Kiến nghị ngừng nhập khẩu xăng dầu: PVN muốn hết hàng tồn nên hạ giá

11/04/2020 07:55 GMT+7
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, dù lượng hàng tồn kho của PVN quá nhiều, tuy nhiên không thể vì thế mà buộc các doanh nghiệp dừng nhập khẩu mà chỉ sử dụng xăng dầu trong nước để "giải cứu".

Như Etime đã đưa tin, mới đây, Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) đã có văn bản kiến nghị gửi Bộ Công thương, Bộ Tai chính xem xét tạm ngưng nhập khẩu xăng dầu để tránh tình trạng tồn kho vượt ngưỡng giới hạn.

PVN cho biết, do giá dầu thô hiện giảm sâu và dịch bệnh Covid-19 đã và đang diễn biến rất phức tạp, tác động trực tiếp, mạnh mẽ lên toàn bộ đời sống kinh tế đã khiến hoạt động sản xuất và kinh doanh xăng dầu của PVN gặp rất nhiều khó khăn.

Trong quý I/2020, tổng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu của cả nước ước giảm khoảng 30% và dự kiến còn tiếp tục giảm trong thời gian tới khi toàn bộ thị trường du lịch, dịch vụ, vận tải đóng băng. Tồn kho các sản phẩm xăng dầu tại hai nhà máy lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi) và Nghi Sơn (Thanh Hóa) luôn ở mức cao, đặc biệt là mặt hàng xăng.

Kiến nghị ngừng nhập khẩu xăng dầu: PVN muốn hết hàng tồn nên hạ giá - Ảnh 1.

Sản phẩm xăng dầu tại Nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất đang có nguy cơ vượt giới hạn tồn trữ. Ảnh minh họa

Hiện các thương nhân đầu mối là khách hàng của hai nhà máy này đã có những động thái dừng, giãn, hủy nhận hàng khiến cho việc tồn kho các sản phẩm xăng dầu tại hai nơi này luôn ở mức cao, đặc biệt là mặt hàng xăng. Tại một số thời điểm, tồn kho xăng ở mức trên 90%, vượt xa mức cho phép.

Dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan, PVN lo ngại tổng lượng nhập khẩu xăng dầu các loại trong 2 tháng đầu năm 2020 là 1,356 triệu tấn.

Nếu so sánh với tổng khối lượng sản xuất 2,16 triệu tấn của 2 nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (1,15 triệu tấn) và Dung Quất (1,01 triệu tấn), thì lượng nhập khẩu đã chiếm 39% tổng nhu cầu tiêu thụ nội địa.

PVN cho rằng, lượng nhập khẩu quá lớn thực sự đã gây khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm xăng dầu sản xuất trong nước. Vì thế, PVN khẩn thiết kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính xem xét ban hành các cơ chế chính sách hạn chế tối đa/cấm nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu trong giai đoạn chưa kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 cũng như thị trường tiêu thụ xăng dầu nội địa đang rất khó khăn.

Đồng thời, tiếp tục có các biện pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ đối với chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường, tăng cường các giải pháp phòng chống gian lận thương mại và bán phá giá xăng dầu.

Bày tỏ quan điểm trước đề xuất này, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng, hiện không chỉ riêng PVN gặp khó khăn trong đại dịch Covid-19. Rất nhiều doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ giải thể nếu dịch tiếp tục kéo dài đến giữa năm. Va PVN cũng không nằm ngoại lệ đó.

"Thời điểm này doanh nghiệp nào cũng cần được giải cứu. Khi nhu cầu tiêu thụ giảm, lượng hàng tồn kho của PVN quá nhiều thì việc kêu gọi giải cứu là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, không vì thế mà buộc hàng chục doanh nghiệp đầu mỗi ngưng nhập hàng hóa từ nước ngoài mà chỉ sử dụng xăng dầu trong nước để giúp PVN tiêu thụ hàng hóa", ông Long nói.

Theo vị chuyên gia này, việc yêu cầu ngưng nhập khẩu xăng dầu là trái với quy luật thị trường. Các doanh nghiệp có quyền mua bán, tự do lựa chọn những nơi rẻ hơn để nhập chứ không thể yêu cầu lấy hàng trong nước.

"Rất nhiều đầu mối kinh doanh xăng, dầu trong nước nhập hàng từ Hàn Quốc vì giá thành mềm hơn so với trong nước. Giờ lấy lý do tồn kho để buộc các doanh nghiệp này lấy hàng đắt hơn có thỏa đáng không? Nếu PVN muốn tiêu thụ hết hàng tồn thì cũng có thể tham gia cạnh tranh, hạ giá thành để các doanh nghiệp khác tự nguyện hỗ trợ, tiêu thụ hàng trong nước", ông Long nói.

Cũng theo PGS.TS Ngô Trí Long, nếu đề nghị của PVN được thông qua, giá xăng dầu trong nước cũng sẽ không giảm vì ngưng nhập để tiêu thụ hàng tồn kho, hàng tồn kho đã được dự trữ từ giai đoạn trước đến nay nên vẫn sẽ tiếp tục bán theo giá xăng dầu thế giới.

Cũng ý kiến này, trên báo chí PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng, ngưng nhập không có nghĩa giá xăng dầu trong nước sắp tới sẽ giảm mạnh theo giá thế giới. Việt Nam đang tự chủ được khoảng 70 - 80% xăng dầu nhờ vào hai nhà máy lọc dầu trong nước.

Tuy nhiên, khi tính giá bán, thường phải chỉ số bình quân giá dầu trong nước cộng với giá dầu nhập nước ngoài, chia theo tỷ trọng nhất định. Hiện giá xăng dầu thế giới đang thấp, nhưng nếu ngưng nhập, giá xăng dầu trong nước sẽ được tính "một cách hợp lý" dựa trên giá dầu đã được nhập và lọc trước đây theo mức giá cũ.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh băn khoăn: "Theo tôi biết mức giá nhập cũ không thấp bằng bây giờ. Như vậy, giá bán lẻ xăng dầu thành phẩm trong nước sắp tới khó giảm theo giá thế giới, vì tiêu thụ hàng tồn kho".

Ngoài ra, ông Thịnh cũng lưu ý, ngành hóa dầu liên quan đến sản xuất các phụ phẩm hóa dầu làm nguyên liệu cho ngành nhựa, sợi polyme... mà VN đang phôi thai. Một mặt bảo đảm an ninh năng lượng nhưng phải đảm bảo ngành công nghiệp phụ phẩm hóa dầu phát triển. Đó là bài toán hóc búa mà ngành dầu khí nói chung phải tính toán thiệt hơn trong việc nhập, ngưng nhập, tăng nhập, đóng cửa... trong và sau mùa dịch.

A.Vũ
Cùng chuyên mục