KTS Đào Ngọc Nghiêm: Quy hoạch đất đai phải là quy hoạch ngành

13/07/2020 11:19 GMT+7
Cần xác định quy hoạch đất đai là quy hoạch ngành và thống nhất tích hợp quy hoạch đất đai cấp tỉnh vào quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch.

Tham dự diễn đàn khoa học Khuyến nghị một số nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong Luật Đất đai 2013 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam đã góp ý một số nội dung cần sửa đổi, bổ sung.

Dưới đây là bài tham luận của TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm:

Luật Đất đai 2013 đã đề cập đến 14 nhóm vấn đề thông qua cấu trúc 14 chương với 212 điều. Để thực hiện đã có 7 nghị định liên quan của Chính phủ và gần 20 quyết định, thông tư hướng dẫn của các Bộ có liên quan.

Qua thực hiện cho thấy còn không ít tồn tại và đang là vấn đề nóng trong khiếu nại, khiếu kiện. Nguyên nhân của tồn tại chủ yếu là thực hiện chưa nghiêm và nhất là sự mâu thuẫn, bất cập trong hệ thống luật.

Gần đây, có nhiều luật mới có liên quan đã ban hành như Luật Quy hoạch 2017 hiệu lực từ 1/1/2019, Luật Kiến trúc 2019 có hiệu lực từ 1/7/2020; Luật Xây dựng 2014 sửa đổi, bổ sung năm 2016, 2018 và gần đây đã được Quốc hội thông qua hồi tháng 6/2020; Luật Đầu tư công sửa đổi; Luật Nhà ở; Luật Kinh doanh bất động sản và cả một số luật đang nghiên cứu như: Luật Quản lý phát triển đô thị, Luật Quy hoạch đô thị.

Ngoài ra cũng phải kể đến các chiến lược phát triển đã ban hành như: Chiến lược phát triển bền vững, Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, Đề án Phát triển đô thị thông minh, Đề án- kế hoạch tăng trưởng xanh.

Trong bối cảnh như trên, tôi cho rằng cần đẩy mạnh nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai theo đúng kế hoạch về xây dựng luật của Quốc hội với sự huy động trí tuệ của đa ngành của nhân dân.

Tháng 12/2019, VUSTA đã tổ chức diễn đàn Sửa đổi chính sách đất đai để phát triển bền vững, nhiều tổ chức như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội bất động sản, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị… cũng đã có những tọa đàm, hội thảo...

Hy vọng hội thảo khoa học lần này do VUSTA tổ chức sẽ tập hợp, tổng hợp được những vấn đề trọng tâm trong nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai. Thông qua hội thảo thay mặt Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, tôi xin trình bày một số nội dung, khuyến nghị liên quan đến công tác quy hoạch, quản lý phát triển đô thị.

KTS Đào Ngọc Nghiêm: Quy hoạch đất đai phải là quy hoạch ngành - Ảnh 1.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm

Về quy hoạch , kế hoạch sử dụng đất

Trong Luật Đất đai 2013, chương IV đã có các quy định về hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với 5 cấp (quốc gia, tỉnh, huyện, an ninh, quốc phòng). Luật Quy hoạch 2017 và Luật 35/2018 sửa đổi 37 luật liên quan đến quy hoạch đã xác định Luật Đất đai phải sửa 17 điều (chủ yếu là về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở chương VI ).

Theo đó, quy hoạch đất đai không được xem là quy hoạch ngành (đã xác định chỉ có 39 quy hoạch ngành ) và không có quy hoạch đất đai cấp tỉnh, chỉ có kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh (với 4 cấp: quốc gia, huyện, quốc phòng và an ninh).

Tôi cho rằng cần xác định quy hoạch đất đai là quy hoạch ngành và thống nhất tích hợp quy hoạch đất đai cấp tỉnh (cũng như quy hoạch xây dựng) vào quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch. Đây là vấn đề đổi mới, là cuộc cách mạng nên cần xác định có lộ trình và xác định rõ vai trò, nội dungcủa hợp phần đất đai được tích hợp trong quy hoạch chung cấp tỉnh.

Để làm vậy, cần sửa Nghị định 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 29/2014 của Bộ TN-MT về lập điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Về phân loại đất đai

Luật Đất đai 2013 tại điều 10 đã phân loại đất đai theo 3 nhóm ( nông nghiệp, phi nông nghiệp và chưa sử dụng). Với đất nông nghiệp gồm 8 loại, đất phi nông nghiệp gồm 10 loại.

