dd/mm/yyyy

Kỹ thuật làm trang trại đà điểu cho hiệu quả cao

Đà điểu là loài chim nhập ngoại, song đang được nuôi khá nhiều ở Việt Nam. Một trong những yếu tố quyết định thành công là việc thiết kế trang trại nuôi đà điểu.

Ông Nguyễn Duy Liên đang cho đàn đà điểu ăn tại trang trại của gia đình ở huyện Thạch Thất (Hà Nội)

Theo ông Nguyễn Duy Liên - chủ trang trại nuôi đà điểu quy mô lớn ở huyện Thạch Thất (Hà Nội), đà điểu tuy gọi là chim “khổng lồ” nhưng lại khá dễ tính. Nhưng để nuôi được loài chim này, người nuôi phải đặc biệt chú ý đến kỹ thuật thiết kế chuồng trại.

Kỹ thuật làm chuồng nuôi đà điểu, bà con cần tiến hành các bước sau:

1.Vị trí làm chuồng nuôi đà điểu

Đà điểu có thể nuôi được trên nhiều địa hình như vườn đồi, trang trại vùng cát (miền Trung), đồng cỏ… với điều kiện phải có diện tích tương đối rộng để trồng cỏ làm thức ăn xanh, làm chuồng trại, sân chơi (nếu là nền đất thì nên lót cát, sỏi cho đà điểu dễ vận động ), vườn cây để chúng trú ngụ, nghỉ ngơi…

2.Rào chuồng nuôi

Đà điểu thích chạy nên sân chơi phải có diện tích rộng (dài 80 - 100m), nền sân phải có thảm cỏ và có chỗ rải cát, vì đà điểu sống ở sa mạc, thường xuyên tắm cát làm sạch cơ thể và loại bỏ các loại ký sinh trùng ngoài da.

Mỗi khu chuồng trại và sân bãi đều phải rào kỹ, tốt nhất là dùng lưới kẽm B40 với chiều cao từ 1m50 đến 2m nếu là chim lứa và cao 2m50 nếu là chim trưởng thành, chim sinh sản.
Rào cần phải cao như vậy để chim trống ở hai ngăn chuồng kế cận nhau không thể chĩa mỏ qua lại mổ nhau.

Nếu nuôi đà điểu với số lượng lớn, đất đủ rộng, ta có thể làm nhiều chuồng liền kề nhau. Giữa hai dãy chuồng tạo lối đi đủ rộng để tiện cho người nuôi chăm sóc, cung cấp thức ăn, nước uống, làm vệ sinh chuồng trại… Tường rào nên dùng lưới kẽm B40 với hàng cọc trụ bằng bê tông cốt sắt chắc chắn. Cách rào giậu như vậy tuy tốn nhiều tiền, nhưng đủ độ bền chắc để sử dụng lâu dài trong chăn nuôi.

Trong một vuông rào như vậy, ta nên chọn một góc đất thích hợp nào đó để dựng chuồng, trại cho chim ở. Chuồng trại cho đà điểu ở chỉ cần làm thô sơ, kiểu cách giản dị, như kiểu chuồng trâu bò sẽ đỡ tốn kém.

3.Nền chuồng

Bà con cần chú ý làm nền chuồng phải cao ráo, bằng phẳng, nền tráng xi măng, lót gạch tàu hay bằng đất nện cũng tốt.

4.Mái chuồng nuôi

Mái chuồng nên lợp bằng tôn, bằng ngói, có chiều cao cách mặt đất khoảng 3m đối với chim lớn.

5.Máng ăn, uống

Thường thì đà điểu thích sống ở ngoài trời, chúng chỉ vào chuồng để tránh mưa nắng và kiếm thức ăn (vì trong chuồng có đặt sẵn máng ăn và máng nước). Do vậy, chuồng không cần làm rộng, mỗi đà điểu lớn cần từ 3 đến 4m2 là đủ. Đà điểu ít khi nằm, và nằm thì nằm xuống nền, vì vậy trong chuồng trại không cần làm sàn cho chúng.

Thiết kế trang trại đà điểu không cần cầu kỳ, có thể tận dụng tre gỗ.

Máng ăn cho đà điểu phải cố định ở độ cao 0,7 - 0,8m và đảm bảo 4 - 5 con/máng ăn để đà điểu không giẫm đạp lên máng và ăn uống dễ dàng.
Ngoài ra, bà con nên dùng bồn cao su đựng nước uống và dùng nước sạch, lượng đủ để đà điểu uống tự do.

6.Sân chơi

Sân bãi cần cao ráo, tránh ngập úng trong mùa mưa. Trong sân, chọn một vài địa điểm để làm hố cát (do đà điểu có thói quen thích ăn nhiều cát), đồng thời các hố cát này cũng là nơi chim trống đào ổ để chim mái đẻ trứng.

Sân bãi nên trồng cỏ để tạo nguồn thức ăn xanh cho đà điểu. Đây là giống chim duy nhất biết ăn cỏ mà sống. Nhưng, nếu chỉ nuôi đơn thuần bằng cỏ, chim ăn cỏ nhiều quá sẽ dẫn tới bị tiêu chảy. Do vậy, nếu đất đai rộng ta nên trồng thêm cây để tạo lùm bụi cho đà điểu tránh nắng, hoặc trồng cây lớn có tàn rộng che mát càng tốt.

Ngoài chuồng nuôi đà điểu, bà con cần chừa đất để xây dựng nhà kho để chứa lương thực nuôi chim, nơi ấp trứng và úm chim sơ sinh. Hệ thống điện, nước cần phải có đầy đủ ngay từ đầu…

Hải Đăng