dd/mm/yyyy

Kỹ thuật thiết kế vườn thanh long “hái ra tiền”

Thanh long là loại cây trồng đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân một số tỉnh của Việt Nam. Điển hình như gia đình ông Nguyễn Văn Tam ở TP.Tam Điệp (Ninh Bình) đang có nguồn thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ vườn thanh long.
Ông Tam đang thu hoạch thanh long tại vườn của gia đình ở TP.Tam Điệp (Ninh Bình). Hải Đăng
Ông Tam đang thu hoạch thanh long tại vườn của gia đình ở TP.Tam Điệp (Ninh Bình). Hải Đăng

Theo ông Tam, để trồng được thanh long cho nhiều quả và có hiệu quả kinh tế cao, người trồng phải thiết kế vườn trồng theo 6 bước sau đây:

Bước 1: Chọn đất vườn trồng

Thanh long trồng được trên nhiều loại đất từ đất khô cằn, đất cát, đất xám bạc màu, đất phèn đến đất phù sa, đất đỏ bazan, đất thịt, thịt pha sét. Tuy nhiên, để trồng thanh long đạt hiệu quả cao bà con phải chọn nơi có đất tơi xốp, thông thoáng, thoát nước tốt, đất phèn nhẹ hoặc đất phù sa phủ trên nền phèn có pH từ 5,5 – 6,5, hàm lượng hữu cơ cao, không bị nhiễm mặn.

Bước 2: Đào hố trồng

Ở vùng đất cao như tại các tỉnh miền Bắc, bà con nên đào hố, kích thước hố 80 cm x 30 cm. Chọn nơi có nguồn nước suối hoặc nước ngầm để tưới cho cây vào mùa nắng.

Tại vùng đất thấp như ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bà con cần đào mương lên líp nhằm xả phèn, mặn và nâng cao tầng canh tác; mương rộng 1 - 2 m, líp rộng 6 - 7 m. Sau đó trồng cây trụ, lên mô và bón lót. Kích thước mô: 80 cm x 30 cm. Líp nên thiết kế theo hướng Bắc – Nam và trồng cây theo kiểu nanh sấu (giữa các hàng thì cây của hàng kế tiếp phải trồng so le) nhằm tận dụng cao nhất ánh sáng mặt trời của hướng Đông – Tây giúp tăng năng suất thanh long.

Bước 3: Trồng cây chắn gió

Đối với thanh long trồng ở vùng duyên hải miền Trung nên trồng cây chắn gió, có thể trồng các loại cây như: mít, dừa,… trồng thẳng góc với hướng gió để làm giảm thiệt hại của gió bão đến cây thanh long.

Bước 4: Trồng cây trụ

Bà con cần chuẩn bị cây trụ trước khi đặt hom giống một tháng, có thể dùng trụ xi măng cốt sắt, trụ gạch hoặc trụ gỗ. Nếu dùng trụ gỗ nên dùng các loại gỗ tốt, chịu được nắng mưa, lâu mục.

Tuy nhiên, sử dụng trụ gỗ dễ dẫn tới hiện tượng phá rừng, vì vậy, trụ xi măng cốt sắt hay trụ gạch đang được khuyến cáo dùng, trụ có cạnh ngang hay đường kính 12 cm – 20 cm, trụ cao cách mặt đất 1,5 m - 1,6 m, đối với trụ xi măng phần chôn sâu dưới mặt đất khoảng 0,5 m, phía trên trụ có 4 cọng sắt ló ra dài 30 cm - 40 cm được bẻ cong theo 4 hướng dùng làm giá đỡ cho các cành thanh long khi phát triển.

Bà con cần chú ý khi dùng trụ xi măng trong năm đầu vào mùa nắng trụ hấp thụ nhiệt mạnh dễ làm đứt các rễ khí sinh của thanh long nên dùng rơm rạ, lá chuối hoặc bao tải bao một lớp mỏng xung quanh trụ để giảm bớt hấp thụ nhiệt của trụ.

Bước 5: Chuẩn bị hom giống để trồng

Trước khi trồng bà con chú ý cành được chọn làm giống cần chọn trên cây mẹ tốt, khỏe, và phải đạt các tiêu chuẩn sau:

+ Tuổi cành từ 6 – 24 tháng, cần chọn các cành có gốc cành đã bắt đầu hóa gỗ để hạn chế thối cành.

+ Chiều dài cành tốt nhất từ 40-50 cm.

+ Cành khỏe có màu xanh đậm, sạch sâu bệnh.

+ Các mắt mang chùm gai phải tốt, mẩy, khả năng nảy chồi tốt.

Sau khi chọn cành xong, phần gốc cành 2 cm - 4 cm được cắt bỏ phần vỏ, chỉ để lại lõi giúp cành nhanh ra rễ và tránh thối gốc. Cành được giâm nơi thoáng mát khoảng 10 - 15 ngày cho ra rễ hoặc có thể đem trồng thẳng không qua giai đoạn giâm cành.

Bước 6: Mật độ – Khoảng cách trồng

Khoảng cách trồng 3,0 m x 3,5 m hay 3,0 m x 3,0 m. Mật độ trồng 70 - 100 trụ/1000m2. Có thể trồng xen với các loại cây khác. Tuy nhiên, cần bảo đảm cho thanh long nhận đầy đủ ánh sáng.

Hải Đăng