Đây là quy định cần nghiên cứu sửa đổi để hài hòa với phân loại quy hoạch ngành, quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành trong Luật Quy hoạch.

Xin nêu thí dụ: Trong đất phi nông nghiệp phân loại cụ thể: đất xây dựng trụ sở, đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất kinh doanh phi nông nghiệp, đất sử dụng công…. Như vậy, có sự trùng lặp, không phù hợp với phân loại trong cấu trúc đô thị (theo Luật Quy hoạch đô thị 2009) và Luật Xây dựng 2014, nhất là Luật Xây dựng sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua (điều 13). Đó là thiếu quy hoạch sử dụng đất các khu chức năng đặc thù (Luật Đất đai 2013 đã gộp vào đất kinh doanh phi nông nghiệp là không hợp lý).

Khái niệm đất hỗn hợp trong đô thị chưa được đề cập trong Luật Đất đai, hơn nữa thực tiễn đây là nội dung gây nhiều bất cập trong quản lý. Nhật Bản có xác định đất hỗn hợp nhưng quy định rõ chức năng cụ thể. Thực tiễn, trong chiến lược phát triển đô thị quốc gia, trong quy hoạch xây dựng hiện hành của Việt Nam được xác định tồn tại loại đất này (như chung cư cao tầng, tổ hợp công trình, trung tâm thương mại, dịch vụ…). Do vậy, đề nghị Luật Đất đai có đề cập đến và xác định khung quản lý.

Về bồi thường, thu hồi đất đai

Đây là vấn đề lớn tác động đến tốc độ đô thị hóa đến thực hiện các dự án đầu tư phát triển đô thị, cả với nguồn vốn ngân sách và ngoài ngân sách.

Hiến pháp 2013 tại điều 53-54 đã có quy định Nhà nước thu hồi trong trường hợp cần thiết do luật định (chủ yếu là trong Luật Đất đai) song trong Luật Đất đai 2013 quy định không rõ và không chuẩn xác (điều 61-62-63-64-65), đề nghị nghiên cứu để sửa đổi, làm rõ khi thu hồi từng mục tiêu cụ thể.

Xác định việc thu hồi cần thiết theo cấp thẩm quyền phê duyệt dự án (Luật Đất đai 2013 nêu) hay theo chức năng, mục đích sử dụng đất của dự án.

Bồi thường khi thu hồi đất là vấn đề nổi cộm nên cần chỉnh sửa điều 74-75-76 đến 82 của Luật Đất đai. Làm rõ các khái niệm vì lợi ích quốc gia, công cộng, khái niệm đất ở khi bồi thường (điều 79)… Thống nhất hướng dẫn chi tiết là thẩm quyền của Chính phủ (sửa Nghị định 47/2014/NĐ-CT, Thông tư 37/2014/TT- BTNMT….)

Riêng thu hồi đất ở cần xác định khung quy định để các văn bản hướng dẫn tuân thủ, phù hợp với thực tiễn Nhà nước đã có nhiều hình thức công nhận khác nhau nhất là khi cải tạo đô thị hiện hữu (như thu hồi, thu mua, góp vốn..) Mỗi trường hợp cần có phương án bồi thường hỗ trợ khác nhau, trong sửa đổi luật lần này cần xác định nguyên tắc chung và cơ quan quyết định có thẩm quyền để sửa các thông tư hướng dẫn như Thông tư 37/2017/TT-BTNMT.

Điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

Trong quá trình đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới, việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng liên quan nhiều đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (cụ thể là điều 46 Luật Đất đai). Trong Luật Xây dựng sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua đã có mục 6(với 5 điều) trong chương II, trong đó đổi mới một số quy định về điều chỉnh quy hoạch xây dựng. Đề nghị cần sửa Luật Đất đai để đảm bảo thống nhất về điều chỉnh cục bộ với yêu cầu phối hợp cơ quan quản lý xây dựng. Cơ quan quản lý đất đai và xác định cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Trên đây là một số ý kiến bước đầu rất mong VUSTA xem xét, tổng hợp để kiến nghị với cơ quan nghiên cứu dự thảo Luật Đất đai sửa đổi nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống văn bản pháp quy và có tính thực tiễn cao.

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm
Cùng chuyên mục