Miễn thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước: Giá nước có giảm?

29/07/2020 16:29 GMT+7
Theo quy định, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước được tính vào giá thành sản xuất của các nhà máy điện, nhà máy nước và được hạch toán vào giá bán điện của các nhà máy điện, giá cung cấp nước sạch của các nhà máy nước. Vậy nếu giảm khoản tiền này, giá nước có giảm?

Ai được hưởng lợi?

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Nghị quyết về miễn thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với doanh nghiệp khai thác nước để sản xuất, kinh doanh trong năm 2020.

Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước giai đoạn từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2020 đối với các tổ chức, cá nhân thuộc trường hợp phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định của Luật Tài nguyên nước.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước là một trong những quy định hoàn toàn mới của Luật Tài nguyên nước. Đây là một chính sách lần đầu tiên được áp dụng ở Việt Nam nhằm nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, đồng thời bước đầu tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước và cũng mới chỉ áp dụng đối với một số hoạt động khai thác nước có lợi thế như: thủy điện, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, chưa thu tiền với hoạt động sản xuất nông nghiệp (sử dụng nhiều nước nhất, khoảng 70%), sinh hoạt của nhân dân.

Miễn thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước: Giá nước có giảm? - Ảnh 1.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Nghị quyết về miễn thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

Theo số liệu báo cáo của các tỉnh và số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì tính đến ngày 10/7/2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt được 655 quyết định cấp quyền khai thác tài nguyên nước với tổng số tiền 9.954,5 tỷ đồng; các địa phương đã phê duyệt được trên 3.300 quyết định cấp quyền khai thác tài nguyên nước với tổng số tiền trên 637 tỷ đồng.

Hiện nay, trong tình cảnh kinh tế, xã hội nước ta những tháng đầu năm 2020 chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19. Kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, những nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Cộng đồng chung châu Âu đang rơi vào tình trạng suy giảm mạnh. 

Dịch COVID-19 đã và đang làm gián đoạn các chuỗi cung ứng sản xuất và lưu chuyển thương mại hàng hóa, đình trệ các hoạt động sản xuất kinh doanh; giảm tổng cung và tổng cầu trên thế giới, gia tăng thất nghiệp, an sinh xã hội bị ảnh hưởng nặng nề,...

Về vấn đề liên quan đến tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước: Đây là loại tiền gián thu, người sử dụng sau cùng phải trả tiền, theo đó toàn bộ tổ chức, cá nhân sinh sống và hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam là đối tượng phải chi trả tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

Với đối tượng tác động là toàn xã hội, việc miễn tiền cấp quyền khai thác, sử dụng tài nguyên nước trong năm 2020 sẽ hỗ trợ phần nào cho việc phục hồi kinh tế sau thời gian giãn cách xã hội chống dịch COVID-19.

Theo quy định của Luật Tài nguyên nước, việc thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước mới chỉ áp dụng đối với một số mục đích sử dụng nước có lợi thế như: Thủy điện, cấp nước cho sản xuất công nghiệp, kinh doanh, dịch vụ,... không thu tiền đối với mục đích sử dụng nước lớn như sản xuất nông nghiệp (chiếm trên 70%), sinh hoạt, hành chính sự nghiệp. 

Tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước được tính toán, xác định cụ thể đối với từng công trình, mục đích, thời điểm bắt đầu khai thác,...

Mặt khác, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, bản chất là khoản thu gián tiếp. Theo quy định thì số tiền này được tính vào giá thành sản xuất của các nhà máy điện, nhà máy nước và được hạch toán vào giá bán điện của các nhà máy điện, giá cung cấp nước sạch của các nhà máy nước.

Thực chất các nhà máy điện, nhà máy nước chỉ là người thu hộ từ những người sử dụng điện, sử dụng nước để nộp cho nhà nước. Do đó, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với sản lượng nước đã khai thác nếu được miễn, không thu khoản tiền này thì thực chất người sử dụng điện, sử dụng nước sẽ không phải nộp chứ không phải các doanh nghiệp sản xuất điện, nước được miễn.

