Kiến nghị chưa vội thu phí dịch vụ thoát nước năm 2020

19/08/2020 06:39 GMT+7
HoREA lo ngại Covid-19 khiến người dân bị ảnh hưởng nặng nên chưa hợp lý nếu thu phí xử lý nước thải lúc này.

Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa có công văn kiến nghị UBND TP HCM và Sở Xây dựng xem xét không thu phí dịch vụ thoát nước trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.

Giá dịch vụ thoát nước bình quân vừa được Sở Xây dựng trình UBND thành phố hôm 12/8, đề xuất mức thu năm 2020 trên mỗi m3 là 1.430 đồng (chưa gồm thuế giá trị gia tăng). Những niên độ tiếp theo, mức thu của năm 2021 là 2.033 đồng; năm 2022 là 2.694 đồng; năm 2023 là 3.426 đồng và có mức 4.237 đồng vào năm 2024.

Nếu đề xuất này được chấp thuận, giá tiền nước sạch và dịch vụ thoát nước bình quân mà người dân phải trả cho mỗi m3 trong năm 2020 là 11.029 đồng; năm 2021 là 12.198 đồng; năm 2022 là 13.469 đồng; năm 2023 là 14.848 đồng; năm 2024 là 16.344 đồng. Số tiền này chưa tính 10% thuế giá trị gia tăng.

Tổng công ty cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco) sẽ căn cứ vào khối lượng nước tiêu thụ hàng tháng của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình (gọi chung là hộ thoát nước) để tiến hành thu phí dịch vụ thoát nước. Nguồn thu này được để lại 1% chi trả cho dịch vụ đi thu; đóng các loại thuế và nghĩa vụ tài chính (nếu có). Phần còn lại nộp vào ngân sách để đầu tư, duy trì, phát triển hệ thống thoát nước...

Kiến nghị chưa vội thu phí dịch vụ thoát nước năm 2020  - Ảnh 1.

Thi công đường ống ở Dự án vệ sinh môi trường TP HCM giai đoạn 2 mục đích chuyển nước thải từ lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè về nhà máy xử lý, chụp tháng 4/2019. Ảnh:Quỳnh Trần

Trong công văn đề xuất hoãn thu phí dịch vụ thoát nước, HoREA thống nhất các báo cáo thực trạng tổng chi phí cho hoạt động duy tu, bảo trì... thoát nước giai đoạn 2016-2020 vẫn chưa đủ bù đắp để thực hiện công tác duy tu hệ thống thoát nước. Do vậy, việc thu giá dịch vụ thoát nước (bao gồm phí xử lý nước thải) nhằm có thêm nguồn thu để đầu tư, duy tu hệ thống thoát nước và xử lý nước thải, là rất cần thiết.

Tuy nhiên, Hiệp hội khuyến nghị trong tình hình đại dịch còn đang diễn biến khó lường, đa số người dân bị tác động rất lớn. Nhiều người bị thiếu việc làm, thất nghiệp, giảm thu nhập, thậm chí bị mất thu nhập, phải cắt giảm chi tiêu nên việc đề xuất tăng thu phí xử lý nước thải trong năm nay chưa thật phù hợp.

HoREA đề nghị UBND TP HCM chưa nên áp dụng giá dịch vụ thoát nước (gồm phí bảo vệ môi trường đối với nước thải) trong năm 2020 theo đề xuất của Sở Xây dựng. Theo đó, cần giữ nguyên mức thu bằng 10% giá nước sạch như năm 2019, để giảm bớt gánh nặng cho các hộ gia đình trong tình hình đại dịch diễn biến phức tạp như hiện nay.

Ngoài ra, Hiệp hội cũng kiến nghị Sở Xây dựng, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố hỗ trợ các chủ đầu tư dự án nhà ở hoàn thành các thủ tục kiểm tra nghiệm thu công trình xử lý nước thải đạt chuẩn. Nếu được bàn giao công trình xử lý nước thải của dự án, có thể giảm bớt gánh nặng tài chính cho các hộ gia đình trong các dự án nhà ở.

Kiến nghị này xuất phát từ thực trạng trong hơn 20 năm qua, các dự án nhà ở thương mại (cả nhà thấp tầng và nhà chung cư) tại TP HCM đều phải xây dựng công trình xử lý nước thải sinh hoạt đạt tiêu chuẩn chất lượng quy định. Sau khi được nghiệm thu, doanh nghiệp sẽ bàn giao tài sản này cho cơ quan chuyên ngành quản lý vận hành.

Song hiện nay, có một số dự án chưa bàn giao được công trình xử lý nước thải sinh hoạt cho cơ quan chuyên ngành, nên người dân trong các dự án này đã phải trả chi phí xử lý nước thải đến hai lần. Lần thứ nhất là trả cho chủ đầu tư để vận hành trạm xử lý nước thải. Lần thứ hai là đóng phí bảo vệ môi trường thông qua trả tiền nước sạch.


Trung Tín
Cùng chuyên mục