu đô thị Lê Trọng Tấn-Geleximco, Khu đô thị mới Vân Canh, Khu nhà ở Vĩnh Hoàng, Khu chức năng đô thị Ao Sào, Khu đô thị mới Cầu Bươu, Khu nhà ở Thạch bàn, Khu đô thị Đặng Xá…

Ngoài ra, có tình trạng một số dự án đầu tư xây dựng trường học trong các khu đô thị mới, đặc biệt là khu vực các quận trung tâm đã được chủ đầu tư chuyển nhượng lại cho các nhà đầu tư thứ cấp nhưng cũng trong tình trạng chậm triển khai. Đó là khu đô thị Tây Nam hồ Linh Đàm, khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp.

"Khu đô thị đáng sống nhất" không có...trường học

Được giới thiệu là khu đô thị đáng sống và là điểm nhấn của Thủ đô, tuy nhiên, rất nhiều cư dân ở Khu đô thị Ngoại giao đoàn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đang rất bức xúc vì quy hoạch nơi đây bị băm nát, các tòa nhà mọc lên liên tiếp nhưng tuyệt nhiên không thấy trường học đâu.

Theo tìm hiểu của PV Eitime, theo quy hoạch của khu đô thị Ngoại giao đoàn, tại đây sẽ có 4 trường học, gồm 2 nhà trẻ, 1 trường cấp một và 1 trường cấp hai. Song trên thực tế, những lô đất dành cho xây dựng trường học đến nay vẫn chỉ là những bãi đất trống, nơi thì để vật liệu xây dựng của các công trình xung quanh, nơi thì trồng cây...

Chị Hoàng Mai Lan (cư dân sống tại tòa N04T1, khu Ngoại Giao đoàn) chia sẻ, lúc mới tìm hiểu, chị được môi giới giới thiệu sẽ có trường công hiện đại được xây dựng ngay sau khi bàn giao căn hộ. Tuy nhiên, từ lúc mua nhà cho tới nay đã 7 năm mà chị chưa thấy có bất cứ ngôi trường nào được xây dựng tại đây.

"Trường học không làm mà thay vào đó chủ đầu tư lại đang xây bệnh viện. Hiện tại, con tôi đang phải học cách nhà gần 10 cây số. Việc đưa đón rất khổ sở, tôi phải nhờ ông bà đưa đón con vào mỗi buổi chiều", người phụ nữ này bức xúc nói.

"Khu đô thị đáng sống nhất " Ngoại Giao đoàn bao giờ... xây trường học? - Ảnh 2.

Vì thiếu trường học, nên phần lớn cư dân Khu đô thị Ngoại giao đoàn phải gửi con ở các trường tư thục có chi phí đắt đỏ.

Chị Lan chia sẻ thêm, mặc dù cư dân đã nhiều lần xuống đường phản đối việc thay đổi quy hoạch và yêu cầu chủ đầu tư là Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp) thực hiện cam kết về việc xây dựng các trường học. Thế nhưng đến nay, những cam kết đó vẫn chỉ là những lời hứa suông.

"Sau cam kết của chủ đầu tư vào tháng 10/2017 thì chúng tôi rất kỳ vọng chủ đầu tư sẽ thực hiện lời hứa của mình. Nhưng đến tháng 5/2019, chủ đầu tư lại một lần hứa là sẽ khởi công vào quý 1/2020. Thế nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa thấy có những thông tin nào của chủ đầu tư về việc quy hoạch các trường học như thế nào", chị Lan nói.

Được biết, khu đô thị Đoàn ngoại giao do Tổng công ty Xây dựng Hà Nội làm chủ đầu tư, với quy mô 62,8ha và tổng vốn đầu tư lên đến 1300 tỷ đồng. Dự án nổi tiếng là khu đô thị có mật độ xây dựng thấp, 30-33%, còn lại 70% là khu công viên cây xanh, hồ điều hòa, công trình công cộng…Có quy mô dân số toàn khu là 9700 người được đưa vào sử dụng từ năm 2011 tuy nhiên đến nay vẫn chưa có trường học.

Khốn khổ vì lịch học của con

Các cư dân tại khu đô thị Linh Đàm (Hoàng Liệt, Hoàng Mai) cũng khốn khổ không kém khi không có trường học.

Vợ chồng chị Hiền từ Thanh Hóa lên Hà Nội lập nghiệp, phải vay mượn khắp nơi mới mua được một căn chung cư giá rẻ tại khu đô thị Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, Hoàng Mai). Chị có một cô con gái năm nay vào lớp 2 học tại Trường tiểu học Chu Văn An.

Người phụ nữ này chia sẻ, năm ngoái khi con bước vào lớp 1, chị đã rất vui mừng khi con được học tại trường công đúng tuyến theo hộ khẩu. Tuy nhiên, ngày đầu tiên đưa con đến trường, cầm lịch học của con chị đã toát mồ hôi vì không biết xử lý thế nào khi bé học từ thứ tư đến hết chủ nhật và được nghỉ 2 ngày đầu tuần.

"Năm ngoái vợ chồng tôi phải nhờ bà nội lên trông cháu giúp. Nhưng năm học mới này, bà phải về quên nên tôi phải gửi con vào một trung tâm học thêm, giá mỗi ngày gửi là 160.000 đồng".

Còn với gia đình anh Vinh (một cư dân sống tại tòa HH Linh Đàm) thì sau khi tính tới, tính lui, vợ chồng anh thống nhất phải một người nghỉ làm để ở nhà đưa các con đi học. Anh Vinh hiện có hai con năm nay vào lớp 2 và lớp 4 đều học ở trường Tiểu học Chu Văn An. Anh tâm sự, những gia đình khá giả thì có thể gửi con đến trung tâm hoặc gửi ở nhà cô giáo chủ nhiệm, nhưng với những gia đình như tôi không có điều kiện kinh tế thì phải thay nhau ở nhà trông các con. "Nhà tôi có hai cháu, nếu gửi ở trung tâm cũng mất vài triệu đồng mỗi tháng. Ông bà nội ngoại đôi bên đều không ra giúp được nên vợ tôi đành nghỉ ở nhà để trông và đưa đón con đi học", anh Vinh nói.

Được biết, hiện tại toàn phường Hoàng Liệt có 78 chung cư, trong đó có những tòa lên tới gần 1.000 hộ dân sinh sống. Trong khi đó, cả phường chỉ có 2 trường là Tiểu học Hoàng Liệt và Tiểu học Chu Văn An. Và để giảm tải cho các lớp học, một số trường tiểu học ở Hoàng Mai bắt buộc phải bố trí học luân phiên để đủ lớp học cho học sinh.

Để xảy ra tình trạng quá tải này, nguyên nhân đầu tiên là quy hoạch khu đô thị Linh Đàm đã bị chia 5 sẻ 7. Chủ đầu tư vì lợi nhuận, chỉ chăm chăm xây nhà bán mà "quên" xây trường học. Theo quy hoạch, tại khu đô thị Tây Nam hồ Linh Đàm sẽ có 6 ô đất xây trường học. Tuy nhiên đến nay mới chỉ có 1 công trình trường tiểu học hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng. 5 ô đất quy hoạch xây dựng trường học chủ đầu tư đã chuyển nhượng hạ tầng 2 ô đất cho nhà đầu tư thứ phát nhưng chưa xây dựng công trình; 2 ô đang thực hiện điều chỉnh quy hoạch; 1 ô đang vướng mắc chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng.

Luật quá nhẹ?

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với Etime, luật sư Nguyễn Hồng Thái (Giám đốc công ty luật Quốc tế Hồng Thái và Đồng nghiệp, Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, hiện luật pháp đã có quy định về xử phạt hành chính với các chủ đầu tư không tuân theo kế hoạch, chậm tiến độ đã được phê duyệt.

Tại Điểm a Khoản 1 Điều 13 Nghị định 139/2017 quy định về việc xử phạt hành chính khi vi phạm quy định về đầu tư phát triển đô thị như sau: "Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Thực hiện đầu tư phát triển khu đô thị không tuân theo kế hoạch hoặc chậm so với tiến độ được cấp có thẩm quyền phê duyệt"

Theo đó, chủ đầu tư buộc phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thực hiện đầu tư phát triển khu đô thị theo kế hoạch, tiến độ được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Ngoài ra, chủ đầu tư còn vi phạm quy định trong hợp đồng giữa chủ đầu tư và người dân về việc chậm thực hiện các công trình của dự án, chủ đầu tư phải chịu phạt vi phạm hoặc (và) bồi thường thiệt hại theo quy định trong hợp đồng.

"Mặc dù chúng ta có luật pháp quy định, song thực tế, với mức xử phạt nêu trên còn khá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Vì vậy, để khắc phục tình trạng chủ đầu tư liên tục chậm trễ việc xây dựng trường học trong khu đô thị thì ngoài việc phải nghiêm túc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả mà nên bổ sung áp dụng những hình thức xử phạt bổ sung để tăng sức răn đe, giải quyết triệt để", luật sư Thái nói.

Ong Lý
Cùng chuyên mục