Trường hợp nếu tiếp tục thu thì sẽ phải tính toán vào giá điện, giá nước trong năm 2020 và người dùng điện, dùng nước sẽ phải tiếp tục chi trả khoản tiền nêu trên, đồng thời sẽ tạo áp lực lên giá điện, giá nước, tăng chỉ số CPI trong thời gian tới.

Thị trường hấp dẫn

Thời gian gần đây, ngành kinh doanh nước sạch đã và đang thu hút khá nhiều DN trong nước và nước ngoài tham gia đầu tư trực tiếp lẫn gián tiếp vào lĩnh vực này. Nhiều địa phương khuyến khích hoạt động đầu tư vào ngành nước.

Chẳng hạn như Hà Nội dự kiến đến năm 2020 đạt khoảng 2 triệu m3/ ngày. Mục tiêu về nước sạch đến năm 2020 phấn đấu tỷ lệ người dân nông thôn có nước sạch là 100%, Tp.Hà Nội kêu gọi các nhà đầu tư, các DN tham gia đầu tư các dự án cấp nước theo hình thức xã hội hóa.

Cụ thể, Tổng Công ty CP Thiết bị điện Việt Nam (Gelex) đầu tư trên 50% vốn Nước sạch Sông Đà (Viwasupco), hay Công ty CP Cơ điện lạnh (REE) nâng tỷ lệ sở hữu tại Công ty CP Cấp thoát nước Khánh Hòa lên 45,85%...

Miễn thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước: Giá nước có giảm? - Ảnh 2.

Ngành nước hấp dẫn nhiều "ông lớn"

Thị trường này cũng đang lọt vào tầm ngắm của nhiều đại gia nước ngoài. Điều đó thể hiện rõ trên sàn chứng khoán khi nhà đầu tư nước ngoài liên tục tăng sở hữu hàng loạt tại các công ty ngành nước.

Tính toán trên cơ sở phân tích thực tế cho thấy, tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) của ngành nước giai đoạn 2017 - 2020 lần lượt ở mức 43% đối với nước công nghiệp và 35% đối với nước sạch tiêu dùng.

Các số liệu và phân tích trên cho thấy bức tranh tăng trưởng thực tế khá thuận lợi và nhiều triển vọng của các doanh nghiệp ngành nước gần đây.

Trên thị trường, các doanh nghiệp đang chiếm lĩnh thị phần lớn có thể kể đến như: CTCP Nhựa Ðồng Nai, CTCP Nước - môi trường Bình Dương, CTCP Nước Thủ Dầu Một, CTCP Nước sạch Hà Ðông, CTCP Nước sạch Hà Nội (Hawacom), CTCP Ðầu tư nước sạch Sông Ðà (Viwasupco)...

Theo thống kê, có tới trên 80% doanh nghiệp trong ngành này có biên lãi gộp trên 30%. Trong quý đầu năm 2020, những doanh nghiệp có biên lợi nhuận gộp cao nhất trong nhóm doanh nghiệp ngành nước có thể kể đến như CTCP Cấp nước Vĩnh Long với 65%, CTCP Nước sạch Thái Nguyên với 58%, Viwasupco với 47%...

Viwasupco là một trong những minh chứng cho việc sức mạnh độc quyền của nhà cung cấp rất lớn trong ngành nước. Từ cuối tháng 12/2012 đến nay, Viwasupco chịu nhiều tai tiếng với các sự cố vỡ đường ống 22 lần, cựu giám đốc quản lý dự án từng bị truy tố hình sự 10 năm tù vì tội vi phạm quy định gây hậu quả nghiêm trọng. Đặc biệt, hồi cuối năm 2019, Viwasupco đối mặt với sự cố ô nhiễm nguồn nước sạch Sông Đà. Thế nhưng kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này không suy giảm. 

A.Vũ
Cùng chuyên